Thiêng liêng Quốc giỗ: Nhớ về nguồn cội

Lê An|02/04/2020 03:18
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Giỗ tổ Hùng Vương mùng 10 tháng 3 là một ngày truyền thống của dân tộc tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương, nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, công ơn của những người đi trước.

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là sự kiện thiêng liêng của dân tộc, nhắc chúng ta nhớ về cội nguồn và lời căn dặn của Bác Hồ kính yêu: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Đó là mệnh lệnh thiêng liêng của đất nước và dân tộc mà tất cả các thế hệ người Việt phải ra sức giữ gìn, xây dựng và phát triển để Tổ quốc thân yêu ngày càng giàu đẹp, trường tồn.

Từ đó, trong tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước, người Việt Nam từ bao đời nay đã hình thành trong tâm thức của mình: Vua Hùng là vị Vua Thủy Tổ dựng nước, là Tổ tiên của dân tộc Việt Nam. Vì thế, Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày để cả dân tộc tưởng nhớ, biết ơn tiền nhân đã có công sinh thành giống nòi, khai mở bờ cõi, tạo dựng hình hài đất nước.

Ngày Giỗ Tổ năm nay đúng thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Dù không có những hoạt động như thường lệ nhưng vẫn là ngày mà mọi trái tim dẫu ở nơi nơi vẫn đập chung một nhịp, cùng ý thức về dân tộc, về nghĩa đồng bào và gắn kết thành một khối đại đoàn kết để vượt qua khó khăn.

Đền Hùng được xây vào thế kỷ 15, là khu di tích quần thể thờ cúng các Vua Hùng và tôn thất, nằm từ chân đến đỉnh ngọn núi Nghĩa Lĩnh cao 175 mét, bao quanh là khu rừng cấm linh thiêng, thuộc xã Hy Cương, Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Ý thức đầu tiên về sự kết nối cộng đồng của người Việt Nam đã được dân gian huyền thoại hóa bằng thiên truyền thuyết “Lạc Long Quân và Âu Cơ” với hình ảnh “Bọc trăm trứng” chứa đựng triết lý nhân văn sâu sắc để lý giải nguồn cội con cháu Rồng Tiên. Từ ngàn đời nay, câu chuyện cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ với “Bọc trăm trứng” (cùng bọc mẹ – nghĩa đồng bào), một huyền thoại mở đất, mở nước, bắt đầu khai mở thời đại các Vua Hùng, trải qua bao tháng năm và thăng trầm của lịch sử vẫn mãi tồn tại trong tâm thức mỗi con dân đất Việt.

Cả dân tộc hướng về Ngày giỗ Tổ để cùng gắn kết yêu thương, mỗi người lại càng thấm sâu hơn tình cảm của những người “cùng chung một bọc”, thấm đẫm hơn nghĩa đồng bào, truyền thống yêu nước của dân tộc. Cái nghĩa đồng bào ấy, thiêng liêng, bền chặt và có sức mạnh to lớn, diệu kỳ.

Từ thuở vua Hùng dựng nước, qua hàng chục thế kỷ đấu tranh với thiên tai, giặc giã, sức mạnh của tình người cùng chung dòng giống Lạc Hồng, chung nguồn cội luôn khiến mỗi người Việt xích lại gần nhau, sát cánh bên nhau thành một khối đoàn kết để vượt qua mọi gian nan, xây dựng đất nước như hiện nay.

Trong cuộc chiến chống dịch bệnh hiện nay với tinh thần đoàn kết toàn dân “chống dịch như chống giặc”, tinh thần yêu nước, cùng chung sức vượt qua qua cơn đại dịch đang được thể hiện rất rõ. Trong lúc khó khăn nhất, gai góc nhất cũng là dịp để mỗi người chúng ta hành động, việc làm cụ thể của mỗi người, mỗi nhà thể hiện bản sắc, tinh thần dân tộc, tô điểm cho bản lĩnh, khí chất con người Việt Nam.

Đó là việc người dân đồng tâm thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, nghiêm cẩn, tự giác thực hiện cách ly xã hội, không ra khỏi nhà khi không có việc thực sự cần, nhằm chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh; hay việc cả nước đồng thuận cùng Chính phủ thực hiện đón hàng vạn đồng bào ở nước ngoài về nước tránh dịch “dù đất nước còn nhiều khó khăn, điều kiện đón, thủ tục cách ly, cơ sở vật chất còn chưa thuận lợi, nhưng đó là nghĩa đồng bào” – lời Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam.

Nhớ ngày Giỗ Tổ, nhớ lời Bác dặn, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, cùng nhau đoàn kết, quyết tâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh và nhất là sớm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 để trả lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Lê An

Bài liên quan
  • [Infographic] Bảo tồn, tôn vinh giá trị các di sản văn hóa
    Moitruong.net.vn – Từ 12-14/9/2019, Lễ hội Thành Tuyên và Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia 2019 sẽ diễn ra tại Tuyên Quang. Đây là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn, tôn vinh giá trị các di sản văn hóa và thúc đẩy du lịch Tuyên Quang ngày càng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiêng liêng Quốc giỗ: Nhớ về nguồn cội