– Thời gian qua, lĩnh vực quản lý đất đai là lĩnh vực nóng nhất và nhận được sự quan tâm của xã hội. Theo thống kê có trên 50% số vụ khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai, điều đó thể hiện sự phức tạp trong quản lý, xử lý đất đai của cơ quan chức năng và chính quyền cơ sở. Làm thế nào để công tác quản lý đất đai đi vào nề nếp, giảm thiểu những vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, đó là chủ đề mà Phóng viên Tạp chí Môi trường và Cuộc sống phỏng vấn Ông Đào Trung Chính – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
MT&CS: Xin Ông cho biết công tác quản lý đất đai trên cả nước hiện nay như thế nào?
Ông Đào Trung Chính: Sau khi Luật Đất đai năm 2013 được ban hành, thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 22 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2013 và chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Tổng cục Quản lý đất đai đã tập trung chỉ đạo việc triển khai thi hành Luật, đến nay đã trình Chính phủ ban hành 08 nghị định có hiệu lực đồng bộ với Luật Đất đai; phối hợp với các Bộ, ngành đã xây dựng và ban hành thông tư, thông tư liên tịch. Các địa phương đã ban hành quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai tại địa phương.
Ông Đào Trung Chính – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai
Bộ Tài nguyên và Môi trường
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai được triển khai đến mọi đối tượng với những nội dung thiết thực và hình thức phù hợp. Thông qua việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ và nhân dân trong việc chấp hành pháp luật đất đai, đặc biệt là những nội dung đổi mới của Luật Đất đai năm 2013.
Công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai đã được ngành quản lý đất đai quan tâm thực hiện, Bộ đã ban hành kịp thời và chỉ đạo địa phương công bố bộ thủ tục hành chính về đất đai theo hướng cải cách, đơn giản hoá các thủ tục.
Công tác cấp Giấy chứng nhận gắn với việc xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai tiến tới giao dịch điện tử được tập trung thực hiện. Tính đến tháng 6 năm 2016, cả nước đã cấp được hơn 41 triệu Giấy chứng nhận với tổng diện tích gần 23 triệu ha, đạt 94,9% diện tích đất cần cấp Giấy chứng nhận.
Công tác giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phát triển quỹ đất được Tổng cục tập trung chỉ đạo, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án.
Đối với công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, Tổng cục đã tích cực, chủ động phối với với các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố để thực hiện hoàn thành dự án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) cấp quốc gia trình Quốc hội thông qua và thực hiện việc phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất theo Nghị quyết của Quốc hội cho địa phương; đồng thời, theo dõi chặt chẽ quá trình chuyển mục đích sử dụng đất lúa.
Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng đất được tăng cường. Năm 2015, ngành quản lý đất đai cả nước đã tiến hành 621 đoàn thanh tra, kiểm tra về đất đai đối với 1.664 tổ chức, cá nhân. Tổng cục cũng đã công bố đường dây nóng để tiếp nhận phản ánh của tổ chức và cá nhân nhằm xử lý kịp thời, có hiệu quả những vi phạm, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực đất đai.
Có thể nói, công tác quản lý nhà nước về đất đai đang ngày càng ổn định, tiến tới quản lý theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của đất nước.
MT&CS: Hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp, cá nhân thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích, Tổng cục Quản lý đất đai đã xử lý những đơn vị trên như thế nào?
Ông Đào Trung Chính: Vấn đề Quý Báo nêu đang là một trong nội dung nổi cộm tại địa phương. Vì vậy, khi xây dựng Luật Đất đai 2013, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung nhiều quy định để giải quyết vấn đề này như quy định rõ sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước cho thuê đất và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi sử dụng đất không đúng mục đích mà tiếp tục vi phạm (Điểm a Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai); Chính phủ cũng ban hành Nghị định trong đó có quy định rõ về xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi sử dụng đất không đúng mục đích (Nghị định số 102/2014/NĐ-CP), quy định rõ trình tự, thủ tục thu hồi đất do sử dụng đất không đúng mục đích (Điều 66 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP).
Bên cạnh đó, hàng năm, Tổng cục Quản lý đất đai tổ chức các đoàn công tác để kiểm tra, thanh tra việc quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương nhằm phát hiện, đề nghị xử lý theo thẩm quyền đối với các doanh nghiệp, cá nhân được Nhà nước cho thuê đất nhưng sử dụng không đúng mục đích.
MT&CS: Luật Đất đai 2013 đã có hiệu lực, tuy nhiên, còn nhiều nội dung chưa đi vào cuộc sống. Do vậy, dẫn đến tình trạng chồng chéo, rất khó cho việc quản lý, đặc biệt là công tác đền bù giải phóng mặt bằng, gây bức xúc cho nhân dân. Xin ông cho biết nguyên nhân của vấn đề này?
Ông Đào Trung Chính: Luật Đất đai năm 2013 được Quốc thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2013 và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 là một trong những đạo luật quan trọng, thu hút được sự quan tâm của toàn xã hội. Luật đã có những điểm đổi mới quan trọng, khắc phục những bất cập trước đây, giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất và ngày càng đảm bảo hơn các quyền lợi cho người có đất thu hồi. Cụ thể như:
– Quy định theo hướng hạn chế các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế – xã hội (Điều 62)
– Quy định giá đất bồi thường là giá đất cụ thể tại thời điểm quyết định thu hồi đất; việc hỗ trợ đào tạo chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm, hỗ trợ tái định cư, nhất là việc tại định cư tại chỗ cho người có đất thu hồi;
– Quy định cụ thể trình tự, thủ tục thu hồi đất từ khâu thông báo thu hồi đất cho đến việc lập, phê duyệt và chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; đặc biệt là quy định cụ thể quyền được tham gia của người dân trong quy trình này và việc cưỡng chế kiểm điểm, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất đối với các trường hợp chưa tuân thủ.
Thực tiễn tổ chức thi hành Luật Đất đai trong hơn 02 năm qua cho thấy việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái đinh cư đã có chuyển biến rõ rệt, hạn chế tối đa việc thu hồi đất “tùy tiện”; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã được tổ chức công khai, minh bạch, dân chủ, quyền và lợi ích của người có đất thu hồi đã được bảo đảm, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư. Chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã có bước tiến đáng kể trong việc ổn định chỗ ở, đời sống, việc làm cho người có đất bị thu hồi, đặc biệt là đối với những người trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, qua theo dõi thực tiễn triển khai cho thấy mặc dù pháp luật đã được hoàn thiện nhưng việc tổ chức thi hành thì vẫn còn bất cập. Một số địa phương chưa thực hiện nghiêm túc quy định về trình tự, thủ tục thu hồi đất như: chưa có kế hoạch sử dụng đất được phê duyệt đã thông báo thu hồi đất; việc công khai lấy ý kiến người dân về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư còn mang tính hình thức; việc phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và quyết định thu hồi đất chưa đồng thời trong một ngày theo quy định. Do thực hiện chưa đúng quy trình nên dẫn tới sự bức xúc của người dân tại một số nơi như đã nêu. Riêng việc chồng chéo trong quy định của pháp luật, gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, gây bức xúc cho người dân như đã nêu là không có.
Đầu tư thiết bị hiện đại phục vụ công tác đo đạc đất đai
MT&CS: Để giải quyết những những bất cập Tổng cục đã và sẽ tham mưu cho Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết vấn đề trên như thế nào?
Ông Đào Trung Chính: Để giải quyết các vướng mắc, bất cập trong tổ chức thi hành Luật Đất đai, trong thời gian qua Tổng cục Quản lý đất đai đã thực hiện các giải pháp sau đây:
Tiếp tục tổng hợp các vướng mắc, khó khăn, đặc biệt là các vướng mắc về pháp luật, Tổng cục đã tham mưu cho Bộ trưởng ban hành Thông tư số 02/2015/TT-BTNMT ngày 27 tháng 01 năm 2015 để giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng. Đồng thời, đã tổng hợp, nghiên cứu và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai để giải quyết các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Dự thảo Nghị định đã sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan đến công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như sau:
– Quy định cụ thể về cơ quan, tổ chức có trách nhiệm xác định hộ gia đình, cá nhân có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp để làm cơ sở thực hiện hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định về hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất; hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp mà nhận giao khoán đất của các Tập đoàn sản xuất, Hợp tác xã nông nghiệp, Công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp; Quy định việc xử lý tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp, chi phí đầu tư vào đất còn lại, tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất do vi phạm, do chấm dứt theo quy định của pháp luật, tự nguyện trả lại đất theo quy định tại Điều 64 và Điều 65 của Luật Đất đai; việc xử lý tiền thuê đất còn lại cho người được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê đất hàng năm mà đã trả trước tiền thuê đất cho nhiều năm khi Nhà nước thu hồi đất.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành có liên quan để rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điểm chưa rõ như mối quan hệ giữa chấp thuận, phê duyệt đầu tư với thẩm định nhu cầu sử dụng đất; các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất giữa Luật Đất đai và Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu (các Luật này được Quốc hội thông qua sau khi thông qua Luật Đất đai năm 2013).
Các địa phương cần phải có quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cụ thể
MT&CS: Thời gian tới, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ có những hoạt động gì nhằm quản lý tốt về đất đai và giảm thiểu những khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực đất đai?
Ông Đào Trung Chính: Trong thời gian tiếp theo, ngoài việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai thì một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Tổng cục xác định đó là tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; hoàn thiện thể chế về theo dõi, đánh giá việc thi hành Luật Đất đai; nâng cao tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý và sử dụng đất đai, tập trung vào các giải pháp chủ yếu sau:
Thứ nhất, tăng cường năng lực cho hệ thống cơ quan thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đất đai.
Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về đất đai nhằm đảm bảo xây dựng một đội ngũ cán bộ, công chức có đầy đủ chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm để đáp ứng yêu cầu ngăn ngừa, phát hiện và xử lý các sai phạm trong quản lý và sử dụng đất đai trong tình hình hiện nay. Thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn các nội dung đổi mới chính sách pháp luật đất đai; các quy định mới về nghiệp vụ thanh tra; các quy định mới về xử lý vi phạm pháp luật đất đai; nội dung thanh tra, kiểm tra diện rộng hoặc chuyên đề.
Thứ hai, chỉ đạo địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, các trường hợp tham nhũng, tiêu cực trong quản lý đất đai, đồng thời làm tốt việc công khai các vi phạm pháp luật đất đai; tổ chức tốt việc tiếp nhận và xử lý thông tin phản ánh về vi phạm pháp luật đất đai của tổ chức, cá nhân.
Thứ ba, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai theo chuyên đề hoặc diện rộng trên phạm vi cả nước.
Đối với cơ quan quản lý nhà nước cần chú trọng thanh tra, kiểm tra việc tuân thủ quy định thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai; việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; việc giao đất, cho thuê đất, bồi thường và hỗ trợ tái định cư khi thu hồi đất; đăng ký đất đai, cấp GCN; tài chính đất đai và giá đất; xây dựng hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, công khai vi phạm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai; việc khắc phục các tồn tại, hạn chế, vi phạm đã phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra ở các cấp.
Đối với các đối tượng sử dụng đất cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát thường xuyên tình hình sử dụng đất sau khi được giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để phát hiện xử lý kịp thời các trường hợp không đưa đất vào sử dụng gây lãng phí đất đai; các trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; không thực hiện nghĩa vụ tài chính, không đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật. Kiên quyết thu hồi đất đã giao, đã cho thuê không đúng đối tượng, không sử dụng đúng thời gian quy định hoặc sử dụng không hiệu quả, sử dụng sai mục đích; chậm hoặc chưa đưa đất vào sử dụng; không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ của người sử dụng đất.
Thứ tư, đổi mới nội phương, phương pháp chỉ đạo, điều hành, tác nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra đất đai. Tổ chức thi hành các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra có hiệu lực pháp luật và tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong công tác thanh tra.
Thứ năm, hoàn thiện thể chế về theo dõi, đánh giá việc thi hành Luật Đất đai, xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát về đất đai từ Trung ương đến địa phương; xây dựng các tiêu chí theo dõi, giám sát và đánh giá việc quản lý và sử dụng đất, hàng năm có báo cáo đánh giá về tình hình thực hiện Luật Đất đai; đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật về đất đai đến KT-XH và môi trường để có những định hướng sửa đổi, bổ sung chính sách cho phù hợp./.
MT&CS: Xin cảm ơn Ông!
(Theo Hùng Thắng/ Tạp chí Môi trường và Cuộc sống)