TP. Hà Nội lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết

T.Tâm (TH)|05/08/2017 01:32
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

TP. Hà Nội lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết

(Moitruong.net.vn) – Trước tình hình dịch sốt xuất huyết đang gia tăng ở thủ đô, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã thành lập các đội xung kích diệt bọ gậy nhằm giảm nhanh mật độ muỗi và bọ gậy truyền bệnh. Mỗi đội gồm 2 – 3 người; gồm thành viên từ các tổ chức đoàn thể như thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, dân phòng…

Mỗi đội xung kích gồm 2 – 3 người, phụ trách 30 – 50 hộ gia đình, khu công trường, cơ quan xí nghiệp, trường học, khu công cộng (vườn hoa, bãi đất trống, nghĩa trang, đình chùa…). Nhiệm vụ là kiểm tra, hướng dẫn cùng các gia đình, cơ quan… xử lý triệt để dụng cụ chứa nước, đồ vật chứa nước có khả năng là ổ bọ gậy; tuyên truyền nâng cao kiến thức của người dân; giám sát phát hiện bệnh nhân nghi sốt xuất huyết tại cộng đồng. Bảy ngày một lần các đội phải kiểm tra công tác diệt bọ gậy, đảm bảo 100% hộ gia đình, cơ quan được xử lý các nguồn có thể gây bệnh.

UBND các quận, huyện, thị xã cũng lập tổ giám sát phòng chống dịch. Các tổ này chịu trách nhiệm giám sát hoạt động của 5 – 10 đội xung kích diệt bọ gậy. Kết quả thực hiện của các đội xung kích được đánh giá bằng cách kiểm tra ngẫu nhiên 5 – 10% hộ gia đình và khu vực phụ trách.

Theo kinh phí được phê duyệt, mỗi thành viên trong các đội xung kích sẽ nhận 100.000 đồng/ngày.

Số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết ở Hà Nội đang tăng cao trong thời gian gần đây, tuần cao điểm lên đến 2.300 ca. Dịch bệnh tập trung tại các quận huyện như Hoàng Mai, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Ba Đình, Thanh Trì… Biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả nhất là diệt bọ gậy bằng cách xử lý triệt để các phế liệu, phế thải, dụng cụ chứa nước…, không cho muỗi truyền bệnh có nơi sinh sản, phát tán bệnh.

T.Tâm (TH)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. Hà Nội lập đội xung kích diệt bọ gậy chống dịch sốt xuất huyết
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.