Toàn tỉnh xảy ra 590 vụ phá rừng trái phép trong 6 tháng đầu năm 2021
So sánh với số liệu 1329 vụ vi phạm lâm luật trên phạm vi cả nước trong 6 tháng đầu năm được Tổng cục Lâm nghiệp công bố, số vụ vi phạm tại Đắk Lắk đã chiếm tới gần một nửa. Tình trạng phá rừng, chiếm đất tại Đắk Lắk đang rất đáng báo động, nhiều điểm nóng phá rừng kéo dài nhưng xử lý chưa triệt để.
Chi cục Kiểm lâm Đắk Lắk thông tin trong 6 tháng đầu năm 2021, tình hình phá rừng, lấn chiếm đất rừng trên địa bàn tỉnh diễn ra hết sức phức tạp. Toàn tỉnh đã xảy ra 590 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích rừng bị phá là 177 ha.
Trong đó, tình trạng phá rừng nghiêm trọng nhất xảy ra tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông với 424 vụ (chiếm 72% số vụ của toàn tỉnh) với diện tích rừng thiệt hại 108,1 ha (chiếm 61% diện tích rừng bị thiệt hại của toàn tỉnh).
Ông Bùi Văn Hưng, Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Krông Bông thừa nhận: “Thực tế diễn biến công tác quản lý bảo vệ rừng diễn ra ngày càng phức tạp. Đặc biệt Công ty Lâm nghiệp Krông Bông giáp ranh hai huyện Ea Kar và M’Đrăk, đang nằm giữa khu dân cư của người H’Mông sinh sống với khoảng 11.000 nhân khẩu. Đồng thời, trong diện tích quản lý của công ty đan xen rất nhiều diện tích thuộc quản lý của UBND các xã. Dẫn tới việc quản lý người dân vào lén lút thực hiện các hành vi phá rừng là rất khó khăn”.
Một phần diện tích rừng bị phá xảy ra tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông
Cùng với Krông Bông, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng cũng đang diễn ra rất phức tạp tại các huyện như Ea Súp, Cư M’gar và Ea H’leo. Ông Nguyễn Văn Quyến, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH chế biến thực phẩm và lâm nghiệp Đắk Lắk, cho biết đơn vị được giao quản lý hơn 27.000ha rừng và đất lâm nghiệp tại huyện Ea Súp. Tình trạng phá rừng, chiếm đất trên lâm phần công ty rất phức tạp. Từ năm 2017 đến nay, có khoảng 400ha rừng và đất rừng của công ty bị phá, lấn chiếm đã được lập hồ sơ. Tuy nhiên, có rất ít vụ việc được điều tra, xử lý và việc xử lý chưa quyết liệt, triệt để là lý do khiến lâm tặc ngày càng lộng hành.
“Các đối tượng phá rừng chiếm đất manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng bảo vệ rừng của công ty. Các vụ hành hung, đe doạ và phá hoại tài sản, các trạm bảo vệ rừng của công ty thì đã gửi hồ sơ tới các cơ quan chức năng, nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Đặc biệt là các vụ chiếm đất làm nhà, lán trại trong diện tích công ty cũng đã tồn đọng nhiều”- ông Quyến nói.
Trong khi đó, ông Ngô Văn Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho rằng, tình trạng phá rừng ở địa phương diễn biến phức tạp có nguyên nhân lớn từ việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của chủ rừng và cả các cơ quan chức năng, đặc biệt là diện tích rừng đã giao cho các doanh nghiệp: “Thực tế trên địa bàn việc ngăn chặn, việc xử lý phá rừng, xử lý đất rừng bị lấn chiếm trái phép gặp rất nhiều khó khăn. Còn có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều doanh nghiệp không tổ chức được lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, hoặc nếu có thì lực lượng cũng không đủ mạnh để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng”.
Đã 7 năm Chính phủ chỉ đạo đóng cửa rừng và thực hiện các giải pháp cấp bách bảo vệ rừng tự nhiên. Tuy nhiên, thực trạng tại Đắk Lắk cho thấy, các giải pháp bảo vệ rừng vẫn chưa hiệu quả, phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra tràn lan. Thực tế cho thấy, đang có sự buông lỏng quản lý của nhiều chủ rừng và nhiều cấp, nhiều ngành. Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm cũng chưa nghiêm, xử lý sai phạm chưa triệt để, dẫn đến nhiều địa bàn trở thành điểm nóng phá rừng. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm khiến cho việc xử lý các sai phạm trong quản lý, bảo vệ rừng càng ngày càng khó khăn, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành với sự quyết liệt, triệt để mới có thể ngăn chặn nạn phá rừng.
Tăng cường các biện pháp quản lý và bảo vệ rừng
Trước thực trạng phá rừng, chiếm đất có dấu hiệu mất kiểm soát ở một địa bàn, chính quyền tỉnh Đắk Lắk cũng như nhiều huyện đã chỉ đạo lực lượng Công an vào cuộc, phối hợp với các ngành chức năng lập lại trật tự. Ông Lê Văn Long, Chủ tịch UBND huyện Krông Bông cho biết, tình trạng phá rừng, khai thác gỗ diễn ra nghiêm trọng chắn chắn có sự buông lỏng quản lý và không loại trừ có những tiêu cực, tiếp tay cho lâm tặc. UBND huyện đã chỉ đạo Công an huyện vào cuộc, lập chuyên án riêng, quyết liệt điều tra xử lý nghiêm tình trạng phá rừng.
“Chúng tôi đã chỉ đạo cho Công an huyện chủ công trong vấn đề tham mưu thành lập các chốt chặn liên ngành, phối hợp ở các tuyến đường trọng điểm tránh trường hợp lâm tặc vận chuyển gỗ. Tập trung bắt cho được các cá nhân xâm lấn đất rừng, chặt phá rừng để xử lý, khởi tố theo quy định để thực hiện công tác răn đe trong cộng đồng”- lãnh đạo huyện Krông Bông nói.
Hiện trường vụ phá rừng với quy mô lớn ở huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua. Ảnh: T.X
Tại Hội nghị giao ban công tác Nội chính quý II, triển khai phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý III – 2021 diễn ra vào chiều ngày 16/7, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Phạm Minh Tấn cho biết công tác Nội chính thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Tình trạng tranh chấp, khiếu khiện liên quan đến đất đai, hợp đồng khoán sản phẩm tại các công ty nông, lâm nghiệp nhất là địa bàn các huyện Cư M’gar, Krông Pắc, Cư Kuin còn diễn biến phức tạp; Tình trạng chặt phá rừng, khai thác, vận chuyển gỗ, lấn chiếm đất rừng vẫn còn xảy ra.
Từ đó, ông Tấn đề nghị các cấp, các ngành tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, kịp thời kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép.
Trước thực trạng trên, Sở NN&PTN tỉnh Đắk Lắk đã có công văn đề nghị UBND các huyện và chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các doanh nghiệp được giao bảo vệ rừng chủ động rà soát, xác định những khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật để tăng cường lực lượng phối hợp tuần tra, truy quét, xử lý các hành vi xâm hại đến rừng.
Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng đến với người dân, từng bước nâng cao nhận thức của người dân đối với lĩnh vực này.
Nam Anh