Thúc đẩy bình đẳng giới trong hoạt động Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc
Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV, Dự án Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình (GGHB) của Liên hợp quốc (LHQ) được thảo luận với nhiều nội dung mới, đặc biệt chú trọng thúc đẩy bình đẳng giới trong lực lượng vũ trang và dân sự.
Sự cần thiết của vấn đề bình đẳng giới
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc tham gia hoạt động GGHB LHQ, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Trong những đóng góp đó, không thể không nhắc đến vai trò của các nữ chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, hoạt động này đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập trong công tác tổ chức xây dựng lực lượng; cơ chế, qui trình triển khai.
Thứ nhất, LHQ khuyến khích nữ giới trong lực lượng vũ trang tham gia hoạt động GGHB LHQ nhằm thúc đẩy vai trò của phụ nữ và BĐG trong hoạt động này. Tính đến ngày 31/5/2023, trong tổng số 76.694 nhân viên GGHB, có 6.456 phụ nữ chiếm 8,4% (trong đó nữ quân nhân 4.920/63.958 và nữ cảnh sát là 1.536/7.816 với tỉ lệ lần lượt là 7,7% và 19,6%)1. Theo Nghị quyết số 2242 ngày 13/10/2015 của Hội đồng Bảo an LHQ, LHQ kì vọng đến năm 2028, tỉ lệ nữ quân nhân trong các đơn vị quân sự sẽ đạt 15%, nữ quân nhân tham gia hình thức cá nhân đạt 25%, nữ cảnh sát trong các đơn vị đạt 20% và tỉ lệ này đối với sĩ quan cảnh sát cá nhân đạt 30%. Do đó, Luật ban hành cần bổ sung yếu tố giới nhằm khuyến khích nữ giới tham gia đóng gióp vào các hoạt động GGHB LHQ.
.png)
Hai là, chưa có văn bản pháp luật qui định về vấn đề giới trong tham gia hoạt động GGHB LHQ. Hiện nay, nữ giới được triển khai trong tất cả các lĩnh vực – lực lượng vũ trang và dân sự – và đã tạo ra tác động tích cực đến môi trường GGHB, cả trong hỗ trợ và bảo vệ quyền của phụ nữ. Họ và các đồng nghiệp nam đều thực hiện các nhiệm vụ giống nhau, theo cùng tiêu chuẩn và điều kiện khó khăn. Mặc dù LHQ khuyến khích tăng cường nữ giới trong hoạt động GGHB nhưng trách nhiệm triển khai và các qui định về giới thuộc về các quốc gia thành viên. Thời gian qua, tỉ lệ nữ giới của Việt Nam tham gia GGHB đã bảo đảm theo đề xuất của LHQ (theo thống kê của LHQ, tính đến ngày 31/10/2022, tỉ lệ nữ tham gia hoạt động GGHB LHQ của Việt Nam theo hình thức cá nhân và đơn vị lần lượt là 19,05% và 13,36%2; đến nay, tỉ lệ nữ chiếm trên 13%3 số cán bộ được cử đi) nhưng Nhà nước chưa có văn bản pháp luật qui định về giới trong tham gia hoạt động GGHB LHQ.
Thứ ba, hệ thống văn bản qui phạm pháp luật hiện hành chưa có qui định trợ cấp đặc thù đối với nữ, chưa ưu tiên nữ giới khi tham gia hoạt động GGHB LHQ. Các văn bản hiện hành của Việt Nam còn bất cập, chưa có sự đồng thuận giữa các ban, bộ, ngành liên quan; một số chế độ chính sách còn chưa mang tính ưu tiên, khuyến khích, nhất là đối với lực lượng nữ. Cụ thể, Nghị định số 162/2016/NĐ-CP về chế độ, chính sách cho lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ chưa bao quát hết các đối tượng được đề cập trong văn bản qui phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao hơn (Nghị quyết số 130/2020/QH14). Nghị quyết số 130/2020/QH14 qui định về chế độ, chính sách phù hợp với tính chất nhiệm vụ và đặc thù của hoạt động của lực lượng tham gia GGHB song chưa đề cập cụ thể đến đối tượng nữa giới. Trước đó, Nghị định số 162/2016/NĐ-CP cũng chưa qui định về vấn đề này. Các chế độ, chính sách của cán bộ nữ và nam đều như nhau, không có sự ưu tiên đặc biệt nữ giới để động viên, khuyến khích. Hay nói đúng hơn các chính sách hiện hành chưa có sự phân hóa và qui định theo đặc thù giới.
Thứ tư, rào cản từ định kiến xã hội khi phụ nữ được coi là phái yếu và đóng vai trò chính trong việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Do đó, đối với các nhiệm vụ xã hội nói chung, nhiệm vụ tham gia hoạt động GGHB LHQ nói riêng, người phụ nữ phải sống xa gia đình trong thời gian dài (ít nhất là một năm), không có điều kiện chăm sóc, nuôi dạy con cái, củng cố và xây dựng hạnh phúc gia đình, nên sẽ khó nhận được sự ủng hộ từ phía gia đình, sự cảm thông và chia sẻ từ phía chồng con.
Hiện nay, ngày càng có nhiều nữ sĩ quan Việt Nam trong Phái bộ GGHB LHQ là nỗ lực không ngừng của Việt Nam trong bối cảnh thúc đẩy BĐG, tăng cường trao quyền cho phụ nữ, đóng góp vào một tương lai bền vững, an ninh, an toàn trong khu vực và trên thế giới. Việc đảm bảo nguyên tắc BĐG phải được ghi nhận thành các qui định của pháp luật về biện pháp khuyến khích, bảo vệ, hỗ trợ phụ nữ tham gia GGHB LHQ nhằm cụ thể hóa các qui định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền công dân, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực; bảo đảm thiết lập các nguyên tắc và biện pháp phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam và tình hình tham gia hoạt động GGHB LHQ tại các phái bộ.
Việc hoàn thiện các qui định về tham gia hoạt động GGHB LHQ phải đầy đủ, rõ ràng, minh bạch, cụ thể, ổn định, đóng góp vào việc thiết lập cơ chế bảo đảm BĐG thực chất trong hoạt động tham gia lực lượng GGHB LHQ, bảo đảm sự phù hợp của pháp luật Việt Nam với mục tiêu khuyến khích nâng cao tỉ lệ nữ trong tham gia hoạt động GGHB LHQ tại Nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Trung tá Nguyễn Thu Hà – Sĩ quan Công an tham gia nhiệm vụ tại Phái bộ GGHB UNMISS chia sẻ: “Tôi nghĩ rằng vai trò của nữ cảnh sát nói chung rất là quan trọng. Bởi vì phụ nữ là những người có thể tiếp cận đến cộng đồng, những người yếu thế. Chúng tôi có những cách tiếp cận, những cách lan tỏa tình yêu thương, những cách mà làm sao để cho người dân họ thấu hiểu được, là sự có mặt hỗ trợ của lực lượng GGHB cũng sẽ đóng góp một phần nhỏ để giúp họ có một cuộc sống được an toàn hơn."
Bảo đảm bình đẳng giới, đề cao vai trò của nữ giới
Để giải quyết các yêu cầu cấp thiết trên, Quốc hội đã dự thảo Luật Tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, với nhiều nội dung vừa bảo đảm phù hợp với thực tiễn đất nước, vừa đáp ứng được qui định của Hội đồng Bảo an LHQ. Dự thảo thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới trong việc xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật theo qui định của Luật BĐG năm 2006, có thể khái quát một số nội dung cơ bản về thúc đẩy BĐG trong tham gia hoạt động GGHB LHQ như sau:
Một là, nghiêm cấm các hành vi phân biệt về giới. Khoản 3 Điều dự thảo Luật qui định cấm các hành vi: “Phân biệt đối xử về giới, chia rẽ, kì thị dân tộc, chủng tộc, quốc tịch, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa trong thực thi nhiệm vụ gìn giữ hoà bình của LHQ”. Qui định này thể hiện rõ quan điểm, đồng thời cũng là biện pháp trực tiếp để chống phân biệt về giới; bảo vệ nữ giới khi tham gia lực lượng GGHB LHQ bởi họ phải trực tiếp đối mặt với nhiều nguy cơ mất an ninh, an toàn cá nhân, nhất là là dễ bị quấy rối, lạm dụng.
Hai là, bảo đảm nữ giới được tuyển chọn, đào tạo, tập huấn phù hợp theo đúng chuyên môn, nhiệm vụ… và giới. Điều này cho thấy việc tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện đã có những chú ý đến vấn đề giới tính với các tiêu chuẩn và chương trình tập huấn phù hợp với nữ giới: Cụ thể tại khoản 2 Điều 10 dự thảo qui định: “Trong phạm vi chức năng quản lí, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổ chức thực hiện tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện cho đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động GGHB LHQ về chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, pháp luật, ngoại ngữ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, lĩnh vực, địa bàn và giới tính”. Đồng thời, Điều 11 dự thảo Luật qui định: mọi cá nhân trong lực lượng vũ trang đều bình đẳng và có cơ hội được tuyển chọn tham gia hoạt động GGHB LHQ nếu đáp ứng các tiêu chuẩn theo qui định, không phân biệt về giới trong quá trình tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng. Có nghĩa nữ giới và nam giới đều có cơ hội tham gia tuyển chọn vào lực lượng GGHB như nhau; không bị phân biệt, không bị phủ nhận năng lực, trình độ do quan điểm nữ giới chỉ làm những việc nhẹ và không thể đảm nhiệm nhiệm vụ lớn, quan trọng, nặng nề như nam giới.
Môi trường làm việc và thực hiện các nhiệm vụ rất khó khăn, khắc nghiệt, do đó, việc thu hút, tuyển chọn đối tượng tham gia lực lượng tương đối khó, việc tuyển chọn sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp nữ lại càng gặp khó khăn hơn. Để tương thích với qui định của LHQ, cũng như bảo đảm vấn đề BĐG trong tham gia lực lượng GGHB LHQ, dự thảo Luật qui định các biện pháp đào tạo, huấn luyện phải phù hợp với giới tính; đồng thời qui định không phân biệt giới tính trong quá trình tuyển chọn sẽ là cơ chế để bảo đảm tỉ lệ nữ giới, tạo điều kiện cho phụ nữ được tham gia lực lượng GGHB LHQ.
Ba là, qui đinh về chế độ, chính sách đặc thù đối với lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ, trong đó có phụ nữ. Lực lượng tham gia hoạt động GGHB LHQ hoạt động trong môi trường khó khăn, phức tạp, khắc nghiệt, xa gia đình, xa Tổ quốc. Do đó, việc thực hiện chế độ, chính sách có tác động lớn đến tinh thần trách nhiệm, ý thức thực hiện nhiệm vụ đối với lực lượng vũ trang tham gia hoạt động GGHB LHQ. Tại khoản 3 Điều 29 dự thảo Luật qui định: “Cá nhân tham gia hoạt động GGHB LHQ được hưởng các chế độ, chính sách sau: Trợ cấp địa bàn, trợ cấp kinh phí đối ngoại, trợ cấp chức vụ chỉ huy trưởng lực lượng Việt Nam tại Phái bộ; đối với cá nhân tham gia lực lượng là nữ được hưởng trợ cấp đặc thù theo qui định”.
Đại tá Lê Quốc Huy, Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB LHQ, nhấn mạnh: "Dự luật lần này cũng rất quan tâm tới chế độ chính sách cho lực lượng tham gia GGHB, và chính sách đó được áp dụng không những là cho lực lượng trong quá trình huấn luyện trong nước, mà còn áp dụng trong khi triển khai, và đặc biệt là kể cả khi lực lượng đã kết thúc nhiệm kỳ và trở về an toàn. Cũng có những quy định để động viên lực lượng nữ, từ vật chất cũng như tinh thần cũng được đề cập tới trong dự luật lần này."
Có thể thấy, dự thảo Luật Tham gia lực lượng GGHB LHQ đã đưa ra cơ chế khuyến khích, điều kiện bảo đảm để tạo thuận lợi cho nữ giới tham gia lực lượng GGHB LHQ, thể hiện sự nỗ lực, chủ động, trách nhiệm của Việt Nam trong quan tâm, thúc đẩy quyền của phụ nữ và nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong tham gia vào các hoạt động vì hòa bình, an ninh trên bình diện toàn cầu.