Từ ngày 21-29/10, trong khuôn khổ Hội nghị Công ước Ramsar về các vùng đất ngập nước lần thứ 13, diễn ra tại Dubai, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) có 18 địa điểm thuộc 7 quốc gia trên thế giới, đã được công nhận là “vùng đất ngập nước Ramsar” – vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế.
>>>Nga: Gần 7000 người bị ảnh hưởng bởi lũ lụt
Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)
Đây là phiên họp đầu tiên Hội nghị Công ước Ramsar tiến hành công nhận về “vùng đất ngập nước Ramsar.” Trong lần công nhận “vùng đất ngập nước Ramsar” này, Trung Quốc có 6 thành phố, địa phương, Pháp và Hàn Quốc mỗi nước có 4 địa phương, trong khi Hungary, Madagascar, Sri Lanka và Tunisia mỗi nước có 1 địa phương.
Các địa phương này sẽ có thể sử dụng danh hiệu “Ramsar” được cộng đồng quốc tế chứng nhận trong vòng 6 năm. Sau khi hết thời gian chứng nhận, các địa phương có thể đăng ký tái công nhận để kéo dài thêm thời gian.
Theo đó, “Ramsar” là một danh hiệu được cộng đồng quốc tế biết đến rộng rãi và đáng tin cậy. Chính quyền các địa phương có thể tận dụng danh hiệu “Ramsar” để thúc đẩy kinh doanh các nông sản và sản phẩm chế biến thân thiện môi trường, dịch vụ du lịch sinh thái.
Công ước Ramsar là công ước quốc tế về bảo tồn và sử dụng một cách hợp lý và thích đáng các vùng đất ngập nước với mục đích ngăn ngừa việc các khu vực này bị xâm chiếm và biến mất. Công ước được lập ra tại thành phố Ramsar ngày 2/2/1971 và chính thức có hiệu lực từ năm 1975.
Tới nay, 169 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia công ước này, trong đó có Việt Nam. Hơn 2.300 địa điểm đã được đưa vào danh sách các “vùng đất ngập nước Ramsar”.
Đăng Lâm (t/h)