(Moitruong.net.vn) – Ngày 13/3, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học (GDĐH). Luật sửa đổi lần này dự kiến sẽ sửa đổi bổ sung 36/73 điều của Luật GDĐH. Học phí ĐH được xác định theo giá, các ĐH được tự chủ mở ngành từ cử nhân đến tiến sĩ; rút ngắn thời gian học ĐH… là những nội dung quan trọng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đưa ra.
Thời gian đào tạo Đại học sẽ được rút ngắn xuống còn 3 năm
Trường ĐH được tự quyết định mức học phí
Trong số 36/73 điều được đề xuất sửa đổi bổ sung của Luật GDĐH, một nội dung quan trọng là chuyển học phí của cơ sở GDĐH sang quy định về định giá dịch vụ đào tạo, phù hợp với Luật giá, Luật phí và Lệ phí.
Cơ sở GDĐH công lập sẽ được quyền chủ động xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của Chính phủ về giá dịch vụ đào tạo, đảm bảo tương xứng với chất lượng đào tạo.
Ngoài được tự chủ trong việc xác định học phí, các cơ sở GDĐH còn được tự mở ngành đào tạo từ trình độ đại học đến tiến sĩ, khi đáp ứng điều kiện đảm bảo chất lượng như được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH, có nghị quyết thông qua chủ trương mở ngành của hội đồng trường.
Ngoài ra, trong Dự thảo Luật trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tại Điều 6 quy định về hình thức giáo dục đại học vẫn bao gồm giáo dục chính quy và giáo dục thường xuyên. Các hình thức thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên để được cấp văn bằng giáo dục đại học gồm: Vừa làm vừa học; học từ xa.
Trước đó, Bộ GDĐT có hướng đề xuất quy định hình thức đào tạo đại học là tập trung và không tập trung, để tiến tới thống nhất một loại văn bằng. Điều này vấp phải sự phản đối của dư luận, vì chất lượng đào tạo của hệ chính quy và tại chức ở Việt Nam vẫn chưa tương xứng nhau để có thể cấp thống nhất một loại văn bằng.
Học đại học trong 3 năm
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH lần này được sửa đổi theo hướng: Đào tạo trình độ ĐH được thực hiện tương đương từ 3-5 năm học tập trung liên tục tùy theo ngành đào tạo đối với người đã tốt nghiệp THPT (quy định hiện hành là: Đào tạo trình độ ĐH được thực hiện từ 4-6 năm học tùy theo ngành nghề đào tạo).
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, nhiều ý kiến tán thành việc rút ngắn thời gian học và quy định thống nhất quản lý đào tạo theo học chế tín chỉ, nhưng yêu cầu phải có sự thống nhất và tương thích với khung trình độ quốc gia.
Ngoài ra, nhiều ý kiến đề nghị cần xem xét có sự phân định giữa trình độ ĐH 3-4 năm với trình độ ĐH từ 5 năm trở lên theo hướng quy định người tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên nghiệp như bác sĩ, kỹ sư (học từ 5 năm trở lên)… được công nhận đạt trình độ tương đương thạc sĩ, phù hợp với quy định hiện nay trong khung trình độ quốc gia và cũng phù hợp với cách xử lý hiện nay trong giáo dục đại học trên thế giới. Về điều này, Chính phủ sẽ tiếp tục xem xét.
Theo kế hoạch, dự án luật sẽ trình xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và tiếp tục trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tới đây.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, dự thảo nhằm đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế. Một số khái niệm tương đồng với quốc tế và các chuẩn cho giáo dục đại học như chuẩn chương trình, chuẩn giảng viên, chuẩn cơ sở đã được xây dựng làm công cụ quản lý nhà nước, tạo không gian thống nhất trong toàn hệ thống.
“Dự thảo luật quy định không thực hiện liên kết đào tạo đối với các ngành đào tạo bác sĩ để đảm bảo chất lượng các ngành này”, Bộ trưởng Giáo dục cho hay.
Hướng Dương (T/h)