TP. Hồ Chí Minh: Cần các phương án bảo đảm chất lượng nguồn nước sinh hoạt

Ngọc Vân (T/h)|10/10/2019 05:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sông Sài Gòn, sông Ðồng Nai có vai trò cung cấp nguồn nước cho TP. Hồ Chí Minh nhưng đang bị ô nhiễm nặng. Thành phố cần có phương án đảm bảo đủ nước sạch cho người dân.

Các cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh khuyến cáo nguồn nước thô của sông Sài Gòn, sông Ðồng Nai đang bị ô nhiễm nặng. Thực tế đòi hỏi ngành cấp nước của thành phố phải chú trọng các biện pháp xử lý, bảo đảm nguồn nước an toàn để cung cấp cho người dân…

Theo kết quả khảo sát mới đây của  Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho thấy, hiện, nước sông Sài Gòn ở phía thượng nguồn từ Bình Phước trở lên đạt tiêu chuẩn nguồn loại A; còn đoạn từ Bình Phước trở xuống đến điểm đổ ra sông Ðồng Nai chỉ đạt chuẩn nguồn loại B. Chất lượng nước sông Sài Gòn từ Hóa An (Ðồng Nai) về Cát Lái ( TP Hồ Chí Minh) đang bị ô nhiễm vi sinh rất nghiêm trọng và bị ô nhiễm nhẹ dầu mỡ.

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hiện, nguồn nước thô được dùng để khai thác cung cấp nước sạch chủ yếu là nguồn nước mặt lấy ở lưu vực hai sông Sài Gòn và Ðồng Nai (chiếm 94%), chỉ một phần nhỏ (6%) khai thác từ nguồn nước ngầm. Mặc dù các cơ quan quản lý nhà nước đã tăng cường nhiều giải pháp quản lý, bảo vệ nguồn nước nhưng chất lượng nước mặt sông Ðồng Nai, nhất là sông Sài Gòn, có xu hướng ngày càng xấu hơn. Các chỉ tiêu như a-mô-ni-ắc, hữu cơ, vi sinh, mangan… trong nước sông Sài Gòn ngày càng tăng. Do đó, việc quản lý và bảo vệ nguồn nước cần được xem xét một cách tổng thể, quyết liệt trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố của cả lưu vực.

Nhà máy cấp nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) lấy nguồn nước thô từ sông Sài Gòn có khả năng cung cấp gần 300 nghìn m3 nước/ngày

Ngoài ra, nguồn nước các sông còn chịu tác động rất lớn bởi đặc tính thời tiết, thủy văn và ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu như suy giảm lưu lượng vào mùa mưa, nhất là theo chu kỳ tác động của hiện tượng El Nino (khoảng 5 năm) và hiện tượng triều cường, nước biển dâng dẫn đến nguy cơ xâm nhập mặn và thiếu nước vào mùa khô.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ (PGS, TS) Võ Lê Phú, Trưởng Khoa Môi trường và Tài nguyên, Ðại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh khuyến cáo: “Ðể cung cấp nước an toàn cho người dân, chính quyền thành phố cần quan tâm đến toàn bộ vòng đời của nước, từ nguồn nước cấp, nhà máy xử lý nước, hệ thống phân phối và hệ thống xử lý nước thải. Bên cạnh đó, thành phố cần đưa ra các quy định chặt chẽ hơn nữa để ngăn chặn sự suy giảm chất lượng nguồn nước sông như kiểm soát nguồn nước thải từ hoạt động công nghiệp, có quy định tất cả nhà máy xử lý nước thải cần phải được trang bị cả thiết bị xử lý dinh dưỡng, xử lý bậc cao để có thể loại bỏ được những chất ô nhiễm vi lượng độc hại khó được phân hủy sinh học…”.

Phó Tổng Giám đốc Sawaco Bùi Thanh Giang cho biết, tính đến tháng 9-2019, tổng công suất cấp nước tại TP Hồ Chí Minh đạt 2,4 triệu m3/ngày, trong đó lượng nước tiêu thụ thực tế là 1,8 triệu m3/ngày. Nguồn nước sạch được kiểm soát chất lượng chặt chẽ theo quy định của Bộ Y tế. Trong đó, có sự kiểm soát liên tục, toàn diện từ quy trình xử lý, đầu ra tại nhà máy và nước sạch trên mạng lưới cấp nước của Tổng công ty bằng hệ thống giám sát online cũng như lấy mẫu định kỳ bởi phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO 17025.

Cùng với quy trình xử lý thủ công trước đây, hiện Sawaco đã triển khai chương trình cấp nước an toàn theo hướng dẫn từ hiệp hội cấp nước của Ô-xtrây-li-a áp dụng tại các nhà máy cấp nước. Theo đó, qua từng công đoạn xử lý sẽ thiết lập các giá trị tới hạn cho những chỉ tiêu chất lượng nước chính, ảnh hưởng đến toàn quá trình xử lý (như độ đục, hàm lượng chlorine dư, độ mầu,…). Ðối với nguồn nước sông Sài Gòn, Sawaco lắp đặt thêm hệ thống giám sát T.O.C (tổng hợp chất hữu cơ), a-mô-ni-ắc liên tục (online) để theo dõi diễn biến chất lượng nước thô…

Nhằm ứng phó các biến động, Sawaco cũng đã phối hợp các viện, trường đại học, đơn vị cấp nước quốc tế để nghiên cứu công nghệ xử lý nước tương ứng với điều kiện chất lượng nước nguồn bị ô nhiễm xấu hơn trong tương lai. Ðối với nguồn nước sông Sài Gòn ngày càng ô nhiễm và nhiễm mặn vào mùa khô, sẽ nghiên cứu phương án khai thác nguồn nước từ hồ Dầu Tiếng, hoặc di dời điểm lấy nước thô của Nhà máy nước Tân Hiệp (huyện Hóc Môn) lên phía thượng nguồn và bổ sung bể dự trữ nước thô.

Về lâu dài, thành phố cần hỗ trợ nguồn vốn đầu tư để bổ sung các hạng mục công trình và giải pháp an toàn cấp nước như các công trình dự phòng, hồ chứa nước thô, các bể chứa phân phối trên mạng lưới, các dự án đổi mới công nghệ xử lý nước…

Ngọc Vân (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP. Hồ Chí Minh: Cần các phương án bảo đảm chất lượng nguồn nước sinh hoạt