– Hoạt động không có các thủ tục pháp lý về môi trường, xây dựng công trình trạm trộn bê tông trên đất nông nghiệp, không có giấy phép xây dựng… mặc dù UBND quận 9 và chính quyền địa phương đã nhiều lần ban hành quyết định xử phạt đối Công ty CP kinh doanh Pacific về xây dựng trạm trộn không phép, và yêu cầu đơn vị này phải tự phá dỡ toàn bộ công trình xây dựng vi phạm. Tuy nhiên, đến nay Công ty CP kinh doanh Pacific vẫn không nghiêm túc chấp hành, mà ngang nhiên cho các đơn vị vào thuê lại thiết bị để sản xuất bê tông gây bụi bẩn, ô nhiễm môi trường.
>> Phường Phú Hữu (quận 9 – Tp. Hồ Chí Minh): Trạm trộn bê tông pacific hoạt động gây ô nhiễm môi trường, người dân bức xúc
>> Nghệ An: Về Nghĩa Lâm nghe người dân tố Trang trại bò sữa TH True Milk gây ô nhiễm môi trường, bức tử người dân
>> Quận Thủ Đức (Tp. Hồ Chí Minh) – Bài 1: Tràn lan các trạm trộn bê tông xả thải trái phép, gây ô nhiễm môi trường
Theo tìm hiểu công ty CP kinh doanh Pacific hoạt động sản xuất bê tông tươi tại địa chỉ số 62 Gò Nổi, phường Phú Hữu, quận 9. Quy mô: 02 trạm trộn (01 trạm trộn có công suất 60m3/h và 01 trạm có công suất 90m3/h), hiện tại công ty không có hệ thống xử lý nước thải, nước thải phát sinh từ hoạt động sản xuất bê tông rồi thải thẳng ra rạch Ngọn Ngay.
Trạm trộn bê tông rất hoành tráng đang hoạt động trái phép trên đất nông nghiệp trước sự làm ngơ, bao che của chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng quận 9
Ngày 20/9/2016 Công ty Pacific thuê đất của ông Lê Khắc Tuấn và bà Phan Quỳnh Như với tổng diện tích 16.600,60m2 thời hạn đến ngày 19/09/2026 để đặt trạm trộn bê tông và làm bãi tập kết cát, bãi đậu xe.
Ngày 06/12/2017, UBND phường phú Hữu phối hợp Đội thanh tra địa bàn Quận 9 tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính số 49/BB-VPHC đối với công ty Pacific, đĩa chỉ: 25 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh do bà Trần Thị Thi làm Tổng giám đốc.
Tiếp đến, ngày 07/12/2017 UBND phường Phú Hữu ban hành Quyết định số 271/QĐ-UBND về việc đình chỉ thi công xây dựng công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị đối với công ty Pacific.
Trên cơ sở đó, ngày 20/12/2017, UBND quận 9 ban hành Quyết định xử phạt số 330/QĐ-XPVPHC về xử phạt vi phạm hành chính đối với công ty Pacific với số tiền 12.500.000đ (mười hai triệu năm trăm ngàn đồng chẵn) biện pháp khắc phục hậu quả: buộc công ty Pacific tự phá dỡ toàn bộ công trình xây dựng.
Quyết định xử phạt Công ty CP kinh doanh Pacific của UBND quận 9 chỉ có giá trị trên giấy
Do công ty Pacific không chấp hành quyết định số 330/QĐ-XPVPHC nên ngày 11/6/2018, UBND quận 9 tiếp tục ban hành Quyết định số 76/QĐ-CCXP cưỡng chế buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra cần được khắc phục: Xây dựng công trình không có giấy phép xây dựng mà theo quy định phải có giấy phép xây dựng.
Để thực hiện công bố Quyết định mà UBND quận 9 đã ban hành, sau nhiều lần UBND phường đã mời công ty Pacific lên làm việc và nhận Quyết định xử phạt nhưng công ty không hợp tác và không đến nhận Quyết định. Và đến nay, Công ty Pacific vẫn không chịu nộp phạt.
Ngoài ra, 04/4/2018 UBND quận 9 đã có kế hoạch số 99/KH-UBND về thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm khu đất 8,6ha phường Phú Hữu, quận 9 để tạo vốn đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2
Trên cơ sở, ngày 24/4/2018 UBND quận 9 đã có thông báo thu hồi đất số 211/TB-UBND để thực hiện dự án khu đất 8,6ha, phường Phú Hữu. Trong đó có thửa đất số 522, tờ bản đồ số 62 phường Phú Hữu nơi công ty Pacific đang hoạt động trái phép.
Mặc dù đã bị đình chỉ và tháo dỡ trạm trộn bê tông, nhưng tháng 3/2019, Công ty Pacific vẫn tiếp tục hoạt động và xả nước thải không qua xử lý ra rạch Ngọn Ngay gây ô nhiễm môi trường. Qua thông tin phản ánh của người dân UBND phường đã phối hợp Công an phường xuống kiểm tra và phát hiện công ty Pacific đang xả trực tiếp nước thải phát sinh từ quá trình rửa bồn trộn và rửa xe bồn ra rạch. Trước những vi phạm trên, UBND Phường đã mời công ty đến làm việc nhưng đến nay Công ty cũng không đến làm việc.
UBND quận 9 gửi văn bản tới Chi cục Bảo vệ môi trường không đồng ý cho gia hạn hoạt động trạm trộn bê tông đối với Công ty CP kinh doanh Pacific
Ở một diễn biến khác, khu đất 62 Gò Nổi đã thuộc diện quy hoạch giải tỏa, nhưng không hiểu tại sao, ngày 18/3/2019 Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP vẫn ban hành văn bản số 218/CCBVMT-KSON gửi UBND quận 9 về gia hạn chủ trương chấp thuận địa điểm hoạt động trạm trộn bê tông Pacific tại số 62 Gò Nổi, phường Phú Hữu? Tuy nhiên, việc gia hạn này đã không được UBND quận 9 đồng ý.
UBND quận 9 bất lực hay quản lý yếu kém?
Mặc dù, trạm trộn bê tông Pacific đi vào hoạt động đến nay được hơn 3 năm, nằm ngay trên địa bàn phường Phú Hữu và UBND quận 9 nhưng chưa một lần nào UBND quận 9 xuống kiểm tra công ty về thực hiện luật bảo vệ môi trường, dẫn đến tình trạng hoạt động “chui” về môi trường của công ty Pacific, khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc
Làm việc với phóng viên Moitruong.net.vn, không có bất kì lãnh đạo quận 9 nào làm việc với báo chí mà chỉ có bà Trần Thị Thu Hoài – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường làm việc với phóng viên, bà Hoài cho biết: “Hiện nay trạm trộn bê tông Pacific tại 62 Gò Nổi không nằm trong quy hoạch của quận về sản xuất bê tông. Vừa qua UBND quận có văn bản gửi Sở tài nguyên và Môi trường và Chi cục bảo vệ môi trường không đồng ý gia hạn hoạt động trạm trộn bê tông Pacific tại địa chỉ 62 Gò Nổi, kết hợp công ty đang vi phạm về Trật tự xây dựng và hoạt động kinh doanh trái phép trên đất nông nghiệp do vậy hiện nay công ty này không đủ điều kiện hoạt động tại đây.”.
Bà Trần Thị Thu Hoài – Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận 9 cho biết: “Sở TNMT cấp giấy tờ thì sở quản lý, quận không có thẩm quyền quản lý trạm trộn bê tông của công ty Pacific”
Cũng theo bà Hoài, tháng tháng 9/2017 đoàn kiểm tra của quận có kiểm tra công ty Pacific và thời điểm đó công ty không có đại diện đơn vị làm việc với tổ kiểm tra Cho đến ngày 29/3/2019 Sở TN&MT Thành phố có phối hợp với quận 9 tiến hành kiểm tra công ty và tại buổi kiểm tra không có người đại diện tư cách pháp nhân công ty làm việc mà chỉ có nhân viên làm việc với đoàn.
Tuy nhiên, điều khiến dư luận đang rất băn khoăn về cách quản lý của chính quyền quận 9. Khi mà trạm trộn bê tông này đi vào hoạt động đến nay không có bất kì các thủ tục pháp lý về môi trường mà vẫn được phép hoạt động.
Đặt câu hỏi, từ tháng 9/2017 đến trước ngày 29/3/2019, UBND quận có tiến hành kiểm tra công ty Pacific về thực hiện luật bảo vệ môi trường hay không? Bà Hoài đối đáp: “Do thời điểm tháng 9/2017 đoàn kiểm tra của quận có kiểm tra công ty nhưng tại thời điểm đó công ty chưa hoạt động nên từ đó đến trước ngày 29/3/2019 UBND quận không tiến hành kiểm tra công ty, mà trước đây đoàn chỉ kiểm tra về trật tự xây dựng và phát hiện công ty xây dựng lắp đặt trạm trộn không có giấy phép xây dựng, mà về các thủ tục pháp lý về đánh giá tác động môi trường, bảo vệ môi trường là do Sở cấp nên UBND quận không quản lý.”.
Tiếp tục đặt câu hỏi, hiện nay công ty Pacific đã được phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường hay chưa? bà Hoài ấp úng và trả lời: “Hiện công ty này chưa được cấp ĐTM, chưa xin giấy phép khai thác nước dưới đất, chưa có giấy phép xả nước thải vào nguồn nước, không quan trắc môi trường hằng năm, hiện quận không lưu giữ hồ sơ về môi trường của đơn vị này.”.
Trong khi đó, tại buổi làm việc bà Hoài luôn biện minh rằng: “Trên địa bàn quận 9 rất nhiều doanh nghiệp nên chúng tôi không thể suốt ngày chỉ kiểm tra một đơn vị được, nếu như vậy chúng tôi làm gì có thời gian mà làm việc khác, công ty Pacific do Sở cấp ĐTM, thì Sở quản lý, chúng tôi chỉ là thành viên phối hợp với đoàn kiểm tra mà thôi?!”.
Không hiểu bà Hoài có hiểu biết các quy định của Luật Bảo vệ môi trường và Luật Chính quyền địa phương? Trong khi đó Luật đã phân định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành và địa phương trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó có trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc quản lý, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở hoạt động trên địa bàn. Do vậy, các cấp chính quyền phải làm theo Luật chứ không phải Trung ương, UBND tỉnh, thành phố cấp phép là Trung ương, tỉnh, thành phố phải quản lý hết. Trung ương, tỉnh, thành phố cấp phép nhưng chính quyền địa phương phải có trách nhiệm quản lý, thanh tra, kiểm tra, giám sát về BVMT.
Công ty CP kinh doanh Pacific không hoạt động nhưng cho Công ty TNHH Sài Gòn RDC thuê lại để sản xuất bê tông. Nước thải bê tông không được xử lý mà thải trực tiếp ra môi trường
Với cách trả lời như trên của bà Hoài đang có rất nhiều mâu thuẫn với nhau, vậy phòng TN&MT quận 9 đang làm gì ở đây?. Với chức năng cơ quan chuyên môn, tham mưu cho UBND quận để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về Tài nguyên và Môi trường trên địa bàn, phòng đã làm hết trách nhiệm hay chưa? việc bà Hoài là một Phó Trưởng phòng phụ trách về môi trường mà luôn cho rằng vấn đề môi trường của công ty Pacific là thẩm quyền của Sở, vậy thẩm quyền và trách nhiệm của UBND quận 9 ở đây là gì?.
Hoạt động nhiều năm mà không có bất kì các thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước… Vậy mà UBND quận 9 không một lần tiến hành kiểm tra thực hiện luật bảo vệ môi trường đối với công ty Pacific và cũng chưa bao giờ ban hành Quyết định xử phạt vi phạm về môi trường đối với công ty này. Dư luận đặt câu hỏi, phải chăng chính quyền và công an quận 9 đang buông lỏng quản lý và hay đang bất lực trước những vi phạm về môi trường đối với công ty Pacific?
Đến bao giờ các vi phạm về môi trường, đất đai, xây dựng của công ty Pacific mới được các Sở, ngành thành phố Hồ Chí Minh và UBND quận 9 xử lý dứt điểm? Trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh đến đâu?
Tòa soạn Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin trong bài viết tiếp theo!
Hải Phong – Linh Tú