Theo Bộ Y tế, cả nước hiện có gần 50.000 cơ sở khám chữa bệnh. 95% các cơ sở khám bệnh công lập đã dùng phần mềm quản trị đơn thuốc nhưng không đồng nhất và liên thông. 70% các cơ sở bán thuốc ứng dụng phần mềm quản trị nhưng chưa bán thuốc theo đơn.
Đặc biệt, người dân vẫn sử dụng sổ y bạ để mua thuốc và không xác minh được đơn thuốc. Nhà quản lý không biết bác sĩ và cơ sở khám bệnh đã kê đơn gì, ai ra toa và người bệnh đã thực hiện việc mua chưa.
Trước thực trạng đó, Đề án Đơn thuốc điện tử Quốc gia do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) chủ trì sẽ khắc phục tình trạng kiểm soát đơn thuốc, các loại thuốc, thống kê, tổng hợp, phân tích việc kê đơn nhằm truy xuất nguồn gốc và trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong trường hợp vi phạm và hỗ trợ công tác thanh kiểm tra.
Đơn thuốc điện tử Quốc gia đang được thí điểm tại tỉnh Hà Tĩnh.
Phần mềm Đơn thuốc điện tử Quốc gia là nơi có thể tiếp nhận, lưu trữ đơn thuốc được gửi tới từ các cơ sở khám chữa bệnh công lập và tư nhân trên phạm vi toàn quốc. Phần mềm này cũng chia sẻ đơn thuốc tới người bệnh và các cơ sở cung ứng thuốc trên toàn thị trường.
Toàn bộ đơn thuốc đã kê của các cơ sở đều được gửi lên Đơn thuốc điện tử Quốc gia và các cấp quản lý của Bộ Y tế, Sở Y tế, đơn vị chủ quản. Cùng với đó, sẽ có các quy chuẩn cụ thể như đơn thuốc điện tử, kết nối liên thông đơn thuốc điện tử, mã định danh điện tử cho bác sĩ và cơ sở khám chữa bệnh.
Phần mềm Đơn thuốc điện tử Quốc gia sẽ giúp người dân không còn cần dùng đơn thuốc trên giấy hay sổ y bạ như trước đây. Người dân sẽ mua thuốc ở bất kỳ đâu trên lãnh thổ Việt Nam mà chỉ cần có đơn thuốc bằng mã đơn của chính mình. Điều quan trọng hơn, người dân được cảnh báo với các loại thuốc phải tái kê đơn, thuốc kháng sinh hay các loại thuốc cấm khác, được cảnh báo về đơn thuốc quá hạn, cần tái khám mới tiếp tục sử dụng.
Ngoài ra, với phần mềm này, người dân có thể truy xuất ra bác sĩ đã kê đơn cho mình. Từ đó có thể kiến nghị phản hồi hoặc xin tái kê đơn.
Đến nay, phần mềm này đã được thí điểm tại một số bệnh viện lớn như Bạch Mai và các bệnh viện tại Hưng Yên, Hà Tĩnh… Sau khi đánh giá hiệu quả thí điểm, phần mềm này sẽ tiếp tục triển khai mở rộng, nhất là tại tuyến huyện, dự kiến từ đầu năm 2021.
Khi ứng dụng công nghệ sẽ giúp hỗ trợ việc quản lý sử dụng thuốc kháng sinh trong bệnh viện hiệu quả mà sẽ loại bỏ được việc bác sĩ kê thực phẩm chức năng trong đơn thuốc.
Hồng Anh