Tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội

Mai An (t/h)|22/05/2020 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp, thời gian qua, Hà Nội đã phát triển nhiều dự án nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội cho người yếu thế.

Theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), hiện còn tồn tại một số vướng mắc trong mua bán nhà ở xã hội. Những vướng mắc này khi được xem xét tháo gỡ sẽ tạo điều kiện cho cả người mua nhà ở xã hội cũng như các doanh nghiệp đầu tư phát triển dự án.

Thứ nhất, về hồ sơ mua bán nhà ở xã hội, hiện nay, đối với người mua nhà, theo điểm b khoản 1 Điều 22 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp khi mua nhà ở xã hội phải có Giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi đang làm việc về đối tượng và thực trạng nhà ở.

Thực tế, người mua nhà gặp nhiều khó khăn khi xin xác nhận nội dung này vì cơ quan, tổ chức nơi người mua nhà đang làm việc không thể nắm được và/hoặc không muốn xác nhận về thực trạng nhà ở của nhân viên.

Để giải quyết bất cập trên, VNREA cho rằng cần đề nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi hoặc hướng dẫn cụ thể theo hướng người mua nhà chỉ cần xin xác nhận của UBND xã, phường nơi cư trú về thực trạng nhà ở vì đây mới là nơi quản lý thực trạng nhà ở của người dân.

Ảnh minh họa

Thứ hai, về thủ tục mua bán nhà ở xã hội, hiện nay, theo quy định, để bán nhà ở xã hội, Chủ đầu tư phải công khai thông báo tiếp nhận hồ sơ đăng ký, danh sách khách hàng đăng ký mua, báo cáo kết quả khách hàng ký Hợp đồng mua nhà ở xã hội.

Cụ thể, theo điểm b, khoản 1 Điều 20 Nghị định 100/2015/NĐ-CP trước khi thực hiện việc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư có trách nhiệm cung cấp các thông tin liên quan đến dự án (theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Nghị định 100) và Kế hoạch tổ chức bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội tại dự án gửi Sở Xây dựng trước 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận Đơn đăng ký của khách hàng. Thời gian tiếp nhận hồ sơ mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tối thiểu là 30 ngày làm việc để Sở Xây dựng công khai trên cổng thông tin điện tử và kiểm tra.

Như vậy, với mỗi đợt mở bán nhà ở xã hội, chủ đầu tư sẽ mất tối thiểu là 60 ngày làm việc để chỉ tiếp nhận được hồ sơ mua nhà của khách hàng, bao gồm gửi thông báo cho Sở Xây dựng trước 30 ngày làm việc và thời gian tiếp nhận hồ sơ tối thiếu là 30 ngày làm việc. Thời gian này, theo Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) là quá dài, gây ảnh hưởng tới số đợt mở bán trong năm làm ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh dự án nhà ở xã hội.

Do đó, đại diện tiếng nói cho các doanh nghiệp Bất động sản trong cả nước, mới đây VNREA đã có kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi các quy định này theo hướng rút ngắn thời gian thông báo và nhận hồ sơ đăng ký mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Thứ ba là một số vướng mặc liên quan đến Thủ tục mua bán nhà ở xã hội trên địa bàn TP. Hà Nội. Hiện nay, theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND của UBND TP. Hà Nội, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải “Gửi danh sách các đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đến Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp để thực hiện rà soát nhà và tài sản của các đối tượng trước khi thực hiện ký hợp đồng mua hán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội…”

Bên cạnh đó, theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 20 Nghị định 100/2015/NĐ-CP: “đ) Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm gửi Danh sách các đổi tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo thứ tự ưu tiên (trên cơ sở chấm điểm theo nguyên tắc quy định tại Điều 23 của Nghị định này) về Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án để kiếm tra nhằm loại trừ việc người được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được hỗ trợ nhiều lần… ”.

Như vậy, theo VNREA so với quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP, quy định tại Quyết định số 25/2019/QĐ-UBND đã bổ sung trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc gửi Danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội tới Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tư pháp.

Xuất phát từ thực tế các doanh nghiệp triển khai các dự án nhà ở xã hội, VNREA mới đây đã đưa ra kiến nghị bỏ quy định này. Theo đó, Chủ đầu tư chỉ gửi danh sách đối tượng dự kiến được giải quyết mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đến Sở Xây dựng theo quy định tại Nghị định 100/2015/NĐ-CP. Nếu cần kiểm tra, thẩm định, trên cơ sở danh sách chủ đầu tư đã gửi, Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở ngành liên quan để thực hiện.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã kêu gọi đầu tư 62 dự án. Đến nay, 19 dự án đã hoàn thành cung cấp khoảng 0,9 triệu mét vuông sàn nhà ở. Bên cạnh đó, còn 43 dự án đang triển khai với hơn 3,1 triệu mét vuông sàn. So với mục tiêu phát triển khoảng 6,2 triệu mét vuông sàn nhà ở xã hội, thành phố cần xây dựng thêm khoảng 2,2 triệu mét vuông sàn.

Về giải pháp gỡ khó khăn, Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, bên cạnh cải cách thủ tục hành chính, hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện dự án, từ năm 2019, thành phố đã hình thành quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Nguồn tiền thu từ các dự án nhà ở thương mại tương đương giá trị 20-25% quỹ đất dự án (theo quy định dự án nhà ở thương mại phải dành 20-25% quỹ đất phát triển nhà ở xã hội, thành phố cho phép chủ đầu tư quy đổi thành tiền). Đến nay, đã có 27 dự án nhà ở thương mại nộp hơn 2.754 tỷ đồng. Ngoài ra, còn 96 dự án chưa nộp tiền với khoảng hơn 8.249 tỷ đồng.

Sở Xây dựng cũng đề nghị UBND thành phố kiên quyết thu hồi các dự án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng đất đai, chậm tiến độ hoặc đã giao nhưng không triển khai; đồng thời có kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm bổ sung gói hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân vay tiền mua nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi.

Để thúc đẩy tiến độ xây dựng nhà ở xã hội trong thời gian tới, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã giao Sở Xây dựng chủ trì, làm việc với các nhà đầu tư về tình hình thực hiện dự án, làm rõ các khó khăn, vướng mắc để xem xét, giải quyết, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ; Sở Quy hoạch – Kiến trúc kiểm tra, đôn đốc, hoàn thành công tác lập quy hoạch các khu nhà ở xã hội tập trung…

Dự kiến, cuối tháng 6/2020, TP. Hà Nội sẽ tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư và phát triển. Tại đây, gần 100 dự án sẽ được trao chủ trương đầu tư, trong đó có 26 dự án nhà ở xã hội với số vốn là 72.000 tỷ đồng, hình thành hơn 3 triệu mét vuông nhà ở xã hội để cung cấp ra thị trường cho các đối tượng thu nhập thấp trong những năm tới.

Mai An (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn cho các dự án nhà ở xã hội