Tây Nguyên: Nâng cao vai trò, trách nhiệm bảo vệ rừng

Tú Anh (t/h)|23/08/2019 06:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Nhiều cơ quan chức năng, nhà khoa học nêu thực trạng, nguyên nhân và giải pháp giúp phát triển và bảo rừng hiệu quả, bền vững cho khu vực Tây Nguyên.

Ngày 22/8, tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Nhiệt đới (TROPENBOS) phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đắk Lắk, Liên Hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội thảo tăng cường thực thi pháp luật quản lý bảo vệ rừng và lâm sản khu vực Tây Nguyên.

Hiện nay công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng (BVPTR) ở khu vực Tây Nguyên vẫn còn nhiều hạn chế và bất cập. Tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác lâm sản trái phép đang diễn ra phức tạp. Theo kết quả khảo sát chung, diện tích rừng phòng hộ liên tục bị giảm qua các năm; công tác quy hoạch BVPTR không đồng bộ với công tác quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội. Nhiều dự án kinh tế chưa chú trọng đến việc BVPTR. Ngoài ra, diện tích rừng được giao khoán nhưng không sử dụng đúng mục đích; chưa kiểm soát được nạn di cư tự do…

Theo ông Phạm Văn Duẩn – Phó viện trưởng Viện Sinh thái rừng và Môi trường (Đại học Lâm nghiệp Việt Nam) đánh giá, Tây Nguyên không chỉ là địa bàn chiến lược cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh mà còn được coi là “Mái nhà Đông Dương”, với độ che phủ rừng tự nhiên tương đối lớn. Tuy nhiên, rừng đã và đang bị khai thác trái phép nghiêm trọng, dẫn đến suy giảm nhanh về diện tích và chất lượng.

Ông Duẩn đưa ra các số liệu, từ 2010-2015 diện tích có rừng đã giảm 312.416 ha, độ che phủ giảm 5,8%, trữ lượng rừng giảm hơn 25,5 triệu m3 (tương ứng giảm 7,8% tổng trữ lượng)… “Nguyên nhân, do công tác phát triển rừng còn nhiều hạn chế, tình trạng di dân tự do, xâm lấn đất rừng trái phép; khai thác rừng xảy ra nghiêm trọng. Chính quyền địa phương chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý bảo vệ rừng. Việc sắp xếp lại các công ty lâm nghiệp còn chậm trễ. Cơ chế chính sách đặc thù cho phát triển lâm nghiệp khu vực Tây Nguyên chưa đủ mạnh, ngân sách đầu tư chưa tương xứng” – ông Duẩn nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Thắng – Cán bộ Chi cục Kiểm lâm vùng IV (trực thuộc Cục Kiểm lâm, Tổng cục Lâm nghiệp) đưa ra nhiều con số về tình trạng vi phạm và xử lý các vụ việc vi phạm lâm luật ở Tây Nguyên. Cụ thể, từ 2015 đến tháng 7/2019 các địa phương đã phát hiện gần 23 nghìn vụ; gây thiệt hại hơn 2.500 ha rừng các loại (trong đó cháy rừng hơn 702 ha; phá rừng trái phép hơn 1.800 ha). Số vụ đã xử lý gần 21 nghìn vụ (trong đó xử lí hình sự hơn 800 vụ; xử phạt hành chính hơn 20 nghìn vụ). Qua đó, tịch thu hơn 34 nghìn m3 gỗ các loại, nộp ngân sách hơn 258 tỷ đồng…

Cùng với vướng rào cản kỹ thuật và tệ nạn gian dối ở các Ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp, sự bất hợp tác ở các doanh nghiệp thuê rừng, công tác bảo vệ-phát triển rừng ở Tây Nguyên còn vướng vì hệ thống chính sách liên quan.

Theo ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, trong thẩm quyền của mình, tỉnh đã ban hành quy định xử lý nghiêm khắc và đã thật sự nghiêm khắc đối với những người có sai phạm trong bảo vệ-phát triển rừng, nhưng công tác này chỉ thật sự đạt hiệu quả khi có sự đồng bộ từ trung ương.

“Cần có những chính sách đồng bộ từ Trung ương, có chế tài nghiêm khắc đối với nạn phá rừng, kể cả về hình sự cũng như kinh tế, còn nếu chúng ta chỉ làm hình sự không thôi thì chưa đủ. Đánh vào kinh tế thì đôi khi có hiệu quả thiết thực hơn. Phải tăng quyền hạn của cán bộ kiểm lâm lên, đồng thời cũng xử lý nghiêm cán bộ này khi có tiêu cực”, ông Tùng nói.

Theo quy định, rừng là tài nguyên thiên nhiên, thuộc tài sản quốc gia, do Nhà nước làm đại diện sở hữu.

Ở Tây Nguyên, tài sản này đang được cho hàng trăm doanh nghiệp theo các dự án cho thuê rừng.

Thế nhưng, luật chỉ quy định “Nhà nước có trách nhiệm trả tiền cho chủ rừng bị thu hồi rừng” chứ không quy định chủ dự án phải bồi thường cho Nhà nước nếu để mất rừng.

Hậu quả là việc “gắn trách nhiệm của chủ rừng với kết quả bảo vệ rừng” theo Chỉ thị 1685/2011 của Thủ tướng Chính phủ, đã không thực hiện được.

Hàng trăm doanh nghiệp bỏ mặc công tác bảo vệ, để rừng bị phá nghiêm trọng, thiệt hại có thể đến hàng nghìn tỷ đồng, nhưng việc đòi bồi thường tài nguyên, tức là “đánh vào kinh tế” như ông Trương Thanh Tùng đề cập, không đem lại kết quả.

Đáng lo ngại hơn, trong dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp 2017, sẽ thay thế Luật bảo vệ-Phát triển rừng, lỗ hổng này vẫn còn nguyên.

Nâng cao vai trò của Đảng trong công tác bảo vệ và phát triển rừng, như Chỉ thị 13-CT/TW đề cập là sự nâng cao trách nhiệm toàn diện làm rõ được trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân từ trung ương đến cơ sở, từ hoàn thiện chính sách đến hiệu lực hiệu quả quản lý. Muốn đạt được kết quả thực chất, trong công tác chỉ đạo, quản lý không những cần khoa học, cụ thể mà còn cần nghiêm-minh, không có vùng cấm. Nâng cao vai trò phải rõ trách nhiệm. Như vậy, màu xanh của rừng Tây Nguyên mới có thể hồi sinh, đảm bảo cho khu vực phát triển bền vững.

Tú Anh (t/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tây Nguyên: Nâng cao vai trò, trách nhiệm bảo vệ rừng