Thanh Hóa: Siết chặt xử lý chất thải y tế nguy hại

Sơn Hà|04/08/2024 13:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Để nâng cao trách nhiệm trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nghiêm túc việc thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải, ngăn ngừa sự cố môi trường do rác thải y tế gây ra.

Để nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại, mới đây, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định số 36/2024/QĐ-UBND về việc ban hành Quy định về thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các cơ sở y tế bao gồm cơ sở khám, chữa bệnh được cấp phép hoạt động theo quy định của pháp luật về khám, chữa bệnh, cơ sở y tế dự phòng, cơ sở đào tạo khối ngành sức khỏe, cơ sở xét nghiệm, kiểm nghiệm, các cơ sở thẩm mỹ có chất thải y tế nguy hại phải được phân loại, thu gom riêng biệt với chất thải y tế thông thường trước khi đưa vào khu vực lưu giữ.

Việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp chất thải y tế thông thường lẫn vào chất thải y tế nguy hại thì phải quản lý như đối với chất thải y tế nguy hại; chất thải y tế nguy hại phát sinh từ các cơ sở y tế trên địa bàn được xử lý tại cơ sở có chức năng xử lý hoặc được tập trung xử lý tại các cụm, hạn chế việc xử lý phân tán tại các cơ sở y tế. Ưu tiên lựa chọn công nghệ không đốt, thân thiện môi trường và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải y tế lây nhiễm.

y-te.jpg
Các cơ sở y tế phải phân loại, thu gom riêng biệt với chất thải y tế thông thường trước khi đưa vào khu vực lưu giữ.

Đối với các cơ sở y tế được đầu tư thiết bị xử lý trong khuôn viên, cần thực hiện vận chuyển chất thải y tế nguy hại từ các khu vực phát sinh về khu vực lưu giữ chất thải y tế tạm thời của đơn vị đảm bảo không phát tán vi rút, vi khuẩn gây bệnh trong quá trình vận chuyển.

Phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải y tế nguy hại phải bảo đảm đáp ứng các quy định tại khoản 3, Điều 42, Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, có biểu tượng về loại chất thải lưu chứa theo quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế với kích thước phù hợp, được in rõ ràng, dễ đọc, không bị mờ và phai màu trên thiết bị lưu chứa chất thải.

Đối với các cơ sở y tế không thực hiện vận chuyển như trên, phải hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển chất thải nguy hại. Yêu cầu đơn vị vận chuyển phải có giấy phép môi trường trong đó có nội dung thực hiện dịch vụ xử lý chất thải y tế nguy hại theo quy định hoặc giấy phép môi trường thành phần là giấy phép xử lý chất thải nguy hại phù hợp với loại chất thải thực hiện vận chuyển.

UBND tỉnh Thanh Hóa giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, các sở, ngành, các cơ quan, đơn vị có liên quan, UBND cấp huyện và ủy ban nhân dân cấp xã triển khai thực hiện Quy định Phối hợp với Sở Y tế t chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn thực hiện việc thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định.

Đồng thời, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan có liên quan triển tổ chức tập huấn, hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh thực hiện việc phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải y tế nguy hại theo đúng quy định. Kịp thời thông tin cho Sở Tài nguyên và Môi trường về các thay đổi trong thực tế công tác quản lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xây dựng, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung nội dung Quy định. Chủ trì, phối hợp với các sở tổ chức chức rà soát, kiểm tra định kỳ và báo cáo UBND tỉnh xem xét, bố trí kinh phí để đầu tư, nâng cấp, vận hành công trình, thiết bị, hệ thống xử lý chất thải y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thanh Hóa: Siết chặt xử lý chất thải y tế nguy hại