Thừa Thiên Huế: Nuôi cá lồng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

Ngọc Phương|20/12/2016 04:04
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn)

Việc nuôi cá lồng phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch ở TT-Huế đã khiến cho mật độ nuôi dày. Lượng thức ăn thừa, chất thải của cá, hóa chất xử lý… đang đe dọa nghiêm trọng môi trường nước.

Trên địa bàn tỉnh TT – Huế nuôi cá lồng đang mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Nhờ nuôi cá lồng nên nhiều hộ gia đình đã có nguồn thu nhập ổn định ngoài nguồn thu chính từ sản xuất nông nghiệp. Nguồn thức ăn chủ yếu cho cá đều từ các phế phụ phẩm nông nghiệp nên không tốn chi phí mua thức ăn. Vốn đầu tư nuôi cá lồng cũng không cao.

Tuy nhiên, vấn đề đáng lo ngại sự gia tăng nhanh lồng nuôi một cách tự phát sẽ để lại những vấn đề về môi trường, tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh, thị trường tiêu thụ không ổn định. Do nuôi tự phát nên các hộ chưa tính toán được về khoảng cách giữa các lồng, cụm đặt lồng.

Trên thực tế, từ ngày 8 đến 10/11, hơn 350 lồng cá tại huyện Phú Lộc-tỉnh TT Huế bị chết đột ngột, sau những trận mưa lớn bất thường.

Tiếp đó, từ ngày 5/12, huyện Phú Lộc bắt đầu xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng bị chết trở lại trên đầm Cầu Hai, khu vực thuộc 2 xã Vinh Hiền và Lộc Bình. Cá nuôi chết chủ yếu là cá vẩu, cá mú, cá hồng với trọng lượng mỗi con từ 1-1,5kg.

Số lượng cá nuôi lồng bị chết trên đầm Cầu Hai từ ngày 5/12 đến nay khoảng 9 tấn. Trong đó, ở xã Vinh Hiền là 7 tấn và xã Lộc Bình là 2 tấn. Con số này vẫn tiếp tục tăng.

1

Mô hình nuôi cá lồng tự phát tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước

Không chỉ ở đầm Cầu Hai, cá nuôi lồng còn chết nhiều trên đầm Lăng Cô. Từ ngày 8/12 đến nay, ở khu vực Hói Mít (tổ dân phố An Cư Tây) ghi nhận 50 lồng nuôi có cá bị chết. Số cá này chủ yếu là cá dìa, cá vẩu, cá mú với trọng lượng trung bình mỗi con từ 1,5-2,5kg. Đến thời điểm này, số lượng cá chết trên đầm Lăng Cô được vớt lên gần 1 tấn.

Hiện tượng cá chết hàng loạt trong thời gian ngắn đã khiến cho môi trường nước ở khu vực này bị ô nhiễm nặng nề. Dịch bệnh từ các lồng nuôi cá cũng vì thế mà lan nhanh.

Kết quả đánh giá của Chi cục Thú y và Chi cục Thủy sản của tỉnh Thừa Thiên – Huế cho thấy nguyên nhân cá chết ở đầm Cầu Hai là do các trận mưa lớn trước đó khiến lượng nước ngọt đổ vào đầm tăng, môi trường nước lợ ở đây bị thay đổi đột ngột. Cá không thích nghi kịp nên chết hàng loạt.

Còn ở khu vực đầm Lăng Cô, qua phân tích mẫu cá chết thấy có nhiều kết tủa vôi, hàu ở mang cá và nội tạng. Nơi đây, có rất nhiều hộ dân nuôi hàu.

Theo đánh giá chung của một số cơ quan chuyên môn thì nguyên nhân cá lồng chết chủ yếu từ các bệnh do vi khuẩn bởi nguồn nước bị ô nhiễm gây ra. Việc ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là ở khu vực nước tĩnh bắt nguồn từ những lý do như lượng thức ăn cho cá dư thừa, không kịp phân hủy; chất thải của cá nhiều do số lượng lồng lớn bị các hộ vứt luôn ra sông thời điểm lưu lượng nước chảy yếu không đủ đẩy chất thải đi xa; dư lượng hóa chất xử lý lồng nuôi, thuốc chữa bệnh cho cá, rác thải của người nuôi khi sinh hoạt trên bè…

Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân khác là các chủ lồng sau khi thu hoạch vệ sinh lồng, khử trùng chưa kỹ khiến nhiều loại vi khuẩn gây hại có điều kiện phát triển.

Do đó, việc tăng cường triển khai nhiều giải pháp của các cơ quan chức năng nhằm đảm bảo quy định về nuôi cá lồng bè trên địa bàn tỉnh là rất cần thiết. Cần quy hoạch và phát triển mô hình nuôi cá lồng tiến hành sắp xếp lại các lồng nuôi, đảm bảo các tiêu chí về khoảng cách, vệ sinh môi trường. Để vừa phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường sống.

Ngọc Phương


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thừa Thiên Huế: Nuôi cá lồng tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm nguồn nước