TP Hồ Chí Minh: Lò đốt rác mới sẽ phân hủy cả… Dioxin

Nhật Lệ (T/h)|23/10/2019 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Sự quan ngại nhất của ​​các nhà môi trường về việc đốt các chất thải rắn đô thị là sự tạo ra một lượng đáng kể lượng dioxin và phát thải furan.

Theo báo cáo, hiện lượng rác thải ra 1 ngày tại TP.HCM khoảng 9.000 tấn. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho biết, TP đã đặt ra mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 50% lượng rác thải được xử lý bằng cách đốt để phát điện, còn vào năm 2025 sẽ là 75%.

Theo ông Phong, vừa qua TP.HCM đã nâng cấp hai nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ của Đức và sắp tới sẽ khởi công thêm 1 nhà máy có công suất xử lý tương đương (2.000 tấn/ngày), do vậy Chủ tịch TP.HCM “hy vọng chỉ tiêu sẽ được thực hiện”.

Cũng theo ông Phong, công nghệ này (xử lý rác thải) không cần phân loại rác tại nguồn mà chỉ cần tách kim loại và các chất vô cơ, phần rác còn lại sẽ được đốt cháy ở nhiệt độ gần 1.000 độ C. “Với nhiệt độ này thì Dioxin cũng bị phân hủy nên không ảnh hưởng đến môi trường” – ông Phong cho hay.

Lò đốt rác. Ảnh minh họa

Nhiệt độ cần thiết để phá vỡ dioxin thường không đạt được khi đốt nhựa ở ngoài trời trong một cái hố đốt hoặc hố rác sẽ gây ra lượng dioxin cao. Mặc dù chất dẻo thường cháy trong lửa ngoài trời, dioxin vẫn còn lưu lại sau khi bị đốt cháy hoặc trôi nổi vào trong khí quyển, hoặc có thể ở trong tro, nơi có thể dẫn xuống nước ngầm khi mưa rơi xuống.

Các hợp chất của dioxin và furan liên kết rất mạnh với các bề mặt rắn và không bị hòa tan bởi nước, do đó các quá trình rửa được giới hạn ở vài milimet đầu tiên dưới đống tro. Các dioxin pha khí có thể bị phá huỷ đáng kể bằng cách sử dụng các chất xúc tác, một số trong đó có thể có mặt như là một phần của cấu trúc túi vải lọc.

Cùng với đó, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Toàn Thắng cho biết, hiện nay TP.HCM đang yêu cầu phân rác làm 3 loại gồm: rác hữu cơ, rác vô cơ và rác có thể tái chế, nhưng điều này đang gây khó khăn cho các hộ dân vì sự…  phức tạp.

Tuy nhiên, với công nghệ đốt rác mới người dân chỉ cần phân rác làm 2 loại là: rác có thể tái chế và chất thải còn lại. Với rác thải tái chế, TP sẽ thu gom bằng cách trả phí, do đó phương pháp này có tính khả thi cao hơn.

Để thực hiện mục tiêu này, vừa qua Sở TN&MT đã đề nghị UBND các quận huyện xây dựng kế hoạch và lộ trình để tổ chức sắp xếp lại mạng lưới thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn. Đồng thời hướng dẫn các tổ chức thu gom rác dân lập tìm hiểu cơ chế chính sách hỗ trợ để chuyển đổi mô hình hoạt động cho phù hợp.

Ngoài ra, các quận huyện còn cần xây dựng lộ trình sắp xếp các tổ chức thu gom rác dân lập, thay đổi phương tiện, đồng phục bảo hộ lao động; phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành chuyển đổi mô hình tổ chức thu gom rác và năm 2025 hoàn thành chuyển đổi phương tiện thu gom rác theo lộ trình.

Nhật Lệ (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP Hồ Chí Minh: Lò đốt rác mới sẽ phân hủy cả… Dioxin
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.