Tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình giáo dục cho học sinh Trung học cơ sở

Tô Anh|21/08/2023 19:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Ngày 21/8, nhiều cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên khối trường trung học cơ sở của 5 tỉnh Tây Nguyên đã được hướng dẫn tổ chức triển khai, tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh trung học cơ sở.

ac23f7dccf1c1d42440d_20230821112239.jpg
Đại biểu tham quan khu trưng bày tài liệu tuyên truyền về phòng, chống thiên tai. Ảnh: Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai

Sáng 21/8 tại Buôn Ma Thuật, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Vụ Cơ sở vật chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức Hội thảo tập huấn Tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh trung học cơ sở.

Tham dự có ông Nguyễn Văn Tiến, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về Phòng, chống thiên tai; đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo; Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh Tây Nguyên; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Lắk.

Mục đích của buổi tập huấn nhằm hướng dẫn cho cán bộ chuyên trách, cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên khối trường trung học cơ sở của 5 tỉnh Tây Nguyên cách thức tổ chức triển khai, tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh trung học cơ sở.

fhudb908.png
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai phát biểu tại Hội thảo.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến cho biết, Việt Nam là một quốc gia chịu ảnh hưởng của nhiều loại hình thiên tai. Sau mỗi trận thiên tai đi qua, để lại những đau thương, thiệt hại về tài sản của nhà nước, của nhân dân đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương trong đó có trẻ em.

Để phần nào giúp gia đình, nhà trường và cộng đồng chủ động ứng phó, hành động sớm trước thiên tai trong đó có hoạt động lấy trẻ em làm trung tâm, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao nhận thức cộng đồng và Quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng, đến năm 2030”. Trong đó, Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ NN&PNTT xây dựng kế hoạch lồng ghép, tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình các môn học, các hoạt động giáo dục trong nhà trường.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe và cùng thảo luận một số nội dung tham luận như: Tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình môn học, hoạt động trải nghiệm; Chia sẻ kinh nghiệm về tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai, thích ứng biến đổi khí hậu vào chương trình các môn học, hoạt động giáo dục cho học sinh cấp THCS…

img_1729_20230821112211.jpg
PGS.TS Mai Văn Trinh báo cáo tham luận tại Hội thảo

Theo PGS. TS Mai Văn Trinh - Phó Giám đốc Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, việc tích hợp nội dung giáo dục phòng chống thiên tai vào một số môn học trong trường THCS cần đảm bảo 2 nguyên tắc cơ bản: tính phù hợp và tính thực tiễn.

Cụ thể, việc cung cấp kiến thức, nội dung giáo dục phòng chống thiên tai cần phải phù hợp với mục tiêu của môn học. Phải dựa trên cơ sở kiến thức sẵn có trong bài học, không làm thay đổi tính đặc trưng của môn học. Kiến thức chọn lọc về phòng chống thiên tai được đưa vào bài học phải có tính hệ thống, được sắp xếp hợp lí, góp phần làm phong phú nội dung bài học. Bên cạnh đó, phải đảm bảo tính phù hợp với trình độ, khả năng nhận thức và tâm sinh lý của lứa tuổi trung học phổ thông.

Cũng tại hội thảo này, đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác phòng, chống thiên tai của Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh; cán bộ quản lý, giáo viên các trường trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến kiến thức phòng, chống thiên tai của các trường THCS đã cùng trao đổi, thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm, cách làm mới, sáng tạo để lan tỏa hoạt động cộng đồng, qua đó tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích cho các em học sinh; tạo được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp chính quyền, nhà trường đến công tác phòng ngừa, ứng phó và giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích hợp kiến thức phòng, chống thiên tai vào chương trình giáo dục cho học sinh Trung học cơ sở