TP Hồ Chí Minh diện mạo mới sau gần nửa thế kỷ chuyển đổi mạnh mẽ, văn minh, hiện đại

Minh Châu|30/04/2024 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Sau 49 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024),TP. Hồ Chí Minh hôm nay có quyền tự hào về những bước đi diệu kỳ, những thành tựu đổi mới trong suốt chặng đường gần nửa thế kỷ qua. Trở thành trung tâm kinh tế đầu tàu của cả nước, tạo những nền tảng quan trọng để thành phố bứt tốc ở giai đoạn tiếp theo.

Hành trình gần nửa thế kỷ

Chiến dịch Hồ Chí Minh, Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc. Ngày Giải phóng miền Nam 30/4/1975 là một sự kiện trọng đại của dân tộc Việt Nam, trở thành điểm tựa tinh thần và nền móng vững chắc để người dân TP Hồ Chí Minh dựng xây và phát triển “Thành phố mang tên Bác” theo định hướng mà Đảng đã hoạch định: “TP Hồ Chí Minh (HCM) là đầu tàu, là hình mẫu của cải cách, đổi mới và phát triển của cả nước”.

Giai đoạn đầu (1976 - 1985), cùng với cả nước, TP HCM bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn của một nước mới trải qua 30 năm chiến tranh, lại phải đối phó với 2 cuộc chiến tranh biên giới, nền kinh tế lại đang vận hành theo cơ chế kế hoạch hóa tập trung, do vậy, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Thành phố chỉ đạt trung bình 2,7%/năm. Điều quan trọng của giai đoạn này là Thành phố đã nỗ lực chăm lo đời sống của người dân, đồng thời không ngừng tìm tòi, đổi mới, đột phá từ thực tiễn để "tự cởi trói", góp phần cùng cả nước chuẩn bị những tiền đề cho đổi mới kinh tế giai đoạn tiếp theo.

tp-hcm.jpg
TP.HCM vươn lên trở thành đầu tàu kinh tế số

Giai đoạn bắt đầu đổi mới (1986 - 1995), hòa chung với cả nước, TP HCM đã bước vào công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng trưởng kinh tế của Thành phố đã gia tăng nhanh chóng. Nếu những năm đầu đổi mới (1986 - 1990), GRDP của Thành phố tăng trưởng bình quân đạt 7,82%/năm (tính theo giá so sánh 1994), 5 năm tiếp theo (1991 - 1995) tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt trung bình 12,62%/năm. Đây là giai đoạn vai trò đột phá, đầu tàu kinh tế của Thành phố phát huy mạnh mẽ, đầu tư nước ngoài gia tăng nhanh chóng, đạt trung bình 67,97%/năm (1991 - 1995). Cơ cấu kinh tế của Thành phố đã có sự chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, trung tâm dịch vụ chất lượng cao của cả nước.

Giai đoạn đẩy nhanh công nghiệp hóa - hiện đại hóa (1996 - 2010), TP HCM đã gia tăng tốc độ phát triển kinh tế, khẳng định vị thế và vai trò của đầu tàu kinh tế Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt tốc độ bình quân 2 con số (1996 - 2000: 10,11%; 2001 - 2005: 11% và 2006 - 2010: 11,18%/năm, giá so sánh năm 1994), đưa Thành phố trở thành một trong số rất ít địa phương của cả nước đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong thời gian dài. GRDP bình quân đầu người của Thành phố đã tăng từ 700 USD (1996) lên xấp xỉ 5.000 USD (2010).

Đây cũng là giai đoạn tăng trưởng kinh tế của Thành phố chuyển biến tích cực từ chiều rộng sang chiều sâu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển biến quan trọng, theo hướng gia tăng khu vực dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, giảm tỉ trọng khu vực nông nghiệp. Năm 2010, tỉ trọng giữa 3 khu vực dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp tương ứng là 55,98%; 42,96% và 1,06%. TP HCM có vai trò quan trọng trong đóng góp vào GDP và ngân sách của cả nước, giữ vững vị trí đầu tàu, đi đầu đổi mới - sáng tạo trong công cuộc phát triển kinh tế của cả nước.

Phát triển kinh tế theo chiều sâu (2011 - 2020): Trong giai đoạn này, TP HCM đạt tăng trưởng kinh tế bình quân 6,86%/năm, với quy mô GRDP chiếm 25,79% GDP quốc gia và 51,11% GDP vùng kinh tế trọng điểm phí Nam. Thành phố cũng dẫn đầu cả nước về mật độ doanh nghiệp, với 27,6 doanh nghiệp/1000 dân.

Thách thức và phục hồi (2021 - Hiện tại): Đại dịch COVID-19 đã gây suy giảm kinh tế TP HCM, với tăng trưởng giảm sâu trong năm 2021. Tuy nhiên, năm 2022 chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ, với tăng trưởng là 9,03%, thu ngân sách đạt 122% dự toán. Tính đến cuối năm 2023, với quy mô GRDP đạt khoảng 65,5 tỉ USD, kinh tế TP HCM chiếm gần 15,5% GDP của cả nước. Dù vậy, sự phục hồi này còn nhiều thách thức và cần sự ổn định lâu dài.

Thành phố Hồ Chí Minh với nhiều dự án giao thông trọng điểm

Từ năm 2020 đến nay, hạ tầng giao thông, kết nối vùng các tỉnh thành phía Nam tiếp tục chứng kiến những thay đổi ngoại mục, đáng tự hào. Nhiều dự án đường giao thông trọng điểm, kết nối vùng có giá trị đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã được triển khai với tốc độ nhanh chóng…

Việc phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn này đã được gắn với cụm từ “kết nối vùng” với ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ với tiêu chí lấy Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm.

giao-thong-tp-hcm.jpg
Phát triển hạ tầng giao thông, kết nối vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ...

Tại vùng Đông Nam Bộ với trung tâm phát triển là Thành phố Hồ Chí Minh, những năm qua hạ tầng giao thông đã được đầu tư mạnh mẽ. Những công trình giao thông đã hoàn thành và đưa vào sử dụng góp phần rút ngắn khoảng cách đi lại, thông thương hàng hóa, cụ thể: Nút giao thông ngã 3 Cát Lái (thành phố Thủ Đức) nằm ở điểm đầu Đại lộ Đông - Tây kết nối với Xa lộ Hà Nội; đại lộ Mai Chí Thọ (từ Xa lộ Hà Nội về đến hầm vượt sông Sài Gòn); hầm Thủ Thiêm; tuyến Đại lộ Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ; đại lộ Nguyễn Văn Linh thuộc đường Vành đai 2; cầu Phú Mỹ kết nối thành phố Thủ Đức và quận 7 được xem là biểu tượng của thành phố.

Đặc biệt, thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tập trung hoàn thành khép kín Vành đai 2 với tổng chiều dài hơn 60km. Tuyến đường này khi hoàn thành sẽ tạo sự đồng bộ, tăng cường kết nối, rút ngắn quãng đường vận chuyển hàng hóa ra vào các cảng khu vực phía Đông, Đông Bắc và phía Nam thành phố (cảng Cát Lái, cảng Phú Hữu…).

Cùng với đó, dự án cầu Thủ Thiêm 4 bắc qua sông Sài Gòn dài 2,1km, sẽ được khởi công trong năm 2025, nhằm kết nối Khu đô thị mới Thủ Thiêm với Khu đô thị mới Nam thành phố.

Tuyến Metro số 1 (đoạn Bến Thành - Suối Tiên) sẽ được đưa vào hoạt động trong năm 2024. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 43.700 tỷ đồng, dài gần 20km. Sau tuyến này, tuyến Metro số 2 (đoạn Bến Thành - Tham Lương) đang được thành phố giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật để khởi công các gói thầu chính vào năm 2025…

Vị thế "đầu tàu kinh tế" của cả nước

Một điểm nhấn về mặt cơ chế chính sách của TP Hồ Chí Minh, góp phần tạo nên sự tăng trưởng trở lại của đầu tàu kinh tế phía Nam và cả nước này, chính là việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 98/2023/QH15 (Nghị quyết 98) về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố. Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14, tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh khơi thông nguồn lực và tạo đà phát triển trở lại.

Việc ban hành cơ chế, chính sách đặc thù cho TP Hồ Chí Minh được đánh giá không phải là ưu ái riêng cho Thành phố mà thực tế đang trao cho TP Hồ Chí Minh những cơ chế vượt trội - phù hợp với thực tiễn, huy động nguồn lực và phát huy truyền thống sáng tạo, phát huy vai trò, tiềm năng và gắn trách nhiệm của TP Hồ Chí Minh đối với cả nước.

Bước sang năm 2024, những kết quả rất phấn khởi đã đến với TP Hồ Chí Minh trong quý I. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) quý I/2024 của Thành phố ước đạt 406.345 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ. Tất cả các ngành dịch vụ của Thành phố đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Tăng cao nhất là ngành vận tải kho bãi với mức tăng 16,24%, kế đến là dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,92%.

Nhìn rộng ra, nhiệm vụ phục hồi tăng trưởng không phải trên nguyên trạng, mà phải gắn với quá trình chuyển đổi cơ cấu, nâng cao chất lượng tăng trưởng, thực hiện nhanh quá trình số hóa nền kinh tế, xây dựng đô thị thông minh… hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, không chỉ là thách thức với TP Hồ Chí Minh trong năm 2024, mà còn là trong dài hạn.

Song tin rằng, với truyền thống cách mạng vẻ vang của thành phố này, với những thành tựu to lớn đã đạt được trong suốt gần nửa thế kỷ qua, TP Hồ Chí Minh sẽ vượt qua thách thức, tiếp tục đi trước về trước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, góp phần to lớn vào sự phát triển chung của cả đất nước Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP Hồ Chí Minh diện mạo mới sau gần nửa thế kỷ chuyển đổi mạnh mẽ, văn minh, hiện đại
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.