Tôm hùm nước ngọt: Sinh vật ngoại lai có ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học

07/07/2019 01:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn -Việc quản lý tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii) sinh vật ngoại lai xâm hại, có vai trò hết sức quan trọng trong việc góp phần bảo vệ đa dạng sinh học.

Thời gian gần đây, trên thị trường nước ta đang rao bán tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii), hay còn gọi là tôm hùm đất dưới dạng thực phẩm. Tuy nhiên, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tôm hùm nước ngọt, không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam và đây là loại ngoại lai xâm hại. Các chuyên gia trong lĩnh vực đa dạng sinh học cho biết: tôm hùm nước ngọt rất dễ thích nghi, có sức chịu đựng và có thể sống trong một loạt các môi trường thủy sinh. Tôm hùm nước ngọt có nguồn gốc từ Mexico và Mỹ nhưng đã được ghi nhận khắp thế giới do kết quả của việc du nhập làm thực phẩm. Các quần thể xâm lấn của loài đã được báo cáo xuất hiện ở các châu: Âu, Á, Phi; Bắc Mỹ và Nam Mỹ…

Theo Liên minh quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên (IUCN), tôm hùm nước ngọt là một loài xâm hại, có thể nhanh chóng thiết lập quần thể và cuối cùng trở thành loài chủ chốt của hệ sinh thái. Việc du nhập tôm hùm nước ngọt có thể gây ra những thay đổi đáng kể trong quần xã thực vật và động vật bản địa như: nó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tôm bản địa thông qua cạnh tranh và truyền bệnh trên tôm; giảm sự đa dạng của các loài thực vật thủy sinh bậc cao; thay đổi chất lượng nước và đặc điểm trầm tích, tích lũy kim loại nặng, tương tác với các loài xâm lấn khác. Gây thiệt hại cho hệ thống tưới, tiêu nông nghiệp, tác động đến ngành công nghiệp đánh bắt cá, và giảm các quần thể động vật không xương sống, động vật thân mềm và động vật lưỡng cư thông qua mối quan hệ ăn thịt và cạnh tranh… Ðáng chú ý, hiện nay, tôm hùm nước ngọt được xếp vào danh sách các loài có nguy cơ xâm hại tại Thông tư số 35/2018/TT- BTNMT, ngày 28-12-2018 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN và MT).

 Tôm hùm nước ngọt (Procambarus clarkii)

Nhằm bảo vệ đa dạng sinh học, môi trường và tránh các tác động của tôm hùm nước ngọt tới nền kinh tế, Bộ TN&MT đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan:

1. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với các trường hợp vi phạm.

2. Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn sự phát tán của loài này ra môi trường tự nhiên.

3. Khi phát hiện có phát tán ra môi trường, phải có biện pháp khoanh vùng, cô lập và diệt trừ loài tôm hùm nước ngọt.

4. Tuyên truyền, phổ biến về tác hại của loài tôm hùm nước ngọt đối với môi trường, đa dạng sinh học.

Các chế tài của Việt Nam liên quan đến loài Tôm hùm nước ngọt
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 52 Luật Đa dạng sinh học “Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép.”
Việc nhập khẩu, phát tán loài ngoài lai có nguy cơ xâm hại chưa được cấp phép là trái với quy định của pháp luật và có thể bị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Tú Anh (T/h)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tôm hùm nước ngọt: Sinh vật ngoại lai có ảnh hưởng lớn đến đa dạng sinh học