TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất miễn vé xe buýt cho học sinh phổ thông

Hà Linh (T/h)|12/09/2018 04:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, mặc dù đã trợ giá xe bus cho học sinh nhưng do việc phân tuyến, phân luồng chưa phù hợp, việc tiếp cận xe bus khó khăn, xe chạy chưa đúng giờ nên học sinh đi xe bus ngày càng giảm, nhất là các huyện ngoại thành.

(Moitruong.net.vn) – Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã đề xuất với Hội đồng nhân dân thành phố miễn phí xe bus cho học sinh.

»»» Bộ trưởng Giao thông: Phương án lựa chọn công nghệ đường sắt tốc độ cao

»»» Hà Nội: Tăng cường bảo đảm trật tư, an toàn trong hoạt động vận tải đường bộ

Ảnh minh họa

Tại chương trình “Lắng nghe và trao đổi” về trợ giá xe buýt – hiệu quả và giải pháp, do HĐND TPHCM tổ chức mới đây, Phó Giám đốc Sở GDĐT TPHCM Bùi Thị Diễm Thu đề xuất TPHCM miễn phí cho học sinh đi xe buýt để động viên, tập thói quen đi xe buýt. Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm nhận xét, đề xuất miễn phí xe buýt cho học sinh của Sở GDĐT rất hay và trong khả năng của TPHCM có thể đáp ứng được. Bà Tâm đề nghị Sở Tài chính và Sở GTVT TPHCM nghiên cứu về đề xuất này.

Theo mục tiêu đến năm 2020, TPHCM sẽ tăng số lượng học sinh sử dụng xe buýt lên 15-20%. Để đạt mục tiêu này, thì việc miễn vé thu hút học sinh đi xe buýt lại càng cần thiết hơn lúc nào hết. Tuy nhiên, để đề xuất trên thành hiện thực và phát huy hiệu quả cao cho bài toán giao thông đô thị thì thành phố cần phải làm rất nhiều điều để nâng chất lượng cũng như sự tiện lợi của xe buýt.

Đề cập đến việc chi phí đâu để miễn giá vé cho học sinh, thạc sĩ kinh tế Nguyễn Văn Hùng (TPHCM) cho rằng, hiện nay, mỗi năm, thành phố đã có chính sách giảm giá vé khoảng 50% cho học sinh rồi nên việc tiến tới miễn phí là điều thành phố có thể thực hiện được. Một trong những nguồn thu mà thành phố có bù đắp chi phí khi miễn phí cho học sinh là tăng cường quảng cáo trên xe buýt cũng như hạ tầng giao thông phục vụ cho xe buýt (trạm dừng, nhà chờ…).

Năm 2018, TP. HCM dự kiến dành 1.000 tỷ đồng trợ giá xe buýt. Từ nay đến cuối năm, Trung tâm sẽ cải tạo, làm mới 100 nhà chờ và 560 trụ dừng mới. Toàn bộ hệ thống xe buýt có lắp đặt camera và hệ thống thông báo trạm tự động phục vụ người khuyết tật. Trong tháng 9 này sẽ kết nối thêm tuyến xe buýt đi từ Bến xe Chợ Lớn hoặc Bến xe miền Tây thẳng tới Bệnh viện Nhi đồng TP. HCM.

Xác định từ nay đến năm 2020, xe buýt vẫn là chủ lực trong hệ thống giao thông công cộng, với mục tiêu vận chuyển 15% lượng hành khách (hiện nay là 9,6%), Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho biết, có 3 nhiệm vụ cần làm. Trước hết, đổi mới tư duy phục vụ gắn với đổi mới công nghệ, lấy khách làm trung tâm, không còn sự phân biệt đối xử giữa học sinh sinh viên được trợ giá đi vé 2.000 đồng/lượt với khách đi vé 6.000 đồng/lượt.

Đồng thời với tiêu tiền trợ giá, hệ thống xe buýt phải tạo nguồn thu trở lại, bằng quảng cáo (năm 2017 thu được 53 tỷ đồng từ quảng cáo trên xe buýt), thu từ bến bãi và một số nguồn xã hội hóa. Cùng với đó, tiếp tục xã hội hóa, đấu thầu hệ thống xe buýt; công khai, minh bạch toàn bộ công việc về xe buýt.

Hà Linh (T/h)


(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. Hồ Chí Minh: Đề xuất miễn vé xe buýt cho học sinh phổ thông
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.