Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao”

Hùng Thắng – Minh Trí (thực hiện)|06/02/2019 01:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

– Năm qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tiếp tục có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng vào những thành công chung của toàn ngành Tài nguyên và Môi trường, cũng như sự phát triển bền vững của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nhân dịp đầu Xuân mới Kỷ Hợi 2019, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân đã dành thời gian trao đổi với phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống về những kết quả đạt được của ngành Tài nguyên và Môi trường trong năm 2018 cũng như những biện pháp chỉ đạo cụ thể về quản lý môi trường một cách bền vững trong thời gian tới.

>>> Hội Nước sạch và Môi trường Việt Nam: Luôn đồng hành cùng các Bộ, Ngành truyền thông nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, nước sạch và biến đổi khí hậu

>>> Thư chúc Tết của Tổng Biên tập Tạp chí Môi trường và Cuộc sống

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân

PV: Xin Thứ trưởng cho biết những kết quả cơ bản đạt được trong lĩnh vực môi trường trong năm 2018?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Năm qua, bằng sự cố gắng nỗ lực, đoàn kết của toàn thể Lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngành Tài nguyên và Môi trường nên các nhiệm vụ đặt ra trong năm 2018 đều hoàn thành. Công tác bảo vệ môi trường được duy trì tốt, không còn sự cố môi trường nghiêm trọng. Một số kết quả cơ bản của ngành Tài nguyên và Môi trường đạt được trong năm qua cụ thể như sau:

Đầu tiên là hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật. Trong năm 2018, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tập trung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực môi trường; hoàn thành, trình ban hành các Nghị định, Thông tư, đề án nhằm tạo lập môi trường pháp lý thuận lợi cho hoạt động bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, cộng đồng, xã hội. Đã trình hồ sơ đề xuất Chính phủ trình Quốc hội bổ sung vào chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2019 về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014, tạo tiền đề cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường trong năm 2019; đã xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành 07 văn bản (02 nghị định, 02 quyết định, 01 chỉ thị và 02 đề án); đã ban hành theo thẩm quyền 03 thông tư; xây dựng, sửa đổi hàng chục tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia thuộc lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường. Đặc biệt, Bộ đã hoàn thành, trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường với việc bổ sung nhiều quy định có tính đột phá, tạo lập hành lang pháp lý hiệu quả cho việc chuyển đổi phương thức quản lý theo hướng chủ động phòng ngừa, tăng cường kiểm soát, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường ngay trong quá trình triển khai dự án, không để xảy ra các sự cố; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đơn giản hoá thủ tục hành chính đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, tăng cường tiền kiểm đi đôi hậu kiểm đối với các dự án tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.

Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện tốt, có hiệu quả, qua đó ý thức chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp có nhiều chuyển biến căn bản, đã dần chuyển từ đối phó sang ý thức tự giác. Năm 2018, Bộ đã chỉ đạo Tổng cục Môi trường hoàn thành tổ chức thanh tra tại 255 cơ sở thuộc đối tượng thanh tra trên địa bàn 25 tỉnh/thành phố. Đến nay, đã xử phạt vi phạm hành chính 60 cơ sở với tổng số tiền 12.988.057.000 đồng; trong đó có 05 cơ sở bị đình chỉ hoạt động bộ phận phát sinh chất thải. Bên cạnh đó, Bộ cũng chỉ đạo Tổng cục Môi trường tiến hành 02 đoàn thanh tra đột xuất đối với 05 cơ sở. Công tác kiểm soát các dự án, nguồn thải lớn, có nguy cơ gây sự cố môi trường được quan tâm đẩy mạnh, đã duy trì có hiệu quả hoạt động của các Tổ giám sát đối với các cơ sở, dự án lớn, đồng thời duy trì và vận hành hiệu quả đường dây nóng phản ánh của người dân và cộng đồng về các vấn đề ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước. Thông qua đó, đã tạo được niềm tin trong nhân dân đối với công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, ngăn chặn đến mức thấp nhất không để xảy ra các sự cố môi trường.

Phương thức quản lý môi trường đã và đang được chuyển đổi từ bị động giải quyết sang chủ động phòng ngừa, đặc biệt sau sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung liên quan đến Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS). Chúng ta từng bước làm chủ công nghệ giám sát, phòng ngừa ô nhiễm, đảm bảo các dự án lớn tiềm ẩn nguy cơ cao từ ô nhiễm môi trường được kiểm soát chặt chẽ, đầu tư các hạng mục công trình xử lý, giám sát đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Đến nay nhiều dự án lớn, trong đó có FHS, Công ty Lee&Man tại Hậu Giang, Alumin Nhân Cơ, Công ty TNHH Lọc hoá dầu Nghi Sơn tỉnh Thanh Hóa; Công ty Cổ phần thép Hòa Phát – Dung Quất, một số nhà máy nhiệt điện… đã được kiểm soát chặt chẽ về bảo vệ môi trường để đi vào vận hành chính thức, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng kinh tế. Chỉ tính riêng đối với FHS, sau khi vận hành cả 2 lò cao, đã đóng góp 1,27% GDP Việt Nam trong năm 2018; dự án lọc hoá dầu Nghi Sơn sau 6 tháng đi vào hoạt động đóng góp cho ngân sách trên 8.000 tỷ đồng, dự kiến trong năm 2019 sẽ đóng góp trên 20.000 tỷ đồng.

Các địa phương đã chú trọng lựa chọn, thu hút các dự án công nghệ cao, dự án có tỷ lệ đầu tư về môi trường lớn, từng bước tiệm cận hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, cải thiện chất lượng tăng trưởng. Nâng cao chất lượng đánh giá tác động môi trường, chủ động triển khai các biện pháp giám sát trong quá trình thử nghiệm và vận hành kết nối trực tuyến với hệ thống giám sát của Sở Tài nguyên và Môi trường không để phát sinh các sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, qua đó chặn đà suy giảm môi trường.

Cũng trong năm 2018, trước tình trạng một số lượng lớn phế liệu tồn đọng tại các cảng biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; ban hành đủ các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, bổ sung các quy định đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hoạt động nhập khẩu phế liệu, tổ chức thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất; đã trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 17/9/2018 về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất

PV: Trong năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có những biện pháp chỉ đạo cụ thể như thế nào để quản lý môi trường một cách bền vững?

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Năm 2019 được Chính phủ xem là năm “Bứt phá” để tăng tốc phát triển, chuẩn bị về đích cho cả giai đoạn 2016 – 2020, tiến tới các mục tiêu dài hạn hơn đến năm 2030, 2045.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo phấn đấu hoàn thành, thậm chí vượt một số chỉ tiêu về môi trường mà Chính phủ đã đặt ra. Cụ thể là: tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung (mục tiêu Chính phủ đặt ra là 89%); hoàn thành xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường tương đương với các nước tiên tiến trên thế giới để đảm bảo yêu cầu hội nhập quốc tế, trong đó yêu cầu 100% các cơ sở sản xuất đầu tư mới phải đáp ứng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn mới, lộ trình đến năm 2025, toàn bộ các cơ sở sản xuất phải đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn mới. 80% tỷ lệ chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh được thu gom vận chuyển và xử lý, đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường. Các cơ chế chính sách về phân loại rác thải tại nguồn được ban hành; các mô hình phân loại, thu gom và xử lý chất thải được xây dựng và triển khai nhân rộng; Ngăn chặn tình trạng dịch chuyển công nghệ lạc hậu, kém thân thiện với môi trường vào Việt Nam.

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, Bộ đã xác định trong ngay từ những ngày đầu năm 2019, sẽ tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau đây:

Thứ nhất, tạo đột phá trong thể chế, chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trọng tâm là sửa đổi Luật bảo vệ môi trường nhằm thay đổi căn bản phương thức quản lý về môi trường, đưa công tác bảo vệ môi trường sang giai đoạn mới, chủ động phòng ngừa ô nhiễm, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, coi rác thải là tài nguyên; chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm đối với các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện môi trường, kiểm soát chặt chẽ các dự án tiềm ẩn nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường; đồng thời thể chế hoá các cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã tham gia. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong điều kiện hội nhập quốc tế bảo đảm lộ trình tiến tới năm 2021 áp dụng mức quy chuẩn, tiêu chuẩn tương đương các nước phát triển.

Thứ hai, triển khai thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường có trọng tâm, trọng điểm, giải quyết cơ bản các điểm nóng phát sinh về khiếu nại, tố cáo. Sẽ tăng cường thanh tra đột xuất, trong đó tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao như: khu công nghiệp, hóa chất, phân bón, y tế, luyện kim, dệt nhuộm, xử lý chất thải nguy hại. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường phải thanh tra, kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm minh.

Phối hợp tốt trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch thanh tra hàng năm, thiết lập cơ chế trao đổi thông tin để khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp giữa Bộ ngành và địa phương trong lĩnh vực tài nguyên môi trường. Đa dạng hoá các kênh thông tin để tiếp nhận các phản ánh kiến nghị của người dân đối với công tác bảo vệ môi trường. Tổ chức lực lượng thanh tra theo vùng để nắm bắt và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra chuyên ngành về môi trường, trong đó xác định các đối tượng thường xuyên vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ vi phạm cao để giám sát chặt chẽ.

Thứ ba, tạo chuyển biến căn bản trong công tác quản lý, hành động bảo vệ môi trường, xây dựng nền kinh tế tuần hoàn với quan điểm coi rác thải là tài nguyên. Triển khai lập Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia làm cơ sở phân vùng, định hướng đầu tư, phát triển các ngành kinh tế, đảm bảo phù hợp với ngưỡng chịu tải của môi trường. Quy hoạch và phát triển mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia bảo đảm giám sát chặt chẽ, cảnh báo chất lượng môi trường, đánh giá môi trường tổng hợp để xem xét cấp phép đầu tư.

Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn, đặc biệt chú trọng xây dựng cơ chế để giảm thiểu, quản lý chặt chẽ rác thải nhựa từ đất liền ra đến đại dương; hoàn thiện và triển khai nhân rộng các mô hình phân loại rác thải tại nguồn, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lý rác thải kết hợp thu hồi năng lượng, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn thu hút sự tham gia hiệu quả của doanh nghiệp. Có các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng thông qua các công cụ thuế, phí, tuyên truyền nâng cao nhận thức; tạo thuận lợi để người dân tiếp cận sản phẩm thay thế thân thiện môi trường; thúc đẩy nếp sống văn minh, hợp vệ sinh môi trường.

Tập trung quản lý môi trường các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; rà soát kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư các khu, cụm công nghiệp hệ thống xử lý nước thải tập trung, buộc các đối tượng có quy mô xả thải lớn lắp đặt hệ thống thiết bị kiểm soát, giám sát hoạt động xả thải theo quy định của pháp luật, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường; trường hợp, Nhà nước đầu tư, phải bố trí kinh phí để thực hiện.

Nâng cao chất lượng công tác thẩm định, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường. Rà soát, tiếp tục thành lập các Tổ giám sát về bảo vệ môi trường đối với các dự án, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây sự cố, ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm không để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng, các dự án, cơ sở này vận hành an toàn về môi trường, có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế – xã hội. Xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; kiểm soát chặt chẽ các nguồn xả thải, và việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.

Tăng cường bảo vệ môi trường các lưu vực sông, cải thiện, phục hồi môi trường, huy động có hiệu quả nguồn lực từ các doanh nghiệp đầu tư các trạm xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ vào lưu vực theo cơ chế xã hội hóa. Tăng cường trách nhiệm của các địa phương có lưu lượng thải lớn ra lưu vực trong xử lý ô nhiễm môi trường.

Tổ chức rà soát, đánh giá, báo cáo kết quả triển khai thi hành Luật Đa dạng sinh học; Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Xây dựng các hướng dẫn kỹ thuật về phân tích nguy cơ xâm hại của loài ngoại lai nhằm từng bước ngăn ngừa và kiểm soát các loài ngoại lai xâm hại; hướng dẫn kỹ thuật về chuồng trại tại các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học, quy trình cứu hộ và tái thả các loài vào môi trường sống tự nhiên. Xây dựng “Đề án kiểm kê đa dạng sinh học và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đa dạng sinh học”.

Nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, Tôi xin chúc bạn đọc gần xa và cán bộ, phóng viên, biên tập viên của Tạp chí Môi trường và Cuộc sống trên mọi miền của Tổ quốc luôn mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công!

PV: Xin chân thành cám ơn Thứ trưởng, chúc Thứ trưởng và ngành Tài nguyên và Môi trường gặt hái được nhiều thành công trong năm 2019!

Hùng Thắng – Minh Trí (thực hiện)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân: “Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật để công tác bảo vệ môi trường đạt hiệu quả cao”