– Vừa qua, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM vừa công bố kết quả kiểm tra ngoại kiểm chất lượng nước trên địa bàn TP 9 tháng đầu năm 2018. Trong đó, các mẫu nước không đạt chỉ tiêu hóa lý, vi sinh chủ yếu lấy trên mạng nước, trạm vệ tinh và nước giếng tự khai thác tại hộ dân.
>>> TPHCM: Nhiều hộ dân bị mất nước do ống nước bị rò rỉ
>>>Khánh Hòa: 300 hộ dân không có nước sạch ngay cạnh thành phố Nha Trang
Kết quả hơn 75,5% mẫu đạt chỉ tiêu hóa lý (chỉ tiêu clo dư, hàm lượng mangan tổng số, độ pH, hàm lượng amoni); hơn 97% mẫu nước đạt chỉ tiêu vi sinh (Coliform và E.coli).
Các mẫu nước không đạt chỉ tiêu hóa lý, vi sinh chủ yếu lấy trên mạng nước, trạm vệ tinh và nước giếng tự khai thác tại hộ dân.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Theo Trung tâm y tế dự phòng, độ pH thấp sẽ làm tăng tính a xít trong nước, làm ăn mòn kim loại trên đường ống, vật chứa và tích lũy các ion kim loại gây ảnh hưởng sức khỏe con người, làm mau hỏng vải, quần áo giặt, gây ngứa khi tắm gội, gây hỏng men răng…
Khi E.coli và Coliform hiện diện trong nước chứng tỏ nguồn nước bị nhiễm phân người hoặc súc vật và có thể dẫn đến nguồn nước nhiễm vi khuẩn đường ruột khác như tả, lỵ, thương hàn.
Nguồn nước giếng tại TPHCM không đảm bảo chất lượng các chỉ số vi sinh, hóa lý có thể gây bệnh cho người sử dụng là vấn đề đã được các chuyên gia y tế cảnh báo lâu nay. Đưa nguồn nước máy của thủy cục đến với các quận huyện vùng ven để đảm bảo chất lượng, sự an toàn của nguồn nước sinh hoạt sẽ là giải pháp hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Mặc dù, UBND thành phố đã có nhiều chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị liên quan, song sự chậm trễ trong việc mở rộng mạng lưới cung cấp nước máy đang khiến người dân tại những quận huyện có nguồn nước giếng không đảm bảo, dù biết nguy hiểm nhưng vẫn phải nhắm mắt sử dụng.
Hà Thu (T/h)