Thừa Thiên – Huế: Hơn 10.000 bao cát được sử dụng để gia cố đê biển

Minh Châu|21/10/2020 03:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Do ảnh hưởng của các cơn bão số 5, 6 và số 7, nhiều đoạn đê kè biển trên địa bàn huyện Phú Vang đã bị sóng cuốn trôi, gây sát lở đất và có nguy cơ mất an toàn.

Theo thông tin từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên – Huế, trong những ngày qua, chính quyền và nhân dân các địa phương trên địa bàn tỉnh phối hợp lực lượng Bộ đội Biên phòng thực hiện cố đê bao, đắp hơn 10.000 bao cát tại các vị trí xâm thực với tổng chiều dài khoảng 500m đảm bảo tính mạng, tài sản của người dân ven biển.

Các điểm sạt lở đang được lực lượng địa phương xử lý, gia cố trước khi thời tiết chuyển biến xấu do ảnh hưởng của cơn bão số 8.

Do mưa lũ kéo dài, tình hình sạt lở bờ biển tại Thừa Thiên – Huế kể từ sau cơn bão số 5 và các cơn bão tiếp theo ngày càng phức tạp. Ước tính hơn 10 km bờ biển của địa phương bị ảnh hưởng, gây nguy cơ mất an toàn về tài sản, tính mạng của người dân sống ven biển. Cụ thể, bờ biển xã Giang Hải (huyện Phú Lộc) sạt lở hơn 3,5 km; xã Hải Dương (thị xã Hương Trà) khoảng 1 km và các xã Phú Thuận, Phú Diên, Phú Hải (huyện Phú Vang) bị sạt lở hơn 6km bờ biển. Nếu không có biện pháp gia cố, trong cơn bão số 8 sắp tới có nguy cơ gây xói mòn, sạt lở, thậm chí là vỡ đê.

Ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, có hơn 4km đoạn đê biển bị sóng dữ đánh hư hại, khả năng xâm thực tràn bờ rất cao nếu không được gia cố kịp thời. Có tổng cộng hơn 3.500 người gồm quân đội, bộ đội biên phòng, người dân, cán bộ xã, huyện, tỉnh cùng làm.

Được sự giúp sức của quân đội, chính quyền xã Phú Thuận đã huy động thêm sức người từ nhiều hộ dân ở xã, và cán bộ xã khẩn cùng làm khi chỉ vài ngày nữa 1 áp thấp nhiệt đới đang mạnh lên thành bão số 8 ảnh hưởng trực tiếp miền Trung. Nhiều đất, cát, đá, bao cát nặng… được lực lượng đưa tới các đoạn đê biển đang bị sóng biển tàn phá.

Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã trực tiếp có mặt tại hiện trường chỉ đạo công tác đắp đê. Trong ngày 19/10 cơ bản sẽ gia cố được các đoạn đê nguy hiểm bị biển xâm thực.

Thiếu tá Lê Khắc Giáp, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu cảng Thuận An cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tăng cường nhân lực, dành nhiều thời gian để giúp người dân, chính quyền huyện Phú Vang khắc phục nhanh nhất có thể, ổn định cuộc sống, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản.

Về lâu dài, đoạn kè dọc bờ sông xã Phú Thuận cần được xử lý phần cứng, đầu tư thêm 2-3 m kè chính, kiên cố để giải quyết tình trạng sạt lở, xâm thực trên địa bàn; ổn định bền vững cuộc sống của người dân sống trong khu vực.

Trước đó, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 5 nên khu vực ven biển tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có gió mạnh kết hợp triều cường, sóng lớn. Hậu quả làm bờ biển địa phương tiếp tục sạt lở nặng, ăn sâu vào đất liền từ 5 đến 10 m; dài khoảng 6,2 km. Bờ biển ăn sâu vào đất liền trung bình từ 5-10 m; làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của nhiều người dân xung quanh các khu vực này.

Những ngày tới mưa lũ có khả năng sẽ còn tiếp tục phức tạp, nguy cơ sạt lở đất, lũ quét tại các vùng núi ở mức cao; sạt lở bờ biển, bờ sông, tình trạng ngập lụt sâu diện rộng, kéo dài xảy ra.

Minh Châu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Thừa Thiên – Huế: Hơn 10.000 bao cát được sử dụng để gia cố đê biển
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.