Tối 3/2, Hà Nội xảy ra động đất 2,6 độ
Tối 3/2, một trận động đất có độ lớn 2,6 xảy ra tại Hà Nội, khiến nhiều người dân cảm nhận được rung lắc nhẹ.
Theo Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), vào khoảng 19h52'41'' ngày 3/2, một trận động đất có độ lớn M = 2,6 độ xảy ra tại vị trí có tọa độ 20,860 độ vĩ Bắc - 105, 582 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8 km.
Động đất xảy ra tại khu vực huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội. Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Trước đó, Trung tâm Báo tin động đất và cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý địa cầu thông tin, vào lúc 8h05 sáng 25/3/2024, một trận động đất có độ lớn 4,0 độ richter xảy ra tại khu vực huyện Mỹ Đức, Hà Nội, độ sâu chấn tiêu khoảng 16km.
Cùng ngày, vào khoảng 12h46'53'', một trận động đất có độ lớn 2,6 xảy ra tại vị trí có tọa độ 14.863 độ vĩ Bắc, 108.157 độ kinh Đông, độ sâu chấn tiêu khoảng 8,2 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0.
Trận động đất xảy ra tối nay (3/2) tại Chương Mỹ là trận động đất nhỏ, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Tuy nhiên, một số người dân sinh sống tại huyện Chương Mỹ, Mỹ Đức (TP. Hà Nội) có thể cảm nhận thấy sự rung lắc. Lần gần nhất tại Hà Nội, vào ngày 25/3/2024, một trận động đất có độ lớn 4,0 đã xảy ra tại khu vực huyện Mỹ Đức.
Thống kê của Viện Vật lý địa cầu, riêng trong tháng 1/2025, cả nước ghi nhận khoảng 30 trận động đất kích thích có độ lớn từ 2,5 đến 4,2 độ, tập trung chủ yếu tại huyện Kon Plong (Kon Tum) và huyện Nam Trà My (Quảng Nam). Đáng chú ý, ngày 27/1 xảy ra liên tiếp 8 trận động đất, ngày 9/1 có 6 trận, với trận mạnh nhất là 4,2 độ.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, vùng đứt gãy sông Hồng - sông Lô - sông Chảy từng xảy ra động đất trong quá khứ.
Tại Hà Nội, vào thế kỷ XII, một trận động đất mạnh cấp 8 xảy ra đã làm bia chùa Báo Thiên bị vỡ làm đôi.
Theo TS Nguyễn Xuân Anh, cần nghiên cứu phân đoạn đứt gãy sông Hồng để đánh giá nguy hiểm động đất chi tiết hơn, khu vực Hà Nội cần thực hiện đánh giá rủi ro động đất.
Đến nay, Hà Nội chưa có một trạm theo dõi, quan sát động đất nào, trong khi đây là địa bàn nếu có động đất, dù nhỏ, sẽ gây thiệt hại lớn.
Ông Anh từng đề xuất thiết lập một số thiết bị quan trắc tại các nhà cao tầng ở thành phố để đánh giá định lượng mức độ rung lắc do các trận động đất gây ra.
Đồng thời, cần có bản đồ đánh giá động đất chi tiết hơn cho Hà Nội, trong đó cập nhật các trận động đất mới, từ đó xây dựng những kịch bản đánh giá nguy hiểm động đất ở các quận nội thành để phục vụ kháng chấn cho công trình xây dựng.
Động đất có thể gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng đối với môi trường. Khi xảy ra, nó có thể làm sụp đổ các công trình, phá hủy hệ sinh thái và gây ra các hiện tượng như sóng thần, lở đất, hay xói mòn đất đai. Những thay đổi đột ngột này làm gián đoạn sự cân bằng sinh thái, làm mất đi đa dạng sinh học và làm suy giảm chất lượng đất, nước, ảnh hưởng đến các loài động thực vật. Hơn nữa, động đất còn có thể gây ô nhiễm môi trường do rò rỉ hóa chất hoặc dầu từ các cơ sở công nghiệp bị phá hủy.