Thủy đậu vào mùa, tỷ lệ người mắc tăng bất thường

Anh Hoàng|05/04/2023 07:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Tại một số tỉnh miền Bắc, số ca mắc thuỷ đậu có dấu hiệu tăng lên, chủ yếu thường gặp ở trẻ em với khả năng lây lan rất cao.

Gia tăng mắc bệnh thủy đậu ở trẻ em tại nhiều tỉnh miền Bắc

Theo CDC Hà Nội, từ đầu năm cho đến ngày 28/3, thành phố đã có 634 ca mắc thủy đậu (trong khi cùng kỳ năm 2022 chỉ có 6 ca). Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (37,5%) và tiểu học (36,5%). Bệnh nhân phân bố tại 17/30 quận, huyện, dẫn đầu là Chương Mỹ với 241 ca, tiếp đến là Mê Linh với 96 ca, Ba Vì (83 ca), Nam Từ Liêm (58 ca), Mỹ Đức (51 ca). Nếu như những năm trước, bệnh thường lây lan mạnh trong nhóm trẻ nhỏ, nhóm lớp mầm non thì năm nay thủy đậu còn bùng phát ở người lớn.

thuy-dau.jpg
Thủy đậu vào mùa, tỷ lệ người lớn mắc tăng bất thường

Nhiều bệnh viện trên địa bàn Thủ đô không chỉ tiếp nhận bệnh nhân thủy đậu vào điều trị tăng đột biến mà còn xuất hiện các chùm ca bệnh người lớn sống chung trong một nhà trọ. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, có trường hợp 8 bệnh nhân thủy đậu điều trị, tất cả đều sống cùng một địa chỉ. Được biết, tại nơi các bệnh nhân ở có 30 người cùng sử dụng một phòng rộng, có giường tầng và sinh hoạt chung.

Theo bệnh nhân A.Giàng (Hà Giang), cách đây 2 tuần, một người trong phòng có dấu hiệu của thủy đậu là mệt mỏi, sốt, nổi mụn nước. Cùng thời điểm đó, 3 người trong phòng cũng có biểu hiện tương tự nên tất cả được đưa đến Bệnh viện Thanh Nhàn thăm khám. Sau khi 4 người cùng phòng trọ điều trị khỏi bệnh xuất viện, anh Giàng và 3 người khác cũng có biểu hiện bệnh và phải nhập viện. Hiện một số người sinh sống cùng anh Giàng và những bệnh nhân trên cũng có triệu chứng tương tự.

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP. Bắc Kạn, ngày 25/3 trên địa bàn thành phố phát hiện ổ dịch thủy đậu tại trường tiểu học Phùng Chí Kiên (TP. Bắc Kạn) với 19 ca mắc, ghi nhận đến ngày 29/3 đã có 21 ca mắc thuỷ đậu.

Ca bệnh thủy đậu đầu tiên ghi nhận tại địa phương vào ngày 9/3, là học sinh lớp 4 của Trường tiểu học Phùng Chí Kiên. Hiện nay trên địa bàn thành phố Bắc Kạn đã có tổng cộng gần 30 ca mắc thủy đậu.

Nhằm khống chế và kiểm soát dịch thủy đậu, Trung tâm Y tế thành phố Bắc Kạn đã điều tra xác minh các ca bệnh, ổ dịch và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống dịch. Điều tra, giám sát tại các hộ gia đình ghi nhận ca bệnh, các trường học và khu vực ổ dịch, nhằm phát hiện sớm trường hợp nghi ngờ mắc bệnh.

Cũng theo số liệu thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Lào Cai, từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã ghi nhận gần 400 ca mắc thủy đậu. Riêng Trạm Y tế phường Kim Tân (Thành phố Lào Cai) đã ghi nhận 48 ca mắc thủy đậu từ đầu năm đến nay. Các trường hợp này đa số tại các trường học mầm non, tiểu học trên địa bàn phường.

Để hạn chế tối đa sự lây lan trên địa bàn, các trạm y tế trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã phối hợp với các nhà trường tổ chức phun thuốc khử khuẩn, vệ sinh trường lớp, đồ chơi, đồ dùng học tập, thiết bị bán trú. Đồng thời hướng dẫn thầy cô giáo, phụ huynh học sinh biện pháp chăm sóc, điều trị bệnh cho trẻ, triển khai biện pháp ngăn ngừa ổ dịch lây lan ra diện rộng.

Tại Hà Nội, theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội cho biết, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố đã có 548 ca thuỷ đậu. Số mắc ghi nhận cao ở nhóm tuổi mầm non (36,5%) và tiểu học (38%) tại 18/30 quận, huyện. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc thủy đậu ghi nhận năm 2023 tăng cao, đa phần ghi nhận bệnh nhân ở nhóm tuổi mầm non và tiểu học.

Thủy đậu gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm


Theo nhiều chuyên gia, thời điểm hiện tại, bệnh thủy đậu diễn ra trong đợt này cùng nhóm bệnh nhân đều là người lớn là điều khác thường. Đặc biệt sau COVID-19, số người mắc bệnh thủy đậu đang cao hơn trước rất nhiều, trong khi mọi năm chỉ có lác đác bệnh nhân thủy đậu nhập viện.

Đáng lưu ý còn là những trường hợp tái mắc bệnh, có những người ngày nhỏ đã bị thủy đậu, giờ mắc lại. Thông thường sau khi mắc bệnh, cơ thể đã tự tạo miễn dịch với bệnh. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đây là điều bình thường bởi miễn dịch thủy đậu không phải trọn đời, vẫn xảy ra tái mắc bệnh với một số bệnh nhân miễn dịch không bền vững.

Đặc biệt, đối với những bệnh đã có vaccine phòng ngừa như thủy đậu thì việc bùng phát bệnh còn phụ thuộc vào việc tiêm chủng của người dân. Nếu không tiêm vaccine phòng bệnh, nguy cơ mắc bệnh và lây lan trong cộng đồng cao. Theo các bác sĩ, phụ nữ mang thai nếu mắc thủy đậu trong 3 tháng đầu của thai kỳ có thể xảy ra những biến chứng gây dị tật thai nhi. Tuy biến chứng hiếm gặp, nhưng để phòng ngừa tốt nhất nên tiêm phòng vaccine trước khi mang thai.

Còn đối với trẻ nhỏ, những bé có sức đề kháng kém, trẻ và người lớn có nguy cơ cao (bị suy giảm miễn dịch, đang sử dụng hoá chất, dùng corticoid liều cao) rất dễ biến chứng và rất nặng nề. Vì vậy, để phòng ngừa thủy đậu đối với các đối tượng nói trên, các bác sĩ khuyến cáo trẻ em từ 12 tháng tuổi nên tiêm vaccine thủy đậu và tiêm đủ liều. Phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm phòng vaccine thủy đậu, để tránh khi mang thai nhiễm bệnh có thể truyền cho con.

Theo các chuyên gia, thời gian tới bệnh thủy đậu có nguy cơ tăng cao và bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Nếu không phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Người dân đi đến nơi đông người cần đeo khẩu trang, khi có dấu hiệu sốt, nổi nốt phỏng cần đến cơ sở y tế gần nhất thăm khám để được bác sĩ tư vấn. Nếu có biểu hiện mắc bệnh, cần tránh tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh để tránh lây lan dịch bệnh.

Xuất bản

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủy đậu vào mùa, tỷ lệ người mắc tăng bất thường