Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa, địa phương này hiện có 19.500 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, nước ngọt 14.110 ha, nước mặn, lợ 5.350 ha… tập trung chủ yếu ở các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, thị xã Nghi Sơn… Sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản giúp người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, từ đó cũng phát sinh nhiều vấn đề về môi trường cần quan tâm.
Huyện Hoằng Hóa là một trong những địa phương có diện tích nuôi trồng thủy sản tương đối lớn, với 2.969 ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp công nghệ cao là 136,4 ha. Tổng sản lượng thủy sản bình quân hằng năm (giai đoạn 2016-2020) ước đạt 23.230 tấn; giá trị sản xuất thủy sản đến năm 2020 của huyện ước đạt 881,7 tỷ đồng.
Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trong nuôi trồng, chế biến thủy sản, ngoài việc tập trung tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức BVMT cho Nhân dân, nhất là Nhân dân các xã vùng biển; cấp ủy, chính quyền huyện Hoằng Hóa còn tích cực triển khai các giải pháp quản lý, kiểm soát tình trạng ô nhiễm môi trường ở các cơ sở chế biến thủy sản.
UBND huyện đã tăng cường phối hợp cùng các ngành chức năng, chỉ đạo các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về BVMT đến từng cơ sở chế biến; yêu cầu tất cả các cơ sở ký cam kết BVMT; phải đảm bảo tất cả các chất thải phát sinh được thu gom, xử lý theo quy định. Các địa phương và mỗi người dân phát huy vai trò kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm đối với những cơ sở có hành vi vi phạm về BVMT.
Ảnh minh họa
Còn tại huyện Hậu Lộc, chỉ tính trong năm 2020, địa phương này đã chuyển đổi được trên 190 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Hiện Hậu Lộc có khoảng 1,9 nghìn ha nuôi trồng thủy sản, gồm các đối tượng nuôi chủ yếu như tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao Bến Tre…
Nhằm nâng cao hiệu quả BVMT tại các vùng nuôi thủy sản, huyện Hậu Lộc đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn người dân thực hiện tốt các biện pháp quản lý, chăm sóc ao nuôi, đặc biệt là phòng chống dịch bệnh; quản lý tốt chất thải, nước thải. UBND huyện Hậu Lộc khuyến khích các hộ nuôi thủy sản tăng cường áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản; sử dụng các loại chế phẩm sinh học trong chăm sóc thủy sản và xử lý môi trường…
Về lâu dài, Hậu Lộc tiếp tục rà soát, bổ sung quy hoạch và thực hiện đúng quy hoạch về thủy sản; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực thủy sản để huy động lượng vốn lớn cho nâng cấp cơ sở hạ tầng vùng nuôi theo hướng đồng bộ.
Những năm qua chính quyền địa phương các cấp có những giải pháp tích cực để thực hiện công tác quản lý, kiểm tra, đánh giá việc chấp hành các quy định của pháp luật về BVMT tại các cơ sở, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản.
Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành nông nghiệp Thanh Hóa, công tác BVMT tại các vùng nuôi thủy sản đến nay vẫn còn những bất cập. Cơ sở hạ tầng các vùng nuôi thủy sản vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đảm bảo an toàn dịch bệnh, còn tình trạng sử dụng chung với hệ thống thủy lợi sản xuất nông nghiệp, làm muối. Đa số ao nuôi chưa có khu xử lý nước thải, bùn thải nên luôn tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường.
Tại các địa phương tồn tại tình trạng một số hộ nuôi chưa thực hiện đúng quy trình kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản. Nhiều diện tích nuôi cá nước ngọt quảng canh chưa quan tâm đến công tác cải tạo ao nên vật nuôi thường bị chết khi gặp thời tiết bất thuận. Nhiều ao nuôi tôm thẻ chân trắng lấy nước trực tiếp từ giếng lọc ngoài biển vào ao nuôi không qua ao lắng, khử khuẩn nên tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.
Để góp phần BVMT và hướng đến phát triển bền vững trong hoạt động nuôi trồng thủy sản, ngày 26/5/2020, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Thanh Hóa ban hành văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường quản lý nuôi trồng thủy sản và nâng cao trách nhiệm trong việc BVMT.
Văn bản cũng đề nghị, chính quyền địa phương các cấp nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thẩm định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và giám sát; chỉ đạo các cơ sở nuôi trồng thủy sản thực hiện các chương trình giám sát, quan trắc môi trường định kỳ, cảnh báo môi trường ở vùng tập trung, vùng cửa sông, ven biển để kịp thời phát hiện xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường.
Nhằm ứng phó kịp thời, nâng cao hiệu quả trong nuôi trồng thủy sản, các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung quản lý, giám sát chặt chẽ vùng, cơ sở nuôi, phối hợp với các cơ quan chức năng làm tốt công tác quan trắc cảnh báo môi trường và dịch bệnh thủy sản, cập nhập thông tin và thông báo kịp thời đến các cơ sở nuôi. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa khuyến cáo người dân không nên nuôi thủy sản tại những nơi nguồn nước không đảm bảo chất lượng. Thả giống với mật độ phù hợp và chăm sóc đúng kỹ thuật để hạn chế thiệt hại do nắng nóng và các hiện tượng thời tiết bất thường gây ra…
Hoàng Hải