Thừa Thiên – Huế: Diện mạo các huyện miền núi thay đổi nhờ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”

Ngọc Minh|30/05/2022 06:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Diện mạo vùng nông thôn của các huyện miền núi Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên–Huế) ngày càng thay đổi, khởi sắc, xanh – sạch – sáng hơn nhờ sự lan tỏa của phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”.

Lan tỏa tình yêu môi trường đến từng xã

Nam Đông, một huyện vùng núi tỉnh Thừa Thiên – Huế với gần 50% đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi dễ dàng nhận ra sự đổi thay ở vùng đất này, đặc biệt là người dân ngày càng “yêu” môi trường hơn nhờ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” mà tỉnh phát động hơn 3 năm qua.

“Muốn xanh sạch thì trước hết dọn rác, đó phải là nhiệm vụ, là ưu tiên”, một người đàn ông lớn tuổi ở huyện Nam Đông nói như vậy khi được hỏi về cách bảo vệ môi trường sống ở vùng cao này.

Xã Hương Hòa, Hương Sơn vào ngày chủ nhật, như thường lệ, từ sáng sớm, người dân, cán bộ và trẻ em tiến hành dọn dẹp vệ sinh môi trường tại đường làng ngõ xóm, làm hàng rào, dọn dẹp vệ sinh vỉa hè, lòng lề đường, xóa bỏ các tụ điểm ô nhiễm môi trường, đồng thời trồng hoa dọc các tuyến đường chính trong xã, tạo môi trường trong lành.

Đâu đâu cũng rộn ràng tiếng người, tiếng chổi quét rác, tiếng cuốc làm cỏ. Và đến đầu tuần, người dân đi lao động sản xuất, trẻ em đến trường, cán bộ đi làm việc… ai ai cũng cảm thấy tinh thần thoải mái vì đường làng, ngõ xóm nơi mình ở thoáng mát, sạch đẹp.

Quét xong một đoạn đường nhiều rác thải, bà Hồ Thị Mai (trú tại thôn A2, xã Hương Sơn) chia sẻ, cứ mỗi sáng ngày chủ nhật, người dân trong thôn tiến hành dọn dẹp vệ sinh trước cổng nhà, dọn rác và trồng hoa làm cho đường làng ngõ xóm sạch sẽ, không còn rác thải…

Người dân miền núi Thừa Thiên – Huế dọn rác.

“Lúc trước thấy ở quê ô nhiễm lắm, việc dọn rác có được ai hưởng ứng nhiều đâu. Tầm 2- 3 năm qua tỉnh và huyện về đến các thôn tuyên truyền, vận động bảo vệ môi trường nên chúng tôi thấy đúng đắn. Từ đó tự giác hơn”, bà Mai bộc bạch.

Còn tại huyện A Lưới với phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều địa phương xuất hiện nhiều mô hình như “Tuyến đường kiểu mẫu”, “Công sở, trường học xanh-sạch-sáng”, “Tuyến đường hoa” ấn tượng. Nhiều xã đã vận dụng sáng tạo phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” thành các cuộc thi, tạo khí thế thi đua sôi nổi.

Huyện đoàn A Lưới cũng vừa hình thành công trình “Điểm tập kết xanh” xóa các “điểm nóng” rác thải ở thị trấn A Lưới, xây dựng các giàn hoa, chậu hoa được làm bằng các lốp xe ô tô đặt trên vỉa hè; qua đó giúp đồng bào nâng cao ý thức bảo vệ môi trường hơn.

Tại xã Nhâm, chúng tôi bắt gặp tuyến đường tràn ngập sắc hoa ven đường đang khoe sắc, những bông hoa mười giờ xen kẽ với hoa sim, cúc vạn thọ… tạo nên một bức tranh lung linh, đầy sắc màu. Mỗi gia đình làm một chiếc cổng bằng tre được thiết kế độc đáo, lạ mắt theo kiến trúc của người Tà Ôi, Pa Cô. Một góc cổng là những chiếc giỏ tre được người dân tự tay đan lát dùng để đựng và phân loại rác.

Ông PaE Hồ Viên Đỏ, thôn A Hưa (xã Nhâm) cho rằng, ngoài tích cực hưởng ứng “Ngày Chủ nhật xanh” trong những ngày cuối tuần, địa phương sáng kiến lồng ghép tuyên truyền, huy động các tổ chức đoàn, hội, tiến hành giúp mỗi hộ dân đào một hố chôn lấp rác, vận động các hộ dân có điều kiện xây dựng bể lọc chứa nước sinh hoạt, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; phối hợp nhân rộng mô hình này ra khắp các thôn, bản, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, góp phần hình thành việc xây dựng nếp sống mới ở địa phương.

Tiếp tục tuyên truyền bảo vệ môi trường

Theo Chủ tịch UBND huyện Nam Đông – Trần Quốc Phụng, phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” đã được huyện tổ chức triển khai thực hiện trên toàn địa bàn. Hiện nay, cứ đến ngày thứ bảy, chủ nhật, đúng 7h sáng, người dân sẽ tiến hành dọn dẹp vệ sinh, phát quang bụi rậm. Đây là điều rất đáng mừng, từ “Ngày Chủ nhật xanh” do tỉnh đề ra, người dân đã ý thức được rằng nhà mình ở đâu, nằm ở tuyến đường nào thì sẽ tiến hành dọn dẹp vệ sinh, tham gia tích cực, hướng đến hình thành một môi trường không những xanh, sạch mà còn đẹp. Mặt khác cũng góp phần trong việc đẩy nhanh thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới…

Bà Lê Thị Thêm, Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện A Lưới cho rằng, chưa có một thống kê cụ thể nào để đo lường sự quan tâm của người dân về vấn đề bảo vệ môi trường, nhưng rõ nhất là sự thay đổi trong nếp sống của người dân ở vùng cao. Ngoài những nơi có thu gom rác thải tập trung, thì ở những thôn bản khác, họ cũng tự chế các thùng rác, phân loại rác để xử lý hoặc chở ra trung tâm – nơi có các thùng rác để đổ. Hết vệ sinh trong nhà, họ lại cùng nhau làm đẹp đường làng, ngõ xóm. Phụ huynh dặn dò con ý thức giữ gìn vệ sinh chung, nên bây giờ vấn đề ô nhiễm môi trường do rác thải không còn.

Thông qua phong trào “ Ngày Chủ nhật xanh”, người dân miền núi quan tâm hơn đến việc làm sạch nhà cửa, đường ngõ.

Chủ tịch UBND huyện A Lưới – Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, thời gian qua, bà con trên địa bàn huyện nhất là cộng đồng các dân tộc thiểu số đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Hằng tuần, người dân hăng say làm cỏ, quét dọn thu gom rác, trồng hoa, làm hàng rào… Chẳng mấy chốc, các tuyến đường ở huyện sạch và đẹp hẳn. Môi trường vùng cao ngày càng trong lành. Người dân A Lưới đã tự thay đổi nếp sống của mình bằng phương châm “sạch đẹp từ nhà ra đường”. Mong rằng tinh thần của người dân sẽ tiếp tục duy trì và phát huy.

“Thông qua phong trào Ngày Chủ nhật xanh, nhiều vấn đề về môi trường ở khu dân cư đã được giải quyết, góp phần thiết thực trong việc bảo vệ môi trường xanh – sạch – đẹp. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo các xã duy trì và thực hiện tốt phong trào, coi đây là một trong những nhiệm vụ thường xuyên gắn với phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trong toàn huyện”, ông Hùng nói.

Nhiều lần đến các vùng cao Nam Đông và A Lưới, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế Nguyễn Văn Phương biểu dương tinh thần của người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trong thực hiện phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”, những việc làm cụ thể của người dân đã góp phần bảo vệ môi trường, hình thành lối sống văn minh và có trách nhiệm hơn với môi trường. Hy vọng các hoạt động ý nghĩa sẽ được duy trì thường xuyên.

“Các cơ quan, ban ngành nên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện nếp sống văn hóa, khuyến cáo bà con đồng bào hạn chế sử dụng túi ni lông, làm thay đổi nhận thức của người dân”, ông Phương nhấn mạnh.

Ngọc Minh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thừa Thiên – Huế: Diện mạo các huyện miền núi thay đổi nhờ phong trào “Ngày Chủ nhật xanh”
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.