Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân: “Để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả, cần huy động mọi nguồn lực của xã hội”

Hùng Thắng – Anh Quang|16/02/2018 09:14
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Năm qua, ngành Tài nguyên và Môi trường đã đoàn kết, nỗ lực vượt qua khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Công tác bảo vệ môi trường được triển khai đồng bộ từ Trung ương tới địa phương; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường được kiện toàn; công tác thanh, kiểm tra cũng được tăng cường cho nên những sự cố về môi trường lớn đã không còn xảy ra. Nhân dịp đầu Xuân mới Mậu Tuất 2018, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống về những kết quả đạt được và khó khăn cần tháo gỡ trong thời gian sắp tới.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân

MT&CS: Thưa Thứ trưởng, năm qua không còn ghi nhận sự “ồn ào” của những vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, phải chăng các doanh nghiệp đã biết sợ?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Thực tế năm 2017, qua kết quả thanh, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường cho thấy vẫn còn có doanh nghiệp xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải ra môi trường nói riêng và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nói chung. Tuy nhiên, không có những trường hợp gây ra sự cố môi trường nghiêm trọng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và cuộc sống của người dân. Đó là kết quả của sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, Bộ đã yêu cầu toàn ngành đồng loạt ra quân triển khai trên diện rộng kế hoạch thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, tập trung vào các cơ sở có nguồn thải lớn từ 200m³/ngày đêm, các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước.

Cũng trong năm 2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các địa phương giám sát chặt chẽ hoạt động khắc phục các tồn tại, vi phạm, cải thiện các công trình bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt của cơ quan quản lý nhà nước của một số công ty có quy mô xả thải lớn như: Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS), Công ty Lee&Man tại Hậu Giang, đã giúp các doanh nghiệp này đủ điều kiện về mặt môi trường để được đi vào vận hành chính thức, có đóng góp lớn cho phát triển kinh tế – xã hội.

Cùng với đó, ngày 18/11/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định mức xử phạt rất cao đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đặc biệt là hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường. Hiện nay, mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường là cao nhất trong tất cả các lĩnh vực của Việt Nam (mức phạt tiền từ cảnh cáo đến 01 tỷ đồng đối với cá nhân và 02 tỷ đồng đối với tổ chức). Bên cạnh hình thức phạt tiền, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung (đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép môi trường, tịch thu tang vật vi phạm), biện pháp khắc phục hậu quả và công khai thông tin đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường hoặc tác động xấu đến xã hội… Với mức phạt nghiêm khắc nói trên sẽ tác động mạnh mẽ đến ý thức và hành vi của cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong công tác bảo vệ môi trường.

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đang khẩn trương xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các cơ sở gây ô nhiễm môi trường cao, với mục tiêu không để phát sinh các trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng như đã từng xảy ra.

MT&CS: Nghị định 155/2016/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/2/2017 thay thế Nghị định 179/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được coi là rất kịp thời nhằm ngăn chặn những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ môi trường. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về vấn đề này?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Ngày 18/11/2016, Chính phủ ban hành Nghị định số 155/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có một số điểm mới so với Nghị định số 179/2013/NĐ-CP, như: Quy định cụ thể các hành vi vi phạm phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường năm 2014, Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và các tội phạm môi trường theo Bộ luật Hình sự năm 2015; tăng chế tài xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo tính răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về môi trường; điều chỉnh mức xử phạt đối với hành vi vi phạm ít nghiêm trọng đảm bảo sự công bằng trong xử phạt; cụ thể hóa các vi phạm về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu dân cư và phân định rõ thẩm quyền xử phạt của các lực lượng và cơ chế phối hợp trong công tác kiểm tra, thanh tra và xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường…

Nghị định số 179/2013/NĐ-CP trước đây đã có tính răn đe cao, tuy nhiên, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP hiện nay có tính răn đe cao hơn đối với các hành vi cố ý gây ô nhiễm môi trường (ví dụ trước đây hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép trên 10 lần với lưu lượng nước thải trên 10.000m³/ngày thì mức phạt tiền là tối đa, nhưng hiện nay chỉ cần xả nước thải vượt trên 10 lần với lưu lượng lớn hơn 5.000m³/ngày nhưng dưới mức tội phạm môi trường theo quy định của Bộ luật Hình sự thì đã bị xử phạt tối đa. Bên cạnh hình thức phạt tiền, Nghị định số 155/2016/NĐ-CP còn quy định các hình thức xử phạt bổ sung (đình chỉ hoạt động, tước quyền sử dụng giấy phép môi trường, tịch thu tang vật vi phạm), biện pháp khắc phục hậu quả và công khai thông tin đối với hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây ô nhiễm môi trường hoặc tác động xấu đến xã hội… Sau 01 năm thực hiện Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, nhìn chung nhận thức về công tác bảo vệ môi trường của các cá nhân, tổ chức đã từng bước được nâng lên thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật về thanh tra và xử lý vi phạm hành chính.

MT&CS: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản ánh, kiến nghị về công tác bảo vệ môi trường. Hiệu quả của đường dây nóng như thế nào, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Trong thời gian qua, cùng với sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước, tình hình ô nhiễm môi trường và các sự cố môi trường có xu hướng ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước. Cùng với đó, các thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân và báo chí đối với các vấn đề môi trường ngày một đa dạng và mang tính thời sự.

Trước khi triển khai đường dây nóng, do một số nguyên nhân, công tác tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về ô nhiễm môi trường từ Trung ương đến địa phương còn lúng túng; chưa nắm bắt kịp thời, chưa xử lý nhanh các thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân. Công tác tiếp nhận và xử lý vụ việc về ô nhiễm môi trường chúng ta còn bị động, chạy theo báo chí; do vậy một số nơi, một số thời điểm đã xảy ra các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, tạo bức xúc cho cộng đồng và đã có một số rủi ro, sự cố môi trường lớn xảy ra.

Nhằm tạo điều kiện cho vận hành hiệu quả đường dây nóng, ngày 10/10/2017 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Chỉ thị số 03/CT-BTNMT về việc tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức cá nhân về ô nhiễm môi trường nhằm tăng cường tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, cá nhân về ô nhiễm môi trường, phát huy vai trò của người dân và cộng đồng trong bảo vệ môi trường, tạo bước chuyển biến trong công tác ứng phó, xử lý ô nhiễm môi trường. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã ban hành Quy trình tiếp nhận, xác minh, xử lý và phản hồi thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức cá nhân về ô nhiễm môi trường thống nhất trên toàn quốc.

Chỉ sau gần 02 tháng triển khai, đường dây nóng đã tiếp nhận 296 thông tin, phản ánh về các vụ việc về ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước, trong đó các địa phương đã kịp thời xử lý dứt điểm được 77 vụ, chiếm tỷ lệ 26%. Các vụ việc ô nhiễm tập trung chủ yếu tại 02 thành phố lớn là Hà Nội (tổng số 44 vụ, đã xử lý dứt điểm 5 vụ) và Thành phố Hồ Chí Minh (tổng số 61 vụ, đã xử lý dứt điểm 2 vụ). Dẫn đầu về xử lý dứt điểm và kịp thời các vụ việc là tỉnh Vĩnh Phúc đã xử lý 7/7 vụ, Bình Định 2/2 vụ, Bạc Liêu 1/1 vụ. Mặc dù, số vụ việc đã xử lý dứt điểm chưa được nhiều nhưng bước đầu đã tạo hiệu ứng tốt để toàn dân cùng phối hợp tham gia công tác bảo vệ môi trường, tăng cường ngăn ngừa răn đe các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Như vậy có thể thấy rằng, thông qua đường dây nóng, từ chỗ còn bị động, lúng túng khi tiếp nhận, giải quyết một số điểm nóng, sự cố môi trường, đến nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hoàn toàn chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương trong việc xử lý thông tin về các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, điểm nóng về môi trường.

Ông Nguyễn Văn Toàn – Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống tặng Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cuốn Tạp chí Chào năm mới 2018

MT&CS: Trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những biện pháp chỉ đạo cụ thể như thế nào để quản lý môi trường một cách bền vững, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Để quản lý môi trường một cách bền vững, trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tập trung triển khai thực hiện các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tập trung rà soát, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, cụ thể:

– Rà soát, xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và các luật có liên quan đến bảo vệ môi trường; ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các Nghị định, quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

– Rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm về công tác quản lý môi trường, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn môi trường của các nước phát triển trên thế giới.

– Xây dựng và triển khai Đề án kiểm soát đặc biệt đối với các dự án, cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Xây dựng hệ thống tiêu chí về môi trường làm cơ sở lựa chọn, sàng lọc loại hình sản xuất và công nghệ sản xuất phục vụ cho việc thu hút đầu tư, xem xét, phê duyệt các dự án đầu tư.

– Xây dựng Đề án về cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa bảo vệ môi trường, thực hiện đúng nguyên tắc: “Người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho công tác bảo vệ môi trường; người gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải bồi thường, chi trả chi phí xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường”.

– Xây dựng Đề án tổng thể về tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn; Đề án tăng cường năng lực bảo tồn đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn và hành lang đa dạng sinh học.

Thứ hai, tiếp tục đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các vi phạm.

– Xây dựng Kế hoạch thanh tra năm 2018 theo hướng đổi mới, giảm đối tượng thanh tra, kiểm tra, đổi mới hình thức tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra. Xử lý dứt điểm các vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Trong năm 2018, tập trung thanh tra, giám sát các dự án lớn, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra sự cố, ô nhiễm môi trường như dệt nhuộm, luyện thép, sản xuất hóa chất; các cơ sở có lưu lượng nước thải từ 200m³/ngày đêm trở lên; các đối tượng có loại hình sản xuất, công nghệ lạc hậu, nguồn thải lớn, xả thải ra những khu vực nhạy cảm về môi trường như ven biển, lưu vực sông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường.

– Tiếp tục duy trì hoạt động, phát huy hiệu quả của đường dây nóng tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức và cá nhân về ô nhiễm môi trường của trung ương và địa phương nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các vụ việc gây ô nhiễm môi trường, ngăn chặn đến mức thấp nhất các sự cố môi trường có thể xảy ra.

Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành, kết nối giữa Trung ương và địa phương, cơ quan quản lý về môi trường và người dân.

– Tập trung xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường ở Trung ương, các bộ, ngành và địa phương, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả trong quá trình triển khai các nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

– Nâng cao chất lượng, sự thống nhất trong việc hướng dẫn, trả lời các vướng mắc, xử lý các kiến nghị, đề xuất của địa phương trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

– Nghiên cứu, xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa cơ quan môi trường Trung ương và địa phương, người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực môi trường; kịp thời lắng nghe, ghi nhận và giải quyết thỏa đáng các khó khăn, vướng mắc, góp ý của địa phương và có biện pháp tháo gỡ về cả chuyên môn và tài chính trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.

Thứ tư, thực hiện chương trình quan trắc, xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường:

– Tập trung thực hiện các chương trình quan trắc tại các vùng kinh tế trọng điểm, khu tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường thông qua triển khai xây dựng Đề án về quan trắc, cảnh báo về môi trường vùng kinh tế trọng điểm, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và khu vực nhạy cảm về môi trường giai đoạn 2018 – 2025 định hướng 2030.

– Kết nối, kết hợp số liệu quan trắc nguồn thải với quan trắc chất lượng môi trường dự báo diễn biến, đánh giá, xác định nguyên nhân và có các giải pháp ứng phó phù hợp, kịp thời.

– Phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế triển khai xây dựng hệ thống quan trắc môi trường biển 4 tỉnh miền Trung.

Thứ năm, kiện toàn tổ chức bộ máy và cải cách thủ tục hành chính.

– Triển khai thực hiện Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ quản lý môi trường từ Trung ương đến địa phương giai đoạn 2017 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

– Tiếp tục cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính tránh gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện thủ tục hành chính cấp phép qua mạng.

Nhân dịp Xuân mới Mậu Tuất 2018, tôi xin kính chúc Tạp chí Môi trường và Cuộc sống cùng bạn đọc trên mọi miền Tổ quốc lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, gia đình an khang – thịnh vượng!

MT&CS: Xin chân thành cám ơn Thứ trưởng, chúc Thứ trưởng và ngành Tài nguyên và Môi trường gặt hái được nhiều thành công trong năm 2018!

Hùng Thắng – Anh Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân: “Để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả, cần huy động mọi nguồn lực của xã hội”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.