Thị trường hàng hoá mồng 5 Tết: Chợ truyền thống trở lại hoạt động bình thường

Mai Hạ|26/01/2023 22:47
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Bộ Công Thương, qua khảo sát thị trường hàng hoá ngày mùng 5 Tết cho thấy hầu hết các hệ thống phân phối, chợ truyền thống đều hoạt động bình thường, giá thực phẩm không có biến động.

thi-truong.jpg
Hầu hết các hệ thống phân phối, chợ truyền thống đã hoạt động trở lại bình thường, không có biến động về giá.

So với trước Tết, giá hàng hoá tại các siêu thị không đổi trong khi giá các mặt hàng thực phẩm tại các chợ truyền thống tăng hơn so với ngày thường. Mặc dù người dân đã bắt đầu mua sắm ngay trong những ngày đầu của năm mới, nhưng sức mua bắt đầu nhích dần từ mùng 5 Tết. So với mặt bằng giá ở chợ, giá rau củ, thực phẩm ở các siêu thị ổn định, không biến động. 

Theo Bộ Công Thương, thị trường các mặt hàng phục vụ Tết năm nay khá đa dạng, phong phú xuất phát từ nhiều nguyên nhân như: có nhiều chương trình khuyến mại giảm giá liên tục được các doanh nghiệp áp dụng để cạnh tranh và thu hút nhu cầu mua sắm cuối năm; Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường cam kết bán giá ổn định, hoặc thấp hơn thị trường từ 5-10% với giá bán được giữ ổn định trong thời gian trước, trong và sau Tết; Các địa phương tổ chức tốt hệ thống phân phối đưa hàng Tết đến tay người tiêu dùng, đặc biệt là hàng bình ổn thông qua việc hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các điểm bán hàng Tết, các hội chợ, phiên chợ Tết, kết hợp Chương trình bình ổn thị trường với các chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp...

Đặc biệt, các địa phương cũng đã tổ chức các hoạt động đưa hàng hóa phục vụ bà con đón Tết tại các xã huyện vùng sâu, vùng xa, các xã đảo cách xa đất liền. Trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão, một số địa phương như Kiên Giang, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai... đã có nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc đưa hàng về phục vụ bà con tại các xã đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều khó khăn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, người dân, người lao động có xu hướng chi tiêu cẩn trọng hơn, tiết giảm những chi phí không cần thiết nên sức mua mặc dù tháng cuối năm tăng nhưng không đáng kể và chủ yếu tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng hàng ngày và trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống, thủy hải sản, rau củ quả... những ngày cận Tết tăng theo quy luật thị trường, mức tăng không quá cao và giá nhiều mặt hàng vẫn ở mức tương đương hoặc thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. 

Hàng hoá dồi dào trong khi sức mua chỉ tăng nhẹ là do trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân... cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Hàng hóa tại đây cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được tổ chức vào những ngày cận Tết (từ ngày 25 đến sáng ngày 30 Tết) nên cũng giảm tải cho các chợ truyền thống. 

Hơn nữa, xu hướng mua sắm qua các sàn thương mại điện tử vẫn được nhiều người lựa chọn nhờ vào sự tiện lợi của loại hình này cùng với việc nhà cung cấp tung ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn.

Với sự phát triển của hệ thống phân phối hiện đại, tại các thành phố lớn, xu hướng mua sắm Tết của người dân đến các trung tâm thương mại, siêu thị ngày càng nhiều do mặt hàng đa dạng, chất lượng tốt, giá cả ổn định nhiều sự lựa chọn.

Tại các chợ dân sinh, hoạt động mua bán cũng khá tấp nập, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thực phẩm tươi sống, hoa, trái cây, đồ thờ cúng.

Hàng hoá dồi dào trong khi sức mua chỉ tăng nhẹ là do trong dịp Tết Nguyên đán, tại hầu hết các địa phương đều tổ chức các chợ hoa Tết, Hội chợ Xuân... cũng là các địa điểm thu hút đông người tiêu dùng đến tham quan và mua sắm. Hàng hóa tại đây cũng rất đa dạng, hình thức đẹp và được tổ chức vào những ngày cận Tết (từ ngày 25 đến sáng ngày 30 Tết) nên cũng giảm tải cho các chợ truyền thống. 

Năm nay, các mặt hàng nông sản, đồ khô đa dạng, nhiều mẫu mã lạ, đặc sản địa phương vẫn tiếp tục thu hút người tiêu dùng, nhất là người dân tại các thành phố lớn. Ngoài các mặt hàng nông sản trong nước, có thêm nhiều loại đặc sản nhập khẩu như hạt thông, các loại hạt khô nhập từ châu Âu, thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng. Các loại nông sản khô như đỗ xanh, nấm hương, mộc nhĩ, lạc, măng khô,... giá tương đối ổn định hoặc chỉ tăng nhẹ khoảng 2-3% so với ngày thường.

Riêng mặt hàng hoa, cây cảnh, năm nay, nguồn cung các loại hoa, cây cảnh như đào, mai, quất... cho thị trường dịp Tết rất dồi dào, đa dạng do thời tiết thuận lợi cho sự tăng trưởng của cây trồng. 

Tại các tỉnh phía Nam, nguồn cung hoa cây cảnh nhìn chung tương đương như năm ngoái, nhưng mức giá giảm nhẹ do nhu cầu giảm và khó khăn nên nhiều nhà vườn giảm quy mô. Các loại hoa, cây cảnh phổ biến khác như hoa ly, lay ơn, hoa cúc, hồng... giá giảm từ 5-10% với cùng kỳ năm trước.

Chính vì thế mà nhìn chung, thị trường Tết năm nay khá bình ổn, nguồn cung hàng hóa dồi dào, việc phục vụ Tết của nhiều siêu thị, chợ được kéo dài đến chiều ngày 30 Tết và bắt đầu phục vụ trở lại từ ngày 1-2 Tết, một số siêu thị có vốn đầu tư nước ngoài đã không nghỉ Tết nên đã hạn chế tâm lý mua tích trữ của người dân.

Theo khảo sát của Bộ Công thương, bắt đầu từ sáng nay, hầu hết các hệ thống phân phối, chợ truyền thống bắt đầu hoạt động trở lại bình thường, giá thực phẩm chỉ tăng nhẹ, không có biến động. 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường hàng hoá mồng 5 Tết: Chợ truyền thống trở lại hoạt động bình thường