Thủ tướng yêu cầu ổn định thị trường lao động và chăm lo đời sống người lao động

Nguyên Lâm|17/12/2022 16:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Thủ tướng yêu cầu nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh, chi trả lương, thưởng cho người lao động của doanh nghiệp và đời sống người lao động, nhất là người lao động bị mất việc, thiếu việc làm tạm thời để có các giải pháp hỗ trợ kịp thời, hiệu quả.

thu-tuong-pham-minh-chinh.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 1170/CĐ-TTg ngày 16/12/2022 về các biện pháp ổn định, phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiệu quả, bền vững và chăm lo đời sống người lao động.

Công điện nêu rõ, thời gian qua, bằng nhiều biện pháp, kinh tế phục hồi, tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát, vốn đầu tư tích cực giải ngân, doanh nghiệp hoạt động ổn định góp phần tạo việc làm, thu nhập người lao động cải thiện, tỉ lệ thất nghiệp giảm.

Tuy vậy, một bộ phận doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất ảnh hưởng tới việc làm, thu nhập và đời sống người lao động do tác động của dịch COVID-19, cạnh tranh giữa các nước lớn…

Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác để thực hiện hiệu quả chính sách lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Hoạt động kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động phải được đẩy mạnh, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các bên triển khai các biện pháp để phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh tranh chấp lao động, bỏ việc làm song song với sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam có trách nhiệm chỉ đạo các cấp công đoàn tăng cường đối thoại, thương lượng với doanh nghiệp nhằm bảo đảm duy trì việc làm, sắp xếp và giải quyết chế độ cho người lao động đúng quy định. Đồng thời, cơ quan này hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp, giới thiệu việc làm mới.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện người sử dụng lao động đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đa dạng hóa sản phẩm và chuỗi cung ứng, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm tạo cơ hội việc làm cho người lao động.

Đặc biệt trong Tết dương lịch và Tết âm lịch 2023, Thủ tướng đề nghị bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, phối hợp với các địa phương thường xuyên quan tâm đến vấn đề tuyển dụng, sử dụng, cắt giảm việc làm, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thanh toán đầy đủ tiền lương, thưởng, chế độ chính sách cho người lao động.

Chủ tịch UBND các tỉnh thành có trách nhiệm chỉ đạo chính quyền các cấp, cơ quan chức năng theo dõi sát hoạt động sản xuất kinh doanh và chi trả tiền lương, thưởng cho người lao động, nhất là đối tượng mất việc, thiếu việc sớm ổn định cuộc sống.

Các doanh nghiệp tích cực, chủ động duy trì sự ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, nỗ lực duy trì, bảo đảm việc làm, sắp xếp lao động và giải quyết các chế độ lương, thưởng cho người lao động, nộp đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn, thực hiện nghiêm các cam kết với người lao động theo quy định của pháp luật, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể, nội quy, quy chế và các thỏa thuận khác của doanh nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và kêu gọi người dân, doanh nghiệp, người lao động chung sức, đồng tâm, hiệp lực tập trung khắc phục những khó khăn trước mắt, vượt qua thách thức, bảo đảm việc làm, thu nhập và tập trung chăm lo đời sống người lao động, bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt trong dịp Tết Dương lịch 2023 và Tết Nguyên đán Quý Mão; góp phần quan trọng duy trì sự ổn định và phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập sâu rộng, thực chất, hiệu quả trong thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thủ tướng yêu cầu ổn định thị trường lao động và chăm lo đời sống người lao động