MOITRUONG.NET.VN – Sau chuyến thực tế ghi nhận đàn voọc chà vá chân xám có hơn 20 cá thể đang sinh sống tại núi Hòn Dồ (thôn Đồng Cố, xã Tam Mỹ Tây, H. Núi Thành, Quảng Nam), lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Nam đã phê duyệt dự án quy hoạch, mở rộng khu bảo tồn đàn voọc chà vá chân xám tại đây, giao cho các đơn vị liên quan sớm triển khai thực hiện. Hiện công tác triển khai dự án được các đơn vị liên quan gấp rút thực hiện theo từng giai đoạn phù hợp với hiện trạng địa lý của khu vực.
>>>Phó Thủ tướng yêu cầu xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan đến dự án cống hóa mương tại Hà Nội
>>>Nhiều chương trình thú vị tại tuần lễ sách hay lần thứ 12
Cá thể voọc chà vá chân xám quý hiếm
Ngày 17-10, trao đổi với chúng tôi về tiến độ thực hiện dự án, ông Nguyễn Ánh – Phó Chủ tịch UBND xã Tam Mỹ Tây cho biết, hiểu rõ tầm quan trọng của việc bảo vệ sự đa dạng sinh học cho đàn voọc nên dự án được các đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện. Hiện Ủy ban xã đã phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành đo đạc xong phần diện tích đất quy hoạch 36,25ha. Sắp tới sẽ tiến hành họp dân để thông báo quyết định thu hồi, các chính sách hỗ trợ phần diện tích đất trên để quy hoạch khu bảo tồn cho đàn voọc. Hiện đã xây dựng 4 pa-nô tuyên truyền bảo vệ đàn voọc tại 4 thôn Tứ Mỹ (xã Tam Trà) và Tú Mỹ, Tịnh Sơn (xã Tam Mỹ Tây), Phước Thạnh (xã Tam Thanh), sắp đến sẽ dựng thêm môt số pa-nô ở các khu vực khác. Đã thành lập tổ tuyên truyền cộng đồng gồm 24 người chủ yếu là đoàn viên thanh niên ở các thôn, lực lượng kiểm lâm, cán bộ truyền thông chuyên thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về việc bảo vệ đàn voọc. Đầu năm 2017, Tổ chức Green Viet đã thành lập Tổ bảo vệ đàn voọc tại đây gồm 3 người dân tại địa phương phối hợp với lực lượng kiểm lâm địa bàn thường xuyên tuần tra, bảo vệ đàn voọc…
Từ mờ sớm 17-10, chúng tôi theo chân Tổ bảo vệ đàn voọc thực tế để ghi nhận hoạt động sống của đàn voọc tại núi Hòn Dồ. Tại khu vực này chúng tôi ghi nhận được một gia đình voọc khoảng 6 cá thể đang tung tăng di chuyển trên những tán cây cao tìm kiếm thức ăn. Anh Nguyễn Dư (tổ trưởng) thông tin, trong những chuyến tuần tra, tổ đã phát hiện có 4 đàn voọc gần 30 cá thể đang sinh sống. Giữa tháng 7 vừa qua, tổ tuần tra phát hiện 2 cá thể voọc con trong một đàn gồm 7 cá thể đang phát triển rất tốt, đó là dấu hiệu tốt trong việc bảo tồn phát triển đàn voọc. Thời gian trước có một số đối tượng lén lút đặt bẫy, săn bắt voọc nên số lượng có giảm xuống. Ngoài ra, việc người dân xâm lấn đất rừng để trồng keo đã làm thu hẹp nơi ở của đàn voọc. Hiện nay chế tài xử phạt việc săn bắt voọc rất nghiêm khắc, đồng thời người dân đã quan tâm đến việc bảo vệ đàn voọc nên vấn nạn trên đã được giải quyết triệt để.
“Nghe thông tin có dự án quy hoạch để mở rộng diện tích rừng làm nơi sinh sống cho đàn voọc, người dân rất phấn khởi, đồng tình. Trong lúc đi làm rẫy, người dân phát hiện một số người lạ lên rừng liền gọi báo cho Tổ bảo vệ voọc tiếp cận kiểm tra. Do đó, đến nay chưa phát hiện dấu hiệu đặt bẫy, săn bắt voọc trong khu vực được giao cho tổ quản lý. Hiện tại tổ tôi đang dự tính dựng căn chòi lá trên đỉnh đồi để dễ dàng quan sát, theo dõi hoạt động sống của đàn voọc”- anh Dư chia sẻ. Mới đây, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Quảng Nam, UBND H. Núi Thành đã tổ chức cuộc họp bàn về giải pháp bảo vệ đàn voọc chà vá chân xám tại thôn Đồng Cố, có sự tham dự của Sở NN&PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Kiểm lâm H. Núi Thành và các đơn vị liên quan. Theo đó, cuộc họp thống nhất chủ trương, đồng thời đưa ra nhiều kế hoạch xây dựng dự án theo từng giai đoạn phù hợp để phát triển sinh cảnh cho đàn voọc. Phương án khả thi trước mắt là phải bảo vệ nghiêm ngặt 18ha rừng tự nhiên hiện có, sau đó thu hồi mở rộng thêm 18,25ha diện tích keo của người dân. Kết hợp trồng xen cây rừng tự nhiên với cây keo để tạo sự khép tán, sau đó sẽ loại bỏ dần cây keo, đồng thời kết nối với diện tích rừng tự nhiên ở Hòn Ông (khoảng 4ha) để tạo sinh cảnh thuận lợi cho đàn voọc phát triển. Phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (Green Viet) và Dự án Trường Sơn Xanh để xây dựng đề án bảo vệ đàn voọc hiệu quả…
Thiết nghĩ, đây là dự án quan trọng, UBND tỉnh Quảng Nam cần quan tâm hơn nữa, đôn đốc các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện một cách hiệu quả. Cần xây dựng kế hoạch bảo vệ chặt chẽ, tạo điều kiện ổn định cho đàn voọc phát triển, góp phần bảo tồn sự đa dạng sinh học.
Lê Vương/CAND