Tiếng sấm của chiến thắng Điện Biên Phủ – Mãi ầm vang trong thi ca

Nguyễn Văn Thanh|06/05/2019 15:46
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã có không ít văn nghệ sĩ đã cùng “ra trận” với bộ đội. Cùng với cây súng, lời ca tiếng hát của họ đã thúc giục, cổ vũ bộ đội chiến đấu, giành chiến thắng trong những ngày tháng ác liệt ấy.

Đêm nay bè bạn gần xa

Tin về chắc cũng chan hòa vui chung.

( Tố Hữu)

Đêm nay là đêm 7-5-1954, đêm vừa kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ ở Việt Nam. Chiến công vĩ đại ấy chính là những con người với sức trẻ đã dùng “những bàn tay xẻ núi, lăn bom” để “mở đường cho xe ta lên đường tiếp viện”; là những “chị gánh, anh thồ” hàng vạn vạn tấn hàng tiếp tế cho chiến trường; chiến thắng của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là chiến thắng gắn liền với tài thao lược của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. 65 năm trôi qua, “tiếng sấm của sự kiện đó đang ầm rung” trong những vần thơ.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã có không ít văn nghệ sĩ đã cùng “ra trận” với bộ đội. Cùng với cây súng, lời ca tiếng hát của họ đã thúc giục, cổ vũ bộ đội chiến đấu, giành chiến thắng trong những ngày tháng ác liệt ấy.

Với tinh thần  “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Núi cao, vực sâu không ngăn được bước chân hành quân của các anh. Đói khát, bệnh tật không làm làm các anh nhụt chí. Vũ khí hiện đại của kẻ thù không làm các anh hoang mang. Các anh vẫn hành quân, vẫn cầm chắc tay súng, vẫn tự nguyện dấn thân, dám đối đầu với những thử thách nghiệt ngã, khốc liệt sẵn sàng nhận cả cái chết luôn rình rập rình đe dọa, Quang Dũng đã tái hiện khoảnh khắc chí khí ấy: “Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm/ Heo hút cồn mây súng ngửi trời/Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống/Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi/Anh bạn dãi dầu không bước nữa/Gục lên súng mũ bỏ quên đời! (Tây TiếnQuang Dũng).

Ngoài ra “những người ra đi chẳng tiếc đời xanh” còn bao nhiêu  gian khổ, nào vắt, nào sương, nào ngô bung, nào nước bương, nào đêm rình giặc, rét nhức xương. Toàn thấy khổ là khổ: “Lại những ngày đi vắt với sương/Ngô bung xôi nhạt, nước lưng bương /Ðêm mưa rình giặc, tai thao thức /Mùa lại mùa qua, rét nhức xương”(Tây Tiến –Quang Dũng)

17 giờ chiều ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta bay phấp phới trên nóc hầm tướng Đờ Cát-xtơ-ri, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử

Lạc quan, dũng cảm, tình đồng đội keo sơn, là các anh, những người lính cụ Hồ, xả thân vì Tổ quốc. Hình ảnh của các anh là hình ảnh đẹp tuyệt vời của một dân tộc anh hùng. Và có lẽ đẹp nhất trong nỗi nhớ Việt Bắc là ấn tượng không phai về những con đường kháng chiến: “Những đường Việt Bắc của ta/ Đêm đêm rầm rập như là đất rung ”. Sức mạnh ấy trước hết toả ra từ đoàn quân hùng hậu, lập nên những kỳ tích khi vượt qua mưa bom, bão đạn của kẻ thù, tiếp lương, tải đạn: “Dân công đốt đuốc từng đoàn/ Bước chân nát đá muôn tàn lửa bay“(Việt Bắc-Tố Hữu).

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hậu phương là vấn đề rất quan trọng. Cả nước đều hướng ra mặt trận, cán bộ, nhân dân các khu, các tỉnh đã xốc lên chạy đua với giặc, chạy đua với thời gian, mưa lũ nhằm đảm bảo tốt nhất nhu cầu chiến đấu của bộ đội, nhân dân các vùng tự do cũng như vùng tạm chiếm đã hăng hái, tự nguyện cung cấp sức người, sức của cho tiền tuyến. Hàng nghìn dân công, bộ đội đã làm đường dã chiến với thời gian cực ngắn, trong điều kiện rừng núi khó khăn. Tố Hữu đã ngợi ca điều đó trong những vần thơ: “Và những chị, những anh đêm ngày ra tiền tuyến/ Mấy tầng mây gió lớn mưa to/ Dốc Pha Đin, chị gánh anh thồ/ Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh…” (Hoan hô chiến sĩ Điện Biên).

Để góp phần vào sự thành công của chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã có biết bao tấm gương anh dũng hy sinh khi tuổi đời còn xuân xanh. Họ, những người chiến sỹ mang trên mình một tình yêu Tổ Quốc, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc như: Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, Tô Vĩnh Diện dùng thân chèm pháo, Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai, Trần Can hiên ngang dẫn đầu tiểu đội vượt qua lô cốt tiền duyên để xông vào sở chỉ huy, rồi cắm cờ lên lô cốt Him Lan… Những bóng hình, những tư thế hiên ngang, vị trí của từng người từng chiến binh anh hùng như vẫn mãi đâu đây:“Tôi thầm nhắc:

Tô Vĩnh Diện

Bế Văn Đàn…

Những cái tên thật đơn sơ giản dị

Những người anh từ biển sông xa sóng đổ cát bồi

Từ những xóm trung du, những bản làng dốc núi

Từ trăm nẻo đất quê mang hờn căm nhức nhối

Đã hành quân lên

Không có ngày về”.

(Vũ Cao)

Và còn đây là một tượng đài  bằng thi ca khác:

“Bạn ta đó/ Ngã trên dây thép ba tầng/ Một bàn tay chưa rời báng súng. /Chân lưng chừng nửa bước xung phong. /Ôi những con người mỗi khi nằm xuống/ Vẫn nằm trong tư thế tiến công!…”. Khi “Bạn đã lấy thân mình đo bước/ Chiến hào đi, Ta mới hiểu giá từng thước đất” (Chính Hữu –Giá từng thước đất).

17 giờ chiều ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta bay phấp phới trên nóc hầm tướng Đờ Cát-xtơ-ri, báo hiệu sự toàn thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp của nhân dân ta.

Và ngọn cờ Điện Biên Phủ đã xuất hiện, đã phất phới tung bay dưới bầu trời Việt Nam theo yêu cầu của thời đại:Từ chiến trường Điện Biên đến chợ Điện Biên/Mùi trái chín cứ thơm lừng phố núi/Quen thuộc quá đến không còn nhớ nổi/Tình yêu này anh có từ đâu/Đất dưới chân anh, trời thắm ở trên đầu… Trái tim anh đập một lời giản dị/Ngọn cỏ đời đời xanh suốt tháng năm/Ngọn cờ mọc lên chỉ có một lần/Nhưng có điều này/ Cả hai đều bất diệt”(Trở lại Điện Biên Lá cờ và ngọn cỏ-Anh Ngọc).

Với chí khí “gan không núng/chí không mòn” chúng ta đã nhanh chóng “chín năm làm một Điện Biên/ Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng” (Tố Hữu). Tố Hữu đã rất “lịch sử” khi ông viết như vậy bởi lẽ chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng của cả chín năm, từ thắng nhỏ đến thắng lớn, thắng liên tục đến thắng lợi Điện Biên. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ kết tinh thắng lợi huy hoàng của 9 năm trường kỳ kháng chiến, bằng minh chứng đanh thép:“Nhân dân cách mạng hoàn toàn có khả năng từ hai bàn tay trắng, tiến lên tạo cho mình một lực lượng mạnh hơn kẻ địch là chủ nghĩa đế quốc” (Thép Mới, Từ Điện Biên Phủ đến 30-4, NXB TP HCM, 1985, trang 5).

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng của sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; là chiến thắng gắn liền với tài thao lược của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy Chiến dịch Điện Biên Phủ và hàng nghìn dân công, bộ đội… Tố Hữu thay cho triệu triệu người dân Việt Nam ta Hoan hô, chưc mừng các Chiến sĩ Điện Biên: “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”. Ngoài hoan hô chiến sĩ Điện Biên, trong bài thơ, Tô Hữu chỉ hoan hô riêng từng người: “Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên Giáp” và “Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa/ Vinh quang Hồ Chí Minh/ Cha của chúng ta ngàn năm sống mãi” (Tố Hữu). Trong cuốn sách “Trận Điện Biên Phủ”, nhà văn Giuyn Roa viết: “Cuộc thất trận ở Điện Biên Phủ đã gieo một sự kinh hoàng ghê gớm. Thất bại đó đã báo hiệu sự sụp đổ của những đế quốc thực dân. Tiếng sấm của sự kiện đó đang ầm rung” (Thép Mới, Từ Điện Biên Phủ đến 30-4, NXB TP Hồ Chí Minh, 1985, trang 46).

Chiến thắng Điện Biên Phủ 65 năm trước dân tộc ta đã ghi thêm những địa danh lịch sử

Chiến thắng Điện Biên Phủ 65 năm trước dân tộc ta đã ghi thêm những địa danh lịch sử mới: Điện Biên, Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam, đồi A1,… Những địa danh này từ đây được sánh cùng những địa danh sáng ngời chiến công của cha ông thuở xưa như Bạch Đằng, Sông Cầu, Như Nguyệt, Hàm Tử, Chương Dương, Vạn Kiếp, Chi Lăng, Rạch Gầm – Xoài Mút, Đống Đa, Ngọc Hồi, Hà Hồi, Khương Thượng… Tất cả sẽ mãi mãi bất tử trong trang sử vệ quốc oai hùng của dân tộc, mãi mãi là niềm tự hào của con dân Việt Nam. Những vần thơ đó mãi mãi là khúc nhạc tiến công, khúc nhạc chiến thắng, nâng tâm hồn mỗi chúng ta, cổ vũ, thôi thúc chúng ta thông minh, sáng tạo hơn và bản lĩnh hơn để vượt qua tất cả những gì cản trở trên đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tài liệu tham khảo:

Văn học Việt Nam kháng chiến chống Pháp (1945-1954), Viện Văn học, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1989, trang 274.

Nhiều tác giả – Cách mạng, kháng chiến và đời sống văn học, NXB Khoa học xã hội, H., 1995, Tr 64.

Nguyễn Văn Thanh

   
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng sấm của chiến thắng Điện Biên Phủ – Mãi ầm vang trong thi ca