(Moitruong.net.vn) –
Nhiều ngư dân ở tỉnh Thừa Thiên – Huế bị cá nóc cắn phá lưới
Những ngư dân đi biển lâu năm ở huyện Phú Vang (Thừa Thiên – Huế) lo lắng cho biết, loài cá nóc thường xuất hiện vào thời điểm mùa hè từ tháng 5 đến tháng 8 dương lịch nhưng không biết năm nay vì môi trường, khí hậu thay đổi thế nào mà cá nóc xuất hiện số lượng đàn nhiều hơn. Nhiều chuyến đi biển của ngư dân trong vùng bị thiệt hại nặng bởi cá nóc cắn phá ngư lưới cụ làm sản lượng giảm sút, thu nhập thấp hơn hẳn.
“Năm nay cá nóc xuất hiện nhiều quá, chúng cắn nát lưới của tôi làm cá đánh bắt được bao nhiêu đều bị thất thoát hết, thu nhập còn có vài trăm nghìn thay vì vài triệu như trước. Bình thường, tôi thường bủa lưới thời gian 1 – 2 giờ thì nay còn khoảng vài chục phút do sợ cá nóc phá lưới, nếu trúng luồn nó đi thì xong…”, ngư dân Nguyễn Băm (60 tuổi, thôn Hòa Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang) than thở.
Ngư dân Nguyễn Băm lo lắng trước nạn cá nóc hoành hành nhiều thời gian gần đây
Nhiều ngư dân cho biết thêm, không chỉ đánh bắt xa bờ, ngư dân đánh bắt gần bờ vùng cửa biển, đầm phá cũng gặp khó khăn vì cá nóc xuất hiện nhiều. Trung bình với mỗi chuyến khai thác gần bờ với 10 tấn hải sản như cá trích cá hố, thì ngư dân phải đổ bỏ từ 1 – 2 tấn cá nóc lạc vào mảnh lưới. Việc bị cá nóc cắn phá lưới đã khiến người dân phải ở nhà cả tháng để vá lưới, còn những lưới bị hư hại quá nặng không thể sửa được nữa thì phải tốn tiền triệu để thay mới.
Thống kê của xã Phú Thuận, hiện toàn xã có 56 tàu xa bờ và gần 130 thuyền bãi ngang với khoảng 800 lao động. Trong đó, riêng đánh bắt xa bờ bằng rường câu cá hố thường trực có khoảng 200 lao động. Số lao động này hiện nay đang gặp khó khăn vì cá nóc cắn phá câu gây hư hỏng nhiều ngư lưới cụ.
Trên địa bàn thị trấn Thuận An, đã có hơn 140 tàu cá hành nghề lưới rê bị cá nóc cắn phá ngư cụ, thất thoát thủy sản. Ngoài ra, ở một số một số xã biển thuộc các huyện Quảng Điền, Phú Lộc của tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đang thiệt hại nặng do cá nóc gây ra, thuyền thúng phải nằm bờ…
Ông Ngô Văn Đủ – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An cho biết, đã báo cáo cho UBND huyện cũng như Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thừa Thiên – Huế biết để có hướng chỉ đạo, tìm hiểu. Thị trấn cũng đã tuyên truyền qua các phương tiện đại chúng để bà con không nên ăn cá nóc. Ngoài ra tiếp tục vận động ngư dân vươn khơi bám biển, tránh xa khu vực được khuyến cáo có nhiều cá nóc và tiếp tục tìm vùng biển mới để khai thác…
Được biết, cá nóc sống ở tầng đáy, sát đáy biển, hoặc vùng cửa sông, nước lợ có thân dài từ 4 đến 40cm, vây ngắn, đầu to, mắt lồi, thịt trắng. Độc tố cá nóc có thành phần chủ yếu là Tetrodotoxin, thuộc nhóm độc tố thần kinh cực kỳ nguy hiểm, tập trung cao nhất ở gan và trứng, độc tính tăng mạnh vào mùa sinh sản. Đây là loài cá được mệnh danh là cá “tử thần”.
Sở Y tế Thừa Thiên – Huế khuyến cáo, người dân không được sử dụng cá nóc làm thực phẩm vì đây là loài thủy sản có độc tố cao. Ngay cả khi đun sôi ở nhiệt độ 1.000 độ C trong 6 giờ, lượng độc tố trong cá nóc mới giảm đi 50%, độc tố chỉ mất đi khi được đun sôi ở 2.000 độ C trong 10 phút. Vì thế, không thể làm mất độc cá nóc bằng cách nấu và chế biến thông thường
H.Đội