TP. HCM đối mặt đợt triều cường cuối tháng 11, có nơi chạm mốc 1,7m

Minh Lâm|24/11/2022 18:31
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Đỉnh triều đợt này có thể xuất hiện vào ngày 25-26/11 (tức 2-3/11 Âm lịch). Ở trạm Phú An và trạm Nhà Bè có khả năng ở mức 1,65-1,70m.

trieu-cuong.jpeg
Ảnh minh họa.

Ngày 24/11, thông tin từ Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai đang lên nhanh và ở mức cao. Đến 7h ngày 24/11, mực nước cao nhất ngày tại trạm Nhà Bè đạt mức 1,49m; trạm Phú An đạt mức 1,47m (cùng xấp xỉ Báo động II).

Theo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ, mực nước tại các trạm vùng hạ lưu sông Sài Gòn – Đồng Nai sẽ tiếp tục lên nhanh trong 2-3 ngày tới, theo kỳ triều cường đầu tháng Mười Một Âm lịch và sau đó xuống chậm.

Đỉnh triều đợt này có thể xuất hiện vào ngày 25-26/11 (tức 2-3/11 Âm lịch). Ở trạm Phú An và trạm Nhà Bè có khả năng ở mức 1,65-1,70m (cao hơn Báo động 3 khoảng 0,05-0,10m). Thời gian xuất hiện đỉnh triều từ 4-6h và 16-18h.

Mức độ rủi ro thiên tai khu vực hạ lưu sông Sài Gòn - Đồng Nai được Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cảnh báo ở cấp độ 2. Đây là kỳ triều cường cao cần đề phòng ngập úng vùng trũng thấp và ven sông.

Để chủ động ứng phó với đợt triều cường cuối tháng 11, Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP đề nghị UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chủ động tổ chức kiểm tra, rà soát bờ bao, cống, cửa van ngăn triều xung yếu và chuẩn bị vật tư (cừ tràm, lưới B40, vải bạt, bao tải đất, cát…) để kịp thời xử lý, gia cố bờ bao xung yếu ngay từ giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ”, không để xảy ra tình trạng bể, tràn bờ bao, sự cố cửa van gây ngập úng ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của nhân dân.

UBND quận 12, các huyện Hóc Môn và Củ Chi chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, vật tư, thiết bị kịp thời khắc phục sớm nhất nếu xảy ra sự cố thuộc các gói thầu của Dự án Bờ hữu ven sông Sài Gòn trên phạm vi địa bàn quản lý.

Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ Thủy lợi TP và Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị TP phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kịp thời xử lý các vị trí bờ bao, cống kiểm soát triều, kênh dẫn dòng xung yếu; vận hành hiệu quả các cửa xả, cống kiểm soát triều, trạm bơm; đồng thời, phối hợp với lực lượng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ bố trí máy bơm nước di động để kịp thời khắc phục các điểm ngập úng do triều cường gây ra.

Đối với các tuyến đường ngập do triều cường, đề nghị các đơn vị có biện pháp đảm bảo an toàn (lắp biển cảnh báo, rào chắn, đèn báo hiệu, đèn chiếu sáng…) nhằm tránh xảy ra tai nạn khi ngập úng.

Các chủ đầu tư các dự án giao thông, hạ tầng đô thị, thủy lợi chủ động tổ chức kiểm tra để kịp thời phát hiện và xử lý ngay các vị trí đê bao, bờ bao, kè, cống, kênh dẫn dòng xung yếu thuộc phạm vi các gói thầu dự án của đơn vị.

Công an TPHCM được giao chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp Lực lượng Thanh niên xung phong tổ chức các lực lượng cơ động điều tiết giao thông tại các khu vực trọng điểm bị ngập úng do triều cường gây ra.

Bài liên quan
  • Biến đổi khí hậu và những thích ứng để phát triển bền vững đất nước
    Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH). Thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị và được Đảng ta xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. HCM đối mặt đợt triều cường cuối tháng 11, có nơi chạm mốc 1,7m
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.