(Moitruong.net.vn) – Vừa qua, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng Nguyễn Ngọc Tuấn chủ trì buổi làm việc với các sở ngành về các giải pháp quản lý và khai thác du lịch tại các bãi biển tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2017 – 2020 ngày càng an toàn và văn minh.
Theo báo cáo của Sở Du lịch, thống kê lượng khách tham quan du lịch tại tuyến đường Nguyễn Tất Thành đã tăng từ 480 ngàn lượt năm 2012 lên 2,1 triệu lượt năm 2016. Thời gian qua, thành phố đã đầu tư quy hoạch cơ sở hạ tầng đồng bộ điện nước, kè, bậc cấp, cây xanh…và sắp xếp các hoạt động kinh doanh dịch vụ nhằm tạo môi trường văn minh trên tuyến đường này. Đồng thời, triển khai xây dựng các trạm cứu hộ, trạm điều hành các khu nhà tắm nước ngọt, bố trí sắp xếp các tổ kinh doanh dịch vụ, xe đẩy thức ăn nhanh, các điểm giữ xe tạm, các điểm tập kết thuyền thúng, lắp đặt các cụm loa phát thanh, nhà vệ sinh công cộng, khu vực thể thao…. Thành phố đã lắp đặt quy hoạch 6 khu vực tập kết thuyền thúng. Tuy nhiên, ngư dân vẫn tập kết thuyền thúng tràn lan, không theo quy hoạch, gây ảnh hưởng đến mỹ quan. Việc xử phạt hành vi xả rác tại các bãi biển chưa nghiêm; công tác thu gom rác chưa đảm bảo, số lượng thùng/ giỏ rác ít so với độ dài toàn tuyến, phương tiện thu gom vận chuyển thô sơ. Đặc biệt, hệ thống 29 cống xả thải trực tiếp vẫn tiếp tục gây ô nhiễm môi trường biển.
Hiện toàn tuyến Nguyễn Tất Thành mới chỉ có một số vị trí xây dựng các khu nhà tắm nước ngọt. Nước sạch từ vỉa hè Tôn Thất Đạm – Phan Văn Định dài 5km chủ yếu tưới cây xanh; các khu nhà tắm, nhà vệ sinh đều sử dụng giếng khoan. Kè, bậc cấp lên xuống – vỉa hè thiếu an toàn và thẩm mỹ, một số khu vực thiếu lối lên xuống biển. Cây xanh phát triển không đều, thiếu mỹ quan, chỉ còn khoảng 900 cây dừa, thông, bàng vuông, 30 vòm hoa giấy, một số vị trí nhếch nhác… Toàn tuyến vẫn chưa có đơn vị đầu tư dịch vụ thể thao giải trí biển, các khu tổ chức sự kiện, sinh hoạt cộng đồng.
Theo đại diện Sở Du lịch, dự báo lượng khách tại các bãi biển tuyến Nguyễn Tất Thành sẽ tăng trung bình khoảng 15 – 20%/năm do xu thế di dân từ nông thôn đến thành thị, lượng công nhân, sinh viên từ các khu công nghiệp, trường đại học trên địa bàn và sự bùng nổ của các dự án đầu tư xây dựng khu du lịch, khu đô thị mới…
Trước tình hình này, Sở Du lịch thành phố xây dựng “Đề án quản lý và khai thác các bãi biển du lịch tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2017 – 2020” với tổng kinh phí thực hiện gần 72 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động xã hội hóa. Phạm vi đề án triển khai từ bãi biển phường Xuân Hà, quận Thanh Khê đến bãi biển Nam Ô thuộc phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, với tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 7 km. Trong đó, tập trung quy hoạch 7 bãi biển trọng điểm (bãi biển Xuân Hà, Phú Lộc, Hồ Tùng Mậu, Trần Đình Tri, Nguyễn Chánh, Nam Xuân Thiều và Nam Ô), bao gồm: bố trí thêm các sân bóng chuyền, sân bóng đá… tại bãi biển Nam Ô; sắp xếp mới 5 – 7 điểm giữ xe; xây dựng mới 2 khu nhà tắm nước ngọt; quy hoạch 2 bãi tắm đêm tại khu vực bãi biển Nguyễn Chánh, Xuân Hà; lắp đặt 300 ghế đá vỉa hè và 8 nhà vệ sinh công cộng. Đồng thời, đầu tư công viên biển tuyến Nguyễn Tất Thành với diện tích 143.098m2, Cụm dịch vụ Bãi tắm Hợp tác xã Hòa Hiệp Nam (khoảng 5000m2) và bố trí dịch vụ như tuyến biển Võ Nguyên Giáp, kết hợp các loại hình dịch vụ mới như khu vực ẩm thực hải sản tại Bắc Xuân Thiều và Nam Ô, dịch vụ lưu trú chòi nhỏ dọc biển…
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị các sở ngành nghiên cứu, đề xuất giải pháp khắc phục hạn chế, bất lợi về điều kiện địa lý, môi trường tại tuyến biển Nguyễn Tất Thành để tiếp tục triển khai các giải pháp đầu tư phù hợp. Đồng thời, kêu gọi đầu tư xã hội hóa, đa dạng hóa dịch vụ, phát triển các tiện ích công cộng và dịch vụ du lịch để làm cho các bãi biển du lịch trên tuyến trở thành những điểm đến hấp dẫn. Đặc biệt, thực hiện tốt công tác cứu hộ, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, giữ gìn cảnh quan; giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo vệ và khai thác để xây dựng các bãi biển du lịch dọc tuyến đường Nguyễn Tất Thành ngày càng an toàn, văn minh.
Công Tâm