Tìm mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đảm bảo tính bền vững

Ngọc Mai|25/08/2018 01:35
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Phát động kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

(Moitruong.net.vn) – Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Môi trường, trên cả nước có khoảng 200 lò đốt chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) và khoảng 458 bãi chôn lấp CTRSH.

>>>Phát động kế hoạch phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn

Trên cả nước có khoảng 200 lò đốt rác thải rắn sinh hoạt. Ảnh: VTC

Sáng ngày 24/8, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân chủ trì cuộc họp giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các Bộ: Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thảo luận về các mô hình, công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn và khuyến cáo áp dụng cho các địa phương.

Theo báo cáo sơ bộ của Tổng cục Môi trường, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) nói chung và chất thải rắn nông thôn nói riêng ở nước ta được xử lý bằng 03 hình thức: đốt, chôn lấp và sản xuất phân compost.

Về xử lý CTRSH bằng hình thức đốt, trên cả nước có khoảng 200 lò đốt CTRSH, đa số là các lò đốt công suất nhỏ, công suất xử lý dưới 500kg/giờ. Về xử lý CTRSH bằng hình thức chôn lấp, theo thống kê tính đến năm 2016 có khoảng 458 bãi chôn lấp CTRSH (quy mô trên 1ha), ngoài ra còn có các bãi chôn lấp quy mô nhỏ ở các xã chưa được thống kê đầy đủ. Hiện nay vẫn còn tồn tại các bãi chôn lấp CTRSH không hợp vệ sinh tại các các địa phương, các vùng nông thôn. Về xử lý CTRSH thành phân hữu cơ, hiện nay, các cơ sở xử lý CTRSH thành phân hữu cơ chủ yếu sử dụng công nghệ ủ hiếu khí hoặc kị khí.

Hai hình thức phổ biến xử lý CTRSH ở nông thôn là đốt hoặc chôn lấp. Tuy nhiên, cả hai phương pháp đều đang bộc lộ hạn chế và chưa giải quyết được triệt để vấn đề nan giải trong công tác xử lý CTRSH ở nông thôn. Công nghệ đốt chất thải rắn nhập khẩu không phù hợp với thực tế CTR nông thôn, chưa được phân loại tại nguồn, nhiệt trị của chất thải rắn sinh hoạt thấp. Việc sử dụng công nghệ chôn lấp tại nông thôn hiện nay chủ yếu là chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường, đồng thời tốn nhiều quỹ đất, không tận dụng được các loại chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng.

Để giải quyết vấn đề quá tải ở các bãi rác ở nông thôn, một số mô hình lò đốt đã được áp dụng thí điểm ở nhiều địa phương trong toàn quốc. Bước đầu các công nghệ cho thấy có thể giúp giảm lượng rác thải phát sinh, hạn chế gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan khu vực. Tuy nhiên, việc vận hành không đúng yêu cầu kỹ thuật như: không đảm bảo nhiệt độ đốt của lò, khối lượng CTR đốt lớn hơn công suất cho phép… cũng có thể làm phát sinh các loại chất thải độc hại như Dioxin, Furan.

Như vậy, hiện nay, ở cả khu vực đô thị và nông thôn, chưa có địa phương nào có mô hình xử lý CTRSH hoàn thiện đạt được cả các tiêu chí về kỹ thuật, kinh tế, xã hội và môi trường. Hầu hết các mô hình hiện nay chưa đảm bảo tính bền vững.

Phát biểu tại cuộc họp, nhất trí với ý kiến của các Bộ ngành, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân giao Tổng cục Môi trường tiến hành đánh giá toàn diện theo căn cứ khoa học về tính bền vững đối với các mô hình xử lý CTR tại địa phương, từ đó sẽ lựa chọn mô hình bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường để nhân rộng tại địa phương. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế chính sách về quản lý và xử lý CTR để triển khai thực hiện các mô hình này.

Cùng với việc đánh giá các mô hình, Thứ trưởng cũng đề nghị cần có các giải pháp đẩy mạnh phân loại chất thải tại nguồn, để thuận tiện cho việc thu gom, xử lý chất thải và tận dụng được phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, góp phần giảm phế liệu nhập khẩu.

Ngọc Mai

   

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tìm mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt nông thôn đảm bảo tính bền vững
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.