TP. Hà Nội: Thực hiện nhiều giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển chăn nuôi

Thắng Nam|21/06/2017 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

(Moitruong.net.vn) – Từ đầu năm 2017 đến nay, giá lợn xuống thấp kỉ lục khiến người chăn nuôi vô cùng khốn đốn. Có những lúc người ta đùa nhau trong chua chát, rằng thì giá ba cốc trà đá ở thành phố đã bằng giá một cân hơi thịt lợn.

Người chăn nuôi băn khoăn việc bán thì lỗ nặng, nhưng không bán thì chi phí nuôi tăng lên

Người chăn nuôi lao đao vì giá lợn thấp kỉ lục

Theo báo cáo của Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội, giá lợn hơi tại địa bàn TP. Hà Nội và Đồng Nai đang ở mức thấp nhất trên cả nước. Mức giá ghi nhận ngày 25/4 tại Hà Nội là từ 17.000 đồng đến 19.500 đồng và tại Đồng Nai là 15.000 đồng đến 26.000 đồng.

Do mức giá thấp kỷ lục như vậy, ước tính với số lượng khoảng 1,5 triệu con lợn thịt bán ra từ tháng 10/2016 đến nay, các hộ chăn nuôi trên toàn Thành phố Hà Nội sẽ thiệt hại khoảng 1.500 tỷ đồng. Đặc biệt là với số lượng lợn quá lứa 30 triệu con trên cả nước, các hộ gia đình và công ty sẽ bị thiệt hại 30.000 tỷ đồng.

Được biết, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tại thời điểm tháng 3 năm 2017 khoảng 1.100 tấn/ngày trong khi lượng tiêu thụ tại Hà Nội chỉ khoảng 900 tấn thịt lợn mỗi ngày, trong đó 833 tấn do các trang trại chăn nuôi Hà Nội cung cấp, còn lại gần 80 tấn do các tỉnh lân cận cung cấp.

Như vậy, giá lợn hơi trung bình trong 6 tháng gần đây là 25.000 đồng/kg trong khi giá sản xuất trung bình là 33.000 đồng, đặc biệt đối với các hộ phải mua lợn giống thì giá sản xuất là 39.000 đồng. Do vậy, người chăn nuôi bị thiệt hại trung bình khoảng 1 triệu đồng/con và 1,6 triệu đồng/con đối với hộ phải mua lợn giống. Không chỉ ở miền Bắc, thịt heo hơi ở các tỉnh ĐBSCL cũng gặp tình trạng chung, thịt heo rớt giá, người nuôi lỗ nặng

Nghịch lý giá heo hơi giảm nhưng giá bán lẻ thịt vẫn cao

Tuy giá heo hơi bán tại trang trại hiện đã rẻ đến mức không thể tin nổi, ở mức giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá thịt heo bán lẻ đến tay người tiêu dùng chỉ giảm nhẹ hoặc không giảm. Điều này có nghĩa là người nuôi heo chịu nhiều thiệt thòi và người tiêu dùng vẫn phải chi một số tiền lớn hơn thực tế cần phải chi để mua thịt heo.

Theo ghi nhận thông tin thị trường của Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội cho thấy, tại các quận nội thành, thịt lợn mảng bán ra cho người tiêu dùng dao động từ 60.000 đồng đến 70.000 đồng/kg, tại các chợ truyền thống ngoại thành giá bán dao động từ 35.000 đồng đến 60.000 đồng/kg. So với cùng kỳ năm ngoái, giá thịt lợn mảng mà người tiêu dùng mua vào giảm 29%. Việc chênh lệch mức giá quá cao giữa thịt lợn hơi và giá bán thịt ở các chợ cũng là một bất cập gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi.

Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho hay đơn vị bà vừa chăn nuôi vừa giết mổ và cũng trực tiếp bán thịt heo. Hiện công ty đang thu mua heo hơi đạt tiêu chuẩn VietGAP với giá 31.000 đồng/kg. Sở dĩ thịt heo này giá cao hơn heo nuôi bình thường vì phải tốn thêm nhiều khoản chi phí như test mẫu nước tiểu, phân… Sau đó bán sỉ heo mảnh – tức heo thịt nguyên con không đầu, lượng thịt thu được khoảng 70 kg/con – tại chợ đầu mối với giá 51.000 đồng/kg.

Với giá bán heo mảnh như vậy, tiểu thương bán sỉ mua về bán lại hưởng chênh lệch khoảng 100.000-300.000 đồng/con là hợp lý. Nhưng tiểu thương bán lẻ sau khi mua heo mảnh từ chợ đầu mối về bán giá cao gấp hai, ba lần giá heo mảnh, thu lợi 1,5-2 triệu đồng/con heo. Đây là khâu kiếm lợi nhuận cao nhất vì người bán lẻ chỉ tốn ít chi phí vận chuyển, công pha thịt” – bà Thắm nói.

Nguyên nhân giá thịt heo sụt giảm mạnh

Ông Nguyễn Đức Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết: Từ đầu năm đến giữa năm 2016, giá thịt lợn hơi tăng mạnh, thời điểm đó giá bán cho thương lái là 56.000 đồng/kg. Do giá bán thịt lợn hơi lúc đó cao nên người chăn nuôi tăng đàn và nuôi nhiều. Vì vậy, nguồn cung thịt lợn hơi trong nước hiện đang vượt cầu khiến giá sụt giảm mạnh.

Hơn nữa, sản phẩm thịt lợn hơi của Việt Nam ngoài phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trong nước còn xuất sang Trung Quốc. Trong khi đó, sản phẩm thịt lợn hơi của Việt Nam lâu nay xuất sang Trung Quốc toàn bộ theo đường tiểu ngạch. Việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch thường rủi ro cao, nhất là khi thị trường Trung Quốc giảm nhập khẩu do nguồn cung của họ bảo đảm. Nguồn cung thịt lợn nội địa của Trung Quốc khi đủ họ sẽ giảm nhập thịt lợn của Việt Nam, và ngược lại, nguồn cung nội địa giảm thì họ sẽ nhập khẩu mạnh. Khi đó, giá thịt lợn hơi sẽ cao do Trung Quốc nhập khẩu nhiều. Trung Quốc là thị trường rất tiềm năng với sản phẩm chăn nuôi nói chung và thịt lợn hơi của chúng ta nói riêng, tuy nhiên cũng chứa đựng nhiều rủi ro do chúng ta hiện chỉ xuất qua đường tiểu ngạch.

Giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển chăn nuôi

thit-lon

Giá thịt hơi thấp nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua thịt lợn mảnh với giá cao

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc thực trạng chăn nuôi, các giải pháp tiêu thụ sản phẩm thịt lợn hiện nay và trong thời gian tới trên địa bàn thành phố. Trong đó, đề xuất UBND thành phố cơ chế hỗ trợ trước mắt: hỗ trợ toàn bộ vắc xin, thuốc sát trùng, chế phẩm xử lý môi trường cho các trại chăn nuôi lợn để phòng bệnh và xử lý môi trường không để dịch bệnh bùng phát. Sử dụng quỹ đầu tư, quỹ bình ổn giá của thành phố cho vay không lãi suất để khuyến khích doanh nghiệp giết mổ, chế biến hợp tác với trại chăn nuôi thực hiện mua lợn cho các trại chăn nuôi về giết mổ, chế biến cấp đông thịt, sản phẩm từ thịt.

Tăng cường chế biến, đa dạng hóa sản phẩm từ thịt lợn, tăng sức tiêu thụ của thị trường trong nước. Hỗ trợ lãi suất vốn vay ngân hàng cho các trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư đảm bảo duy trì chăn lợn. Chỉ đạo các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thịt lợn tăng cường thu mua giết mổ cấp đông đối với thịt lợn, sản phẩm từ thịt lợn.

Về lâu dài, thành phố cơ cấu lại ngành Chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo quy hoạch; phát triển chăn nuôi theo vùng, theo xã trọng điểm, trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư. Cân đối nhu cầu tiêu thụ thịt lợn trong và ngoài thành phố để cấp phép cho các trại đảm bảo điều kiện về chất lượng, điều kiện chăn nuôi. Xây dựng khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, trại chăn nuôi quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao, thành phố có chính sách hỗ trợ như: Giống, thiết bị chăn nuôi, hệ thống xử lý môi trường, cơ sở hạ tầng.

Từng bước đưa sản xuất con giống là sản phẩm chủ lực của ngành Chăn nuôi Hà Nội để vừa cung cấp giống cho thành phố và các tỉnh khác. Để nâng cao năng suất, chất lượng trong chăn nuôi, sản xuất giống lợn cần có chính sách hỗ trợ xây dựng một số cơ sở chăn nuôi, sản xuất giống lợn; khuyến khích doanh nghiệp chăn nuôi đảm bảo điều kiện nhập khẩu giống lợn cao sản.

Cùng với đó, hỗ trợ tổ chức hợp tác liên kết chăn nuôi; hỗ trợ thiết bị, xe chuyên dụng cho cơ sở giết mổ; hỗ trợ thiết bị bảo quản cho cơ sở, cửa hàng tiêu thụ sản phẩm. Thành lập hội chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm

Thắng Nam


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hà Nội: Thực hiện nhiều giải pháp cấp bách nhằm ổn định phát triển chăn nuôi