Thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL

Việt Hùng/Báo TN&MT|27/09/2016 03:02
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

– “Đừng coi biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng là “tai họa” mà hãy coi đó cũng là một “cơ may” với Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Nếu coi đó là tai họa, chúng ta sẽ quay lưng lại với biển. Còn nếu coi đó là cơ may, ĐBSCL hãy dang tay ra với biển…” – GS.TS Nguyễn Ngọc Trân – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ Thuật Nhà nước, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Phó trưởng BCĐ Tây Nam Bộ Sơn Minh Thắng và Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình đã chủ trì Hội nghị  sáng 26/9 tại Cà Mau
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Phó trưởng BCĐ Tây Nam Bộ Sơn Minh Thắng và Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Dương Thanh Bình đã chủ trì Hội nghị sáng 26/9 tại Cà Mau

Như báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn đã đưa tin, tại Hội nghị về thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý tổng hợp tài nguyên nước vùng ĐBSCL do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, phối hợp với tỉnh Cà Mau tổ chức ngày 26/9, hàng chục ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý đến từ các bộ, ngành đã phát biểu đưa ra quan điểm, nhận định, giải pháp về ứng phó với BĐKH và phát triển bền vững vùng ĐBSCL.

Phóng viên Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin lược ghi những ý kiến của các đại biểu là các nhà quản lý, nhà khoa học phát biểu tại Hội nghị để bạn đọc theo dõi:

Ông Nguyễn Tấn Dũng – nguyên Thủ tướng Chính phủ: PHẢI SỐNG CÙNG ĐBSCL BẰNG MỌI GIÁ

ÔNG NGUYỄN TẤN DŨNG
ÔNG NGUYỄN TẤN DŨNG

Theo nghiên cứu, Việt Nam là một trong bốn nước bị ngập lớn nhất thế giới do nước biển dâng. Đây không còn là dự báo nữa mà đã và đang diễn ra tại ĐBSCL. Nước biển ở khu vực này đang diễn ra nhanh hơn với tác động cực đoan hơn so với dự báo.

Cùng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ĐBSCL phụ thuộc rất lớn vào số lượng và chất lượng nước của sông Mêkông. Trong khi đó, ở thượng nguồn sông Mêkông Trung Quốc đã xây dựng nhiều thủy điện. Ở hạ nguồn Lào và Camphuchia cũng đang xây dựng thủy điện. Vì vậy, ĐBSCL đang đứng trước thách thức rất lớn về thay đổi dòng chảy, thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn… Trước những thách thức đó, tôi cho rằng, chúng ta phải đối mặt chứ không thể bỏ được ĐBSCL. Chúng ta phải sống cùng ĐBSCL bằng mọi giá vì ĐBSCL có vị trí hết sức quan trọng.

Vậy chúng ta phải làm gì, tôi cho rằng trước hết, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm thông qua kịch bản biến đổi khí hậu (thay kịch bản đã công bố năm 2009) càng sớm càng tốt, trong đó không chỉ dự đoán chung chung mà cần cụ thể cho từng vùng, tiểu vùng, thậm chí là từng địa phương ở ĐBSCL. Ngoài ra, tôi nghĩ, quy hoạch chung ĐBSCL cũng cần cập nhật, trong đó quy hoạch đê, cống, ao hồ cũng cần chú ý bởi nếu không có quy hoạch này thì khó đưa ra danh sách đầu tư, làm không khéo sẽ gây lãng phí…

Ảnh: Thanh Chí
Ảnh: Thanh Chí
BÀ PHAN THỊ MỸ LINH
BÀ PHAN THỊ MỸ LINH

TS Phan Thị Mỹ Linh – Thứ trưởng Bộ Xây dựng: TRÁNH DI CƯ LỚN, ĐẢM BẢO ỔN ĐỊNH CHO ĐBSCL

Để thích ứng với BĐKH và nước biển dâng, trong góc độ quy hoạch và phát triển đô thị, Bộ Xây dựng đã định hướng sẽ phát triển không gian đô thị, bộ sẽ nghiên cứu phát triển theo ba vùng dựa trên địa hình, đặc tính của từng nơi, gồm vùng ngập sâu Đồng Tháp Mười, vùng giữa đồng bằng và vùng ven biển.

Theo đó, Vùng ngập sâu Đồng Tháp Mười dự kiến sẽ là nơi quản lý ngập và trữ nước, phát triển nhà ở, công trình nổi, phát triển thủy sản, trồng tràm và sản xuất kinh tế khác phù hợp ngập sâu; Vùng nước ngọt phù sa giữa đồng bằng sẽ nghiên cứu để phát triển, tăng chất lượng hệ thống đô thị, tập trung mật độ xây dựng cao.

Vùng ven biển sẽ dịch chuyển các tuyến đê ven biển, trồng rừng ngập mặn, nghiên cứu đô thị phù hợp tình hình xâm nhập mặn… Ngoài ra, tôi cho rằng việc phân vùng không gian này còn là định hướng lớn để trên cơ sở đó quy hoạch ngành (thủy lợi, giao thông…) sao cho tránh di cư lớn, tránh đầu tư lớn mà dân vẫn đảm bảo ổn định trong sản xuất cho người dân khu vực ĐBSCL.

Ảnh: Thanh Chí
Ảnh: Thanh Chí

GS.TS Nguyễn Ngọc Trân – nguyên Chủ nhiệm Chương trình Nhà nước điều tra cơ bản tổng hợp ĐBSCL: HÃY COI BĐKH, NƯỚC BIỂN DÂNG LÀ “CƠ MAY” ĐỂ PHÁT TRIỂN

GS.TS NGUYỄN NGỌC TRÂN
GS.TS NGUYỄN NGỌC TRÂN

Tôi cho rằng, bên cạnh việc phải có nhận thức rõ hơn nước không còn là vô tận nên phải sử dụng một cách tiết kiệm và hiệu quả, cũng cần phải coi nước mặn không phải là ‘kẻ thù’ mà là một dạng tài nguyên, như một số nước đã làm. Chúng ta có thể thấy Hà Lan trồng khoai tây trên vùng đất mặn, Israel cung cấp nước ngọt từ nước biển, đến năm 2020, tại quốc gia này, nước ngọt được chế biến từ nước biển sẽ chiếm tới 25% tổng lượng nước ngọt… để làm bài học đối với khu vực ĐBSCL.

Ngoài ra, trong lưu vực sông Mêkông gồm có 6 nước, nhưng chỉ duy nhất ĐBSCL là tiếp giáp với biển, đây là một nét đặc thù, thì tại sao từ thách thức này, mình không biến nó thành lợi thế, là thời cơ để phát triển, mà phải chống lại nó. Đừng coi BĐKH, nước biển dâng là “tai họa” mà hãy coi đó cũng là một “cơ may” với ĐBSCL. Nếu coi đó là tai họa, chúng ta sẽ quay lưng lại với biển. Còn nếu coi đó là cơ may, ĐBSCL hãy dang tay ra với biển…

Để thích ứng với tình hình mới, tôi cho rằng quốc tế và Việt Nam cần phải thay đổi nhận thức. Thứ nhất, phải xem nước sông Mêkông là tài sản chung của các quốc gia trong lưu vực; Thứ hai, sự khan hiếm nước ngọt, nước ngọt không còn là của “trời cho” và những tình huống cực đoan sẽ xảy ra nhiều hơn trong tương lai; Thứ ba, tại vùng phải chung sống với nước mặn, nên xem nước mặn là một dạng tài nguyên cần được khai thác; Thứ tư, vùng ĐBSCL ứng phó với BĐKH và phát triển phải đặt trong bối cảnh có nhiều yếu tố bất định, và thứ năm là phải khắc phục những bất cập trong quản lý Nhà nước. Đó là những điều kiện tiên quyết để ĐBSCL phát triển và đi tới.

Ảnh: Thanh Chí
Ảnh: Thanh Chí
ÔNG NGUYỄN VĂN THỂ
ÔNG NGUYỄN VĂN THỂ

Ông Nguyễn Văn Thể – Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng: CHÍNH PHỦ, TRUNG ƯƠNG CẦN SỚM LÀM QUY HOẠCH LIÊN VÙNG ĐBSCL”

Qua mùa khô mặn năm 2016, theo số liệu thống kê, tình hình hộ dân nghèo và cận nghèo của Sóc Trăng nói riêng và khu vực ĐBSCL tăng lên, tăng lên đều theo các khu vực. Lí do, 4 tháng đầu năm, thiếu nước ngọt, dòng sông thì bị mặn nên người dân không sản xuất được. Vì vậy, nếu tình trạng này lặp lại liên tục thì ĐBSCL có nguy cơ nghèo đói ngày càng tăng.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần quan tâm đến vấn đề ly hương. Trong thời gian vừa qua, vùng này chủ yếu sản xuất nông nghiệp chứ chúng ta chưa trú trọng đến phát triển công nghiệp. Do đó hiện nay, khi mà nông nghiệp bị ảnh hưởng, người dân không có việc làm, không có việc làm buộc bà con phải lên các khu vực có nhiều khu công nghiệp để tìm việc làm. Như thế, cha mẹ, con cái ở nhà không ai lo, không ai quản lý… tôi nghĩ đây là nguy cơ rất lớn của ĐBSCL.

Căn cứ vào tình hình, tôi xin đề xuất về quy hoạch liên vùng không thể để từng tỉnh làm mà cần có sự chỉ đạo từ Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương làm để các tỉnh, các địa phương sản xuất đúng theo quy hoạch và có như thế chúng ta mới có các vùng sản xuất chuyên canh, nhằm đạt hiệu quả cao… Ngoài ra, tôi khẩn thiết đề nghị chúng ta bảo vệ, quản lý nguồn nước ngầm. Không thể để khai thác nước ngầm bừa bãi khiến một số khu vực ở ĐBSCL có nguy cơ lún sụt xảy ra như hiện nay.

Ảnh: Hùng Minh
Ảnh: Hùng Minh

Ths Nguyễn Hữu Thiện – chuyên gia sinh thái vùng ĐBSCL: “NÉ” THỜI TIẾT CỰC ĐOAN ĐỂ TRÁNH THIỆT HẠI

Ths NGUYỄN HỮU THIỆN
Ths NGUYỄN HỮU THIỆN

Tình hình khô hạn và xâm nhập mặn ở ĐBSCL mùa khô sắp tới sẽ phụ thuộc rất lớn vào tình hình mưa ở phía thượng nguồn sông Mekong, đặc biệt là ở Lào. Tôi cho rằng, nếu gặp năm khô hạn, thì cách tốt nhất là “né” về mùa vụ để tránh thiệt hại và chủ động tích trữ nước từ ngay sau đỉnh lũ bằng mọi biện pháp như ao hồ, kênh mương, các vật chứa nước của hộ gia đình.

Ngoài ra, đối với những năm cực đoan, cách tốt nhất vẫn là “né” để tránh thiệt hại. Việc dự báo hạn-mặn không khó bởi vì hạn-mặn không phải xảy ra qua đêm mà có thể biết trước vài tháng. Hạn-mặn ở ĐBSCL tùy thuộc vào lượng mưa từ thượng nguồn Mekong, đặc biệt là mưa ở Lào và ở Tây nguyên của Việt Nam.

Do đó, các tỉnh ven biển có thể biết trước tình hình hạn mặn sau Tết bằng cách quan sát đỉnh lũ ở Tân Châu và Châu Đốc vào khoảng giữa đến cuối tháng 10 và hoàn toàn có thời gian để tích cực chuẩn bị nước cho sinh hoạt và sản xuất bằng mọi cách như trữ trong kênh mương, ao hồ, và vật chứa trong gia đình. Nếu biết tình hình hạn mặn sẽ gay gắt thì nên tránh xuống giống và thay đổi lịch thời vụ để tránh thiệt hại.

Đối với những năm không cực đoan,về lâu dài, trong tình hình nước biển dâng và biến  đổi khí hậu, xâm nhập mặn dần dần sâu vào đất liền là một khuynh hướng khó thay đổi. Do đó, vùng ven biển nên chuyển đổi sang hệ thống canh tác cho phù hợp theo chế độ nước và theo mùa. Không nên cố bám vào hệ thống canh tác nước ngọt ở vùng ven biển, nhất là vào mùa khô.

Theo Việt Hùng/Báo TN&MT


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển kinh tế vùng ĐBSCL