Thừa Thiên – Huế: Làng bún Vân Cù “lột xác” thoát ô nhiễm

H.Đội|26/07/2017 04:40
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Sau một thời gian dài sống chung với ô nhiễm từ việc sản xuất bún, ngàn hôm nay, làng bún Vân Cù đã hoàn toàn “lột xác” nhờ vào việc đầu tư hệ thống nước thải và trở thành một làng nghề phát triển bền vững.

VC3

Đền thờ bà tổ Nghề Bún ở thôn Vân Cù.

Những năm vật lộn cùng mùi thối kinh hoàng

Làng Vân Cù (xã Hương Toàn, thị xã Hương Trà) nằm về phía bắc TP. Huế. Vùng quê này nổi tiếng với nghề truyền thống làm bún gạo tươi có lịch sử hơn 400 năm. Nhờ việc phát triển nghề bún đã góp phần giải quyết công ăn việc làm và tăng thu nhập cho các hộ gia đình nơi đây. Bên cạnh đó môi trường sống của họ cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng.

Theo thống kê, Làng Vân Cù hiện có gần 50% số hộ (160/350) trực tiếp làm nghề sản xuất bún, số hộ còn lại cũng tham gia vào việc cung cấp nguyên vật liệu, đưa bún ra khắp các huyện, thị thành phố tiêu thụ. Mỗi ngày các lò bún ở đây cung cấp cho thị trường hàng chục tấn bún các loại. Hộ ít, sản xuất 1-2 tạ, hộ nhiều 3-4 tạ/ngày. Chưa kể các dịp lễ, tết thì công suất làm bún phải tăng gấp đôi.

Trò chuyện với phóng viên, những vị cao niên trong làng kể lại, làng Vân Cù xưa làm bún bằng các phương pháp thủ công nên số lượng bún sản xuất mỗi ngày ít thì việc ô nhiễm còn đỡ. Từ ngày đưa các loại máy móc hiện đại vào sản xuất, số lượng bún tăng lên, lượng chất thải chưa qua xử lý cũng tăng đột biến, chảy ra khắp các cống rãnh, ao, hồ.

Người dân trong làng cho biết, thời đó, chỉ cần đặt chân đến đầu làng đã ngửi thấy mùi hôi chua của nước gạo. Mùi chua thối gây ám ảnh với những vị khách lần đầu đến với Vân Cù. Còn người dân nơi đây, dù rất khốn khổ do ô nhiễm, nhưng vì miếng cơm manh áo nên cố gắng chịu đựng suốt thời gian dài.

“Mấy năm trước, khi nhắc đến vùng Vân Cù ai cũng lắc đầu ngán ngẫm bởi ở đây luôn xuất hiện mùi hôi thối nồng nặc. Nước làm bún phủ bọt trắng xóa, chảy lênh láng ra các ao, hồ và đồng ruộng, tích tụ lâu ngày bốc mùi hôi kinh khủng. Chính vì vậy mà nhiều người trong làng đã mắc các bệnh về đường hô hấp…”, Một người dân làng Vân Cù, cho biết.

Xử lý nước thải, phát triển nghề bền vững

Hiện nay, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm đồng thời mở rộng quy mô sản xuất, làng nghề bún Vân Cù đang thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để nghề làm bún phát triển một cách bền vững như: Tìm kiếm thông tin về giá cả, thị trường; Tìm nguồn cung cấp nguyên liệu và đầu ra cho sản phẩm; Hỗ trợ hội viên nắm bắt các kiến thức pháp luật và ký cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; tTng cường khả năng cạnh tranh; Và quan trọng nhất là tìm phương án hợp lý để bảo vệ môi trường.

VC1

Người dân làng bún Vân Cù xây dựng bể lắng, lọc nước thải trước khi xả ra mương xử lý.

Được sự vận động của các cấp, những năm qua, người làm bún ở Vân Cù đều rất chú trọng đến khâu xử lý nước thải, bảo vệ môi trường. Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân No, một trong những hộ làm bún lâu đời và quy mô lớn ở làng. Mỗi ngày, gia đình cung cấp ra thị trường trên 300kg bún tươi. Để không gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, ông đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải trị giá 4,5 triệu đồng. Mặc dù số vốn đầu tư vật liệu khá lớn nhưng ông cũng vui vẻ làm bể xử lý lắng lọc.

Theo thiết kế, mỗi hệ thống xử lý nước thải sẽ gồm 2 bể lọc, một bể có diện tích lớn hơn đề lắng động nước thải có chứa các chất cặn bã, bể còn lại có thể tích nhỏ hơn sẽ chứa nước sau lắng lọc, khi đạt tiêu chuẩn mới được cho ra môi trường. Bên cạnh đó, tại các đường trong làng đều được xây dựng cống rãnh để xử lý nước thải tập trung. Không chỉ vậy, xã Hương Toàn còn tổ chức thu gom các loại rác thải, bao bì nilon phát sinh trong qua trình sản xuất bún. Nhờ vậy, tình hình ô nhiễm mỗi trường tại đây đã được khắc phục tối đa nhất.

Trao đổi với PV Moitruong.net.vn Ông Nguyễn Văn Tích, Chủ tịch hội làng nghề bún Vân Cù vui vẻ cho biết: “Năm 2012, địa phương được Sở Khoa học Công nghệ và môi trường tỉnh đầu tư nguồn vốn trên 2,8 tỷ đồng để thực hiện dự án xây dựng mương xử lý nước thải vệ sinh môi trường làng nghề. Đến nay, 80% số hộ có sử dụng hầm biogas để xử lý chất thải chăn nuôi và 100% số hộ đã xây dựng bể lắng, lọc trước khi xả thải ra mương xử lý. Tình trạng ô nhiễm môi trường cơ bản được giải quyết. Chính điều này đã trở thành động lực lớn tạo nên sự hồi sinh và phát triển mạnh mẽ cho làng nghề bún Vân Cù”.

VC2

Ông Nguyễn Văn Tích, chủ tịch hội làng nghề bún tươi Vân Cù phấn khởi khi sức khỏe người làm bún nơi đây ngày càng tốt lên nhờ làm tốt khâu bảo vệ môi trường.

Điều phấn khởi nữa là việc sản xuất bún của bà con đã được máy móc hỗ trợ, vừa cho sản lượng nhiều, ít tốn công sức, thời gian lại vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, từ khi áp dụng hệ thống máy móc vào sản xuất, người dân không còn phải chọn các loại gạo dài nhập từ nơi khác về mà sử dụng ngay gạo Khang dân của địa phương sản xuất nên giảm được chi phí rất nhiều.

Được biết, ngày 18/7/2014, làng Vân Cù được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống sản phẩm bún tươi. Cả làng vui như ngày hội lớn. Sau khi được công nhận làng nghề truyền thống, tiếng tăm làng nghề được vang xa hơn, tạo cơ hội giúp nghề bún, bún Vân Cù khẳng định thương hiệu trong lòng người tiêu dùng. Vân Cù giờ là một làng quê khá trù phú, nhộn nhịp, tất cả cũng nhờ những sợi bún bé nhỏ, dẻo dai được tạo nên từ những “hạt ngọc” đồng quê của làng.

                                                                                        H.Đội 

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên – Huế: Làng bún Vân Cù “lột xác” thoát ô nhiễm