Biến đổi khí hậu và những thích ứng để phát triển bền vững đất nước

Hoàng Anh|23/11/2022 19:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều những tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu (BĐKH). Thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường là những vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, có tầm ảnh hưởng lớn, quan hệ, tác động qua lại, cùng quyết định sự phát triển bền vững của đất nước. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị và được Đảng ta xác định là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng.

Việt Nam chịu tác động nặng nề từ BĐKH

Biến đổi khí hậu (BĐKH) được phản ánh ở nhiều nội dung, tiêu chí khác nhau, chủ yếu ở tiêu chí về việc ấm lên của khí hậu nói chung, thông qua các quan sát về sự tăng lên của nhiệt độ trung bình của không khí và đại dương toàn cầu, sự tan chảy của tuyết và băng ở diện rộng và sự tăng lên của mực nước biển trung bình toàn cầu. Biến đổi khí hậu có nguyên nhân từ tác động của con người hoặc/và do các tác nhân tự nhiên. Biến đổi khí hậu trong các thập niên gần đây chủ yếu gây ra bởi khí thải độc hại từ các hoạt động của con người.

bien-doi-khi-hau-2-.jpg
Biến đổi khí hậu có nguyên nhân từ tác động của con người hoặc/và do các tác nhân tự nhiên

Trên cơ sở các chỉ số đánh giá về tình hình BĐKH ở Việt Nam (chỉ số về lượng phát thải khí CO2, mức nhiệt độ ở các khu vực, lượng mưa, mực nước biển, xoáy thuận nhiệt đới, mức độ hạn hán và lũ lụt,...) dự báo trong những năm tới (từ nay đến năm 2030), BĐKH ở Việt Nam sẽ diễn ra ngày càng nhanh, phức tạp, khó lường và có những tác động mạnh hơn đối với nước ta so với trước đây. Xu hướng nhiệt độ trung bình ngày càng tăng, nước biển ngày càng dâng cao và hiện tượng thời tiết cực đoan xuất hiện nhiều hơn và với cường độ cũng mạnh hơn.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực. Mức độ ảnh hưởng, tác động của BĐKH phụ thuộc vào các kịch bản BĐKH(1). Những ngành bị tổn thương lớn nhất là nông nghiệp, thủy sản, du lịch...; đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là người dân ở khu vực miền núi và ven biển, nhất là người nghèo, phụ nữ và trẻ em. Biến đổi khí hậu làm thu hẹp diện tích đất canh tác, giảm sản lượng và năng suất cây trồng, dự báo gây tổn thất khoảng 0,4% GDP vào năm 2030. Hơn nữa, nhiệt độ môi trường tăng làm năng suất lúa giảm, dự báo giảm khoảng 4,2%/năm(2) và mực nước biển dâng 13cm vào năm 2030 sẽ làm năng suất lúa giảm 9%(3). Biến đổi khí hậu làm giảm trữ lượng của các loài thủy sản.

Dự báo đến năm 2030, thiệt hại của ngành thủy sản có thể lên đến gần 1,6% GDP(4). Biến đổi khí hậu làm sụt giảm nguồn cung nguyên liệu do nước biển dâng gây ngập lụt cho các khu công nghiệp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm. Biến đổi khí hậu thúc đẩy nhanh hơn chuyển đổi việc làm từ nông nghiệp sang các ngành khác, khiến một bộ phận lớn lao động di cư từ nông thôn ra các đô thị, làm gia tăng áp lực cho khu vực thành thị. Biến đổi khí hậu cũng làm cho các các nguồn tài nguyên ngày càng suy giảm. Suy thoái, cạn kiệt nguồn nước mặt, nước ngầm, thiếu nước, khan hiếm nước trở nên phổ biến hơn. Nguồn cung năng lượng hóa thạch cũng ngày càng cạn kiệt.

Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2020, khí hậu cực đoan đã gây thiệt hại nghiêm trọng về kinh tế. Thiệt hại trực tiếp đối với tài sản công và tư khoảng 2,4 tỷ USD/năm (tương đương 0,8% GDP) do các hiện tượng thời tiết cực đoan. Hơn nữa, nếu tính theo chi phí suy thoái môi trường nói chung, thiệt hại do BĐKH được ước tính khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020, tương đương 3,2% GDP.

bien-doi-khi-hau-3-.jpg
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực

Cũng trong khoảng thời gian này, thiên tai đã khiến 2.153 người tử vong, 316 người mất tích và 4.117 người bị thương. Các tổn thất sau thiên tai còn bao gồm dịch bệnh do nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm, vấn đề sức khỏe tinh thần do sang chấn tâm lý và lo âu, căng thẳng. BĐKH cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng di cư và khiến hàng chục ngàn hộ gia đình buộc phải di dời chỗ ở vĩnh viễn, gây nguy cơ mất bản sắc văn hóa và tri thức địa phương.

Sự gia tăng tần suất và cường độ các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến gia tăng rủi ro cho các vùng, các lĩnh vực và người dân. Do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, nguy cơ ngập dẫn đến mất đất canh tác nông nghiệp, nước tưới cho nông nghiệp, nước cấp cho sinh hoạt và công nghiệp bị nhiễm mặn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân.

Nỗ lực thích ứng của Việt Nam


Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nhận định BĐKH là vấn đề toàn cầu và là một trong những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt. Văn kiện chỉ rõ, ở trong nước, BĐKH sẽ gay gắt, phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy đối với sự phát triển của đất nước. Từ đó, Văn kiện xác định “Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh”(5) là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030 và là một trong 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng. Để thích ứng với BĐKH, Báo cáo chính trị đề ra các nhiệm vụ về nâng cao năng lực nghiên cứu, dự báo, giám sát BĐKH; nâng cao năng lực chủ động phòng, tránh, giảm nhẹ tác động, thích ứng với BĐKH; cơ chế huy động, ưu tiên các nguồn lực thích ứng với BĐKH.

bien-doi-khi-hau-1-.jpg
Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc huy động đầu tư cho thích ứng với BĐKH

Cụ thể, trong nhiều năm qua, nội dung thích ứng BĐKH luôn song hành với giảm phát thải khí nhà kính trong các chủ trương, chính sách, chiến lược, chương trình, kế hoạch về biến đổi khí hậu và thực hiện các cam kết quốc tế của Đảng, Chính phủ. Các văn bản mới đây nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021); Luật Bảo vệ môi trường (2022); Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050 (2022); Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (2022); Hệ thống giám sát và đánh giá hoạt động thích ứng với biến đổi khí hậu cấp quốc gia (2022)… Cụ thể hóa các chủ trương, chính sách này, các Bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục ban hành các kế hoạch hành động ứng phó BĐKH, tăng trưởng xanh, thực hiện Thỏa thuận Paris và lồng ghép trong lộ trình phát triển kinh tế xã hội giai đoạn tới.

Các chương trình, dự án thích ứng với biến đổi khí hậu tập trung chủ yếu vào những lĩnh vực giúp tăng khả năng phòng chống từ xa, tăng sức chống chịu trước thiên tai như: Giám sát khí hậu, cảnh báo sớm thiên tai; ứng phó với thiên tai, chống ngập cho các thành phố lớn, củng cố đê sông, đê biển và an toàn hồ chứa; bảo đảm an ninh lương thực, an ninh nước; xây dựng cộng đồng thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu; bảo vệ, phát triển bền vững rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.

Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong việc huy động đầu tư cho thích ứng với BĐKH, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế song song với bảo vệ tài nguyên và môi trường. Điều này thể hiện qua tỷ trọng nguồn vốn trong nước cao hơn nguồn ODA, bên cạnh đó, nguồn tài chính tư khu vực tư nhân có xu hướng tăng dần trong thời gian qua.

Báo cáo Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) 2022 đưa ra cụ thể những thiếu hụt trong lĩnh vực thích ứng hiện nay và xác định mục tiêu thích ứng trong thời gian tới. Đó là: Giảm thiểu mức độ dễ bị tổn thương và rủi ro trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu thông qua nâng cao khả năng chống chịu và năng lực thích ứng của hệ thống tự nhiên, kinh tế và xã hội, giảm thiểu tổn thất và thiệt hại do thiên tai, khí hậu cực đoan gia tăng và nước biển dâng do biến đổi khí hậu; thúc đẩy lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào các chiến lược, quy hoạch.

Đóng góp về thích ứng với biến đổi khí hậu trong NDC của Việt Nam được chi tiết và cụ thể hóa trong Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu (NAP). Kế hoạch sẽ triển khai trong trung hạn và dài hạn với sự tham gia của các bên liên quan để thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu. Nếu đạt được các mục tiêu, thích ứng sẽ tạo điều kiện tiên quyết để bảo đảm ổn định xã hội và phát triển kinh tế; từ đó mới có thể thực hiện giảm phát thải nhiều hơn. Việc thực hiện các hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trong NDC 2022 cũng sẽ góp phần để Việt Nam đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Biến đổi khí hậu và những thích ứng để phát triển bền vững đất nước