Hàng nghìn năm trước Hà Nội đã được coi là vùng đất địa linh nhân kiệt, khiến các bậc tiền nhân, tiên đế chọn là nơi định đô lâu dài. Vùng đất “rồng cuộn, hổ ngồi” đã trở thành biểu tượng linh thiêng cao đẹp, với sứ mệnh kinh đô của một quốc gia, Thăng Long-Hà Nội luôn mang một khát vọng phồn thịnh “Rồng bay” từ nền tảng văn hiến ngàn đời.
Mùa thu năm 1010 theo sử cũ: “Vua từ thành Hoa Lư, dời đô ra kinh phủ ở thành Đại La”, đổi tên thành là thành Thăng Long. Từ khi trở thành Kinh đô, 1 nghìn năm đã trôi qua. Với Thăng Long – Hà Nội, chiều dày của thời gian đã tôn cao bề dày của văn hiến.
Qua hơn ngàn năm lịch sử, đất và người Thăng Long – Hà Nội đã trải bao phen binh lửa, lập nên những chiến công hiển hách, những kỳ tích oai hùng. Nơi đây đã kết nối được những mạch nguồn lịch sử và tinh hoa của dân tộc, nơi hội tụ, tỏa sáng của tinh thần yêu nước, yêu hòa bình, tình đoàn kết và khát vọng vươn lên.Thăng Long – Hà Nội của hơn một ngàn năm lịch sử giờ đang vững vàng đi trên con đường đổi mới và hội nhập quốc tế. Truyền thống “Văn hiến – Anh hùng – Hòa bình – Hữu nghị” đã trở thành biểu tượng được thế giới thừa nhận, tôn vinh: “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố Vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”…
Kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội.
Hào khí Thăng Long được cha ông hun đúc đã trở thành hành trang cho chúng ta sự tự tin và niềm khát khao hướng tới tương lai tươi sáng. Kinh đô xưa, Thủ đô hôm nay vẫn lưu giữ những hình ảnh rất đỗi thân quen, vẫn là một Thăng Long – Hà Nội với những phố phường cổ kính, nếp sống đậm chất Tràng An…, nhưng cũng đang bừng sáng lên với một tư thế mới, diện mạo mới, sức sống mới. Hà Nội hôm nay không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, mà đã trở thành một trung tâm kinh tế trọng điểm, thu hút nhiều tập đoàn, nhà đầu tư danh tiếng hàng đầu thế giới và là động lực tăng trưởng quan trọng trong tiến trình hội nhập, toàn cầu hóa của cả nước. Mức tăng trưởng hàng năm của TP đều gấp 1,5 lần so với mức tăng bình quân chung của cả nước. Mặc dù chỉ chiếm 1% về diện tích, 8,5% về dân số nhưng Hà Nội đóng góp trên 16% GDP, 18,5% thu ngân sách, 20% thu nội địa và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước. Hà Nội có quan hệ hữu nghị, hợp tác với hơn 100 thành phố, Thủ đô của các nước; có quan hệ kinh tế thương mại với gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ….
Không chỉ quan tâm phát triển kinh tế, Hà Nội vẫn kiên trì theo định hướng phát triển xanh, hài hòa, bền vững. Hàng loạt công trình, tòa cao ốc, những khu đô thị mới mọc lên. Cùng với đó là những con đường, cây cầu, tuyến phố được nâng cấp, mở rộng không chỉ tạo sự kết nối thuận tiện trong nội đô, mà còn kết nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố.
Từ dấu mốc 1010 năm đã định hình trên chặng đường phát triển, thách thức của Hà Nội hiện tại vẫn là vượt qua chính mình, xử lý hài hòa các vấn đề giữa bảo tồn truyền thống và hiện đại. Vì thế, cùng với hội nhập phát triển, Hà Nội vẫn phải giữ được nét đẹp văn hóa, môi trường bình yên và an toàn với những “thương hiệu” riêng có của mình.
Những ngày này, Hà Nội đang hội hân hoan kỷ niệm 1010 năm Thăng Long – Hà Nội, 66 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô đang tập trung tổ chức thành công Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố, tạo tiền đề để tiếp tục xây dựng Thủ đô và đóng góp xây dựng đất nước. Hà Nội quyết tâm: “Gương mẫu xây dựng Đảng bộ và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy ý chí, phát huy truyền thống ngàn năm văn hiến, anh hùng, sức mạnh đoàn kết toàn dân; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và hội nhập quốc tế; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại”.
Hoàng Nhân