TP Hồ Chí Minh đề xuất cơ sở gây ô nhiễm phải bị cắt điện, nước buộc khắc phục hậu quả

Minh Lâm|18/09/2023 20:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Trước thực trạng cơ sở gây ô nhiễm môi trường xen cài trong khu dân cư, TP.HCM kiến nghị bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, nước công đoạn sản xuất của cá nhân, tổ chức vi phạm về môi trường để buộc những cơ sở này phải khắc phục hậu quả.

Ngày 17/9, Sở TN-MT TP.HCM có văn bản gửi UBND TP.HCM báo cáo về khó khăn trong công tác xử lý vi phạm hành chính các cơ sở gây ô nhiễm môi trường xen cài trong khu dân cư.

Thời gian qua, TP.HCM đã thí điểm xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường tại khu phố 4, khu phố 5, phường Đông Hưng Thuận, quận 12. Tuy nhiên, việc xử lý còn khó khăn do thiếu các biện pháp cưỡng chế đình chỉ hoạt động các cơ sở vi phạm nhiều lần và những cơ sở buộc di dời do thuộc ngành nghề có nhiều nguy cơ gây ô nhiễm môi trường xen cài trong khu dân cư.

chon-lap-rac-thai.jpg
Một vụ chôn lấp chất thải rắn nguy hại trái phép tại huyện Bình Chánh (TP.HCM)

Khi triển khai các biện pháp xử lý, các cơ sở này vẫn chưa chủ động, chậm triển khai việc xây dựng nhà xưởng tại vị trí mới, có hành vi đối phó, tháo dỡ niêm phong, không chấp hành quyết định xử phạt, đình chỉ, cấm hoạt động tại vị trí cũ.

TP.HCM có rất nhiều hộ gia đình, công ty quy mô nhỏ hoạt động xen cài trong khu dân cư, nhiều cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Nhiều cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính chỉ chấp nhận nộp phạt, không chấp hành các biện pháp khắc phục hậu quả là đình chỉ hoạt động, gây bức xúc trong người dân và khó khăn cho đơn vị xử lý. Các quyết định xử phạt của cơ quan hành chính nhà nước chưa thực sự hiệu quả.

Trong khi đó, điện và nước là yếu tố cơ bản cho hoạt động sản xuất. Việc ngừng cung cấp điện, nước là biện pháp hữu hiệu, buộc cá nhân, tổ chức vi phạm chấp hành biện pháp khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường chưa đề cập cụ thể nên địa phương chưa thể áp dụng.

Trước thực trạng trên, TP.HCM kiến nghị bổ sung biện pháp ngừng cung cấp điện, nước công đoạn sản xuất của cá nhân, tổ chức vi phạm về môi trường để buộc những cơ sở này phải khắc phục hậu quả.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, từ đầu năm 2023 đến nay, thanh tra sở này đã xử phạt 20 đơn vị vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 2,22 tỉ đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu là xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép, xả khí thải vượt quy chuẩn cho phép, xả thải chất gây mùi khó chịu vào môi trường, không nộp hồ sơ cấp quyền khai thác nước dưới đất, hồ sơ tính tiền cấp quyền khai thác nước dưới đất không đúng thời hạn, không có giấy phép môi trường theo quy định...

Bài liên quan
  • Ô nhiễm môi trường từ "xác" tàu cá hỏng
    Nhiều năm qua, một phần diện tích mặt nước tại cảng Sa Huỳnh (thuộc phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) trở thành nơi tập kết của tàu cá hư hỏng gây ô nhiễm môi trường, nguy hiểm cho tàu cá còn hoạt động ra vào cảng, cửa biển.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP Hồ Chí Minh đề xuất cơ sở gây ô nhiễm phải bị cắt điện, nước buộc khắc phục hậu quả