TP.HCM: Nhiều điểm “đen” tồn đọng rác thải được xử lý dứt điểm

Quỳnh Trang|12/10/2020 13:33
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Thành phố Hồ Chí Minh đang bước vào cao điểm của mùa mưa. Quá trình triển khai cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, một số quận trên địa bàn đã rút ra nhiều kinh nghiệm hay nhằm xóa điểm tồn đọng rác thải.

Kinh nghiệm xóa điểm tồn đọng rác thải

Với việc triển khai nhiều nhóm giải pháp về giảm ô nhiễm môi trường; đặc biệt là việc thực hiện Cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì TP sạch và giảm ngập nước”, đã làm cho nhiều tuyến đường, khu vực dân cư ở TPHCM trở nên thông thoáng, sạch đẹp. Ghi nhận tại khu vực dọc tuyến kênh Ba Bò đoạn gần cầu Ngô Chí Quốc, Khu phố 2, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, vốn là khu đất trống, trước đây người dân thường mang từng bao tải rác ra đổ thành đống gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong 2 năm trở lại đây, chính quyền địa phương ra quân dọn dẹp và đặt chốt trông giữ thì tình trạng bỏ rác thải đã không còn.

Tại đường Tố Hữu, nối đường Chu Văn An với đường Phan Chu Trinh, phường 12 (quận Bình Thạnh), con đường chạy uốn theo rạch Lăng và rạch Cầu Sơn đang được cải tạo, gần hoàn thiện. Trước đây, hành lang rạch Cầu Sơn liền kề với đường Tố Hữu luôn xuất hiện những bãi rác lưu cữu do người dân sống trong khu vực thải ra và nhiều bãi đất trống cỏ mọc um tùm gây cản trở dòng chảy.

Thế nhưng hiện nay, khu vực này đang được cải tạo thành đường trải thảm nhựa cho người đi bộ và trồng cây xanh, tạo bóng mát, đem lại cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Chị Hồ Thị Thu Minh, phường 12 cho biết: “Từ khi bãi rác tồn đọng được xóa, hành lang rạch được cải tạo, đến nay tình trạng ngập do mưa đã giảm hẳn. Người dân cũng đã ý thức hơn trong việc xử lý rác thải sinh hoạt, không còn ai đổ rác bừa bãi nữa”.

Tương tự, thời gian qua, quận Tân Phú đã chú trọng triển khai mô hình biến bãi rác tự phát thành công viên, khu vui chơi cho trẻ em. Điển hình là khu đất rộng gần 2.000m2 thuộc phường Tân Sơn Nhì (đối diện Trường Tiểu học Tân Sơn Nhì) trước đây là điểm nóng về rác thải, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, là một trong những nguyên nhân gây ngập úng khi trời mưa. Vậy mà chỉ sau thời gian ngắn thông qua chương trình xã hội hóa, khu đất trên đã được cải tạo thành công viên, là nơi vui chơi, tập thể dục, thể thao của nhân dân trong khu vực.

Ra quân cải tạo các điểm đen ô nhiễm môi trường

Bà Phạm Thị Thanh Hương, Chủ tịch UBND phường Tân Sơn Nhì cho biết, thực hiện cuộc vận động “Người dân thành phố Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”, phường đang tích cực vận động người dân và doanh nghiệp chung tay cùng cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nếp sống văn minh đô thị, đặc biệt là xóa điểm rác tồn đọng, không xả rác ra đường và kênh rạch, góp phần giảm ngập nước trong mùa mưa. “Chính quyền địa phương sẽ tiếp tục cùng người dân biến những khu đất trống, những bãi rác tự phát thành công viên, khu sinh hoạt cộng đồng để góp phần giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp”, bà Phạm Thị Thanh Hương cho hay.

Mới đây, phường Bình Thọ (quận Thủ Đức) cũng khánh thành công trình sân chơi thanh, thiếu nhi được xây dựng trên khu đất trống rộng hơn 800m2. Trước đây, khu đất này ẩm thấp, cỏ dại mọc um tùm, nhiều người đã mang rác thải đến đổ trái phép, gây đọng nước và ô nhiễm môi trường. Khi trời mưa to, nước từ đây tràn vào nhà dân, gây ngập và hôi thối. Hiện khu đất trên được xây các tiểu cảnh, trồng cây xanh, thảm cỏ, lắp đặt các thiết bị tập thể dục, đặt ghế đá, thùng phân loại rác thải. Chị Nguyễn Thị Minh Hồng, Bí thư Quận đoàn Thủ Đức cho biết, công trình trên được thực hiện với tổng kinh phí hơn 230 triệu đồng và sự góp sức của gần 2.000 lượt đoàn viên, thanh niên, nhân dân cùng chung tay xây dựng, mang lại hình ảnh đẹp cho địa phương.

Bên cạnh đó, công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn TP được đảm bảo kịp thời, không để xảy ra tình trạng tồn đọng chất thải trong ngày trên địa bàn TP. Nhiều điểm “đen” về rác thải gây ô nhiễm môi trường được các địa phương xử lý dứt điểm; nhiều quận – huyện thực hiện tốt việc ký cam kết giữa người dân và chính quyền trong việc thỏa thuận thời gian thu gom rác, cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường trên các tuyến đường, tuyến kênh rạch, thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, giảm đáng kể việc vứt rác bừa bãi ra nơi công cộng, khu dân cư.

Áp dụng hình phạt lao động công ích đối với người vi phạm môi trường

Theo UBND TP, trong thời gian tới, TP tiếp tục tập trung các giải pháp ngăn chặn được xu hướng tái ô nhiễm môi trường, từng bước cải thiện chất lượng môi trường TP, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Đồng thời, phòng ngừa, giảm thiểu tác động của nước thải, khí thải và chất thải rắn đến môi trường trong lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ; đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng sống cho người dân; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho cộng đồng dân cư. Tăng cường sự chuyển biến từ nhận thức sang hành động trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu.

Bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh cho biết, UBND thành phố Hồ Chí Minh còn yêu cầu các cơ quan chức năng sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera, phương tiện ghi hình để làm cơ sở xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vệ sinh môi trường trên địa bàn thành phố. Việc sử dụng hình ảnh trích xuất từ camera sẽ giúp chính quyền các địa phương có chứng cứ xử phạt nghiêm minh các trường hợp xả rác nơi công cộng thông qua hình thức “phạt nguội”, góp phần xây dựng thành phố ngày càng sạch đẹp, giảm thiểu tình trạng ngập úng do rác thải gây ra.

Bí thư Thành ủy TP cùng các lãnh đạo dọn dẹp kênh rạch ô nhiễm

Để thực hiện mục tiêu trên, TP tập trung thực hiện một số giải pháp như: Tăng cường vai trò của truyền thông trong bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để thu hút các ngành nghề đầu tư trong lĩnh vực môi trường; đảm bảo sự tiếp cận thuận lợi, bình đẳng của các nhà đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ thân thiện môi trường; củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ lãnh đạo quản lý, đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo thực hiện hiệu quả mục tiêu đề ra.

Đồng thời, nâng cao năng lực quản lý, phát triển nguồn nhân lực, hiện đại hóa cơ sở vật chất, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thực hiện công tác quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh đầu tư công nghệ cao, khuyến khích việc sử dụng công nghệ, thiết bị tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu chất thải, kiểm soát và xử lý triệt để ô nhiễm, kết hợp xử lý chất thải tạo năng lượng, bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường sinh thái. Tập trung các giải pháp công trình để phục vụ công tác giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh, TP trong vùng và các vùng lân cận, quốc tế trong quản lý, giải quyết các vấn đề tài nguyên, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Quỳnh Trang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM: Nhiều điểm “đen” tồn đọng rác thải được xử lý dứt điểm