Tp. Hồ Chí Minh: Người dân phản ánh cơ sở tái chế phế liệu hoạt động nhiều “không”, “bức tử” môi trường

Phương Nam – Đào Dũng|07/08/2024 14:13
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Nhiều năm qua, môi trường xung quanh cơ sở tái chế nhôm phế liệu do ông Trần Vinh Dự làm chủ tại gần đường Trần Hải Phụng, ấp 58, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, Tp. Hồ Chí Minh bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi khói bụi và mùi hôi nồng nặc. Điều đáng nói, tro xỉ nhôm đốt xong thay vì phải lưu giữ, phân loại bảo quản theo quy định, thì cơ sở này để lộ thiên ngoài môi trường. Theo người dân, cơ sở này hiện nay đang hoạt động không có giấy phép và xả thải trực tiếp môi trường.

XEM VIDEO: Tp. Hồ Chí Minh: Người dân phản ánh cơ sở tái chế phế liệu hoạt động nhiều “không” bức tử môi trường

Theo phản ánh của người dân sinh sống xung quanh khu vực đường Trần Hải Phụng thuộc địa bàn ấp 58 xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, từ khi cơ sở nấu nhôm từ rác phế liệu do ông Trần Vinh Dự, sinh năm 1988, thường trú tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh làm chủ, cơ sở này hoạt động gây ô nhiễm từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn còn tồn tại. Khói bụi từ quá trình đốt rác, phế liệu (lon nhôm, giấy tráng, thùng phuy, nhôm… để tận thu nhôm, khói đen nghi ngút và mùi hôi nồng nặc. Cơ sở ngày ngày hoạt động từ 17 giờ đến 03 giờ sáng để tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng. Điều đáng nói, cơ sở này chỉ dựng lán trại tạm bợ, cột gỗ vách tole xiêu vẹo nhưng trang bị đến tận 07 lò đốt để nấu nhôm, vì vậy tình trạng gây ô nhiễm rất trầm trọng.

W_tai-che-nhom.jpg
Cơ sở tái chế nhôm phế liệu do ông Trần Vinh Dự làm chủ bị người dân tố cáo gây ô nhiễm môi trường

Cũng theo người dân “tro xỉ nhôm sau khi đốt xong không được ông Dự thu gom, chuyển giao cho đơn vị có chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường mà được ông Dự chôn thẳng xuống đất. Số tro xỉ này thuộc danh mục chất thải rắn công nghiệp, nếu có thành phần nguy hại thì thuộc danh mục chất thải nguy hại cần phải được bàn giao cho đơn vị xử lý chất thải được cấp phép. Hoạt động trong nhiều năm, số lượng tro xỉ tích tụ càng nhiều nhưng không được chuyển giao, ước tính khoảng 100 tấn tro được chôn tại các khu vực xung quanh cơ sở”.

Ngoài ra theo người dân, cơ sở tái chế nhôm này hoạt động nhiều năm không có giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép môi trường, giấy phép PCCC, trước sự việc này, người dân đã kiến nghị nhiều lần tới Ấp và chính quyền địa phương nhưng không hiểu vì sao chưa được xử lý, người dân đành phải “nương tựa” vào báo chí lên tiếng để cơ quan chức năng và chính quyền các cấp của huyện Bình Chánh quan tâm, xử lý dứt điểm và di dời đi nơi khác.

W_tai-che-nhom-1.jpg
Cơ sở tái chế nhôm phế liệu do ông Trần Vinh Dự làm chủ bị chốt chặn để giữ hiện trạng khu vực đổ thải

Ghi nhận thực tế cùng lãnh đạo xã tại cơ sở nấu nhôm ông Trần Vinh Dự, phía trước cửa xưởng của cơ sở này đang lập chốt chặn “khu vực chốt chặn và giữ hiện trạng khu vực đổ thải đối với cơ sở hoạt động nấu nhôm”, đi vào phía trong là những lán trại cột gỗ dựng xưởng tái chế mái nhựa tạm bợ, dưới đó gồm 07 lò đốt để nấu nhôm đang dừng hoạt động, tại đây những thùng sơn dính dầu đã qua sử dụng, giẻ lau dính dầu và rất nhiều đống tro xỉ được cơ sở đổ thải ngoài môi trường không được bảo quản, lưu giữ theo đúng quy định, cây xanh quanh lò tái chế bị héo khô vì khí thải và ô nhiễm, ngay kế bên các lò tái chế là xưởng tái chế thùng phuy, tại đây dầu mỡ không được cơ sở lưu giữu, mà thải ra môi trường, ngoài ra, cơ sở tự ý đào một bể chứa nước thải, màu đen mùi hôi nồng nặc.

W_truong-ap.jpg
Ông Lê Ngọc Thanh – Trưởng ấp 58, xã Vĩnh Lộc B khẳng định cơ sở tái chế nhôm phế liệu hoạt động xả thải ra môi trường là sai

Theo ông Lê Ngọc Thanh – Trưởng ấp 58 cho biết: “cơ sở nấu tái chế phế liệu hoạt động như hiện nay về môi trường là sai, khi làm người dân đã kiến nghị phản ánh về hoạt động gây ô nhiễm của cơ sở này, qua đó Ấp đã kiến nghị lên trên và xã đã cho tổ chức tiến hành kiểm tra. Mong muốn cấp trên hỗ trợ xử lý dứt điểm và di dời cơ sở tái chế nhôm này đi nơi khác”.

W_pct-xa-vinh-loc-b.jpg
Ông Nguyễn Văn Nhạo – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B trao đổi với PV Moitruong.net.vn

Trước những vấn đề này, trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống, ông Nguyễn Văn Nhạo – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B cho biết: “Ngay từ khi hoạt động, cơ sở này không có hồ sơ giấy tờ giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy phép môi trường và PCCC, cơ sở này hoạt động hoàn toàn sai phạm. Tôi là người trực tiếp chỉ đạo kiểm tra hồi tháng 5 vừa rồi và đề nghị cơ sở ngưng hoạt động, do cơ sở này không chấp hành xã đã phối hợp cơ quan chức năng để kiểm tra xử lý.

Ngày 05,06 tháng 7 năm 2024, UBND xã Vĩnh Lộc B phối hợp với công an huyện Bình Chánh, phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bình Chánh tiến hành kiểm tra cơ sở do ông Trần Vinh Dự làm chủ theo quyết định kiểm tra số 4050/QĐ-KT ngày 05 tháng 7 năm 2024 của Trưởng công an huyện Bình Chánh đối với cơ sở nấu nhôm của ông Trần Vinh Dự.

W_do-tro-xi.jpg
Tro xỉ sau quá trình nấu nhôm phế liệu được ông Trần Vinh Dự đổ thải tràn lan ra ngoài môi trường

Qua kiểm tra, đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở ông Trần Vinh Dự đổ thải tro, xỉ nhôm ra các khu vực xung quanh nơi sản xuất. Đoàn đã tiến hành thu mẫu chất thải rắn công nghiệp (tro, xỉ nhôm) để phân tích thành phần nguy hại. Đoàn kiểm tra tiến hành cân đo khối lượng chất thải rắn công nghiệp (tro, xỉ nhôm). Kết quả cân, đo khối lượng chất thải với tổng khối lượng: 135.740 kg (một trăm ba mươi lăm nghìn bảy trăm bốn mươi kilogam).

Để chốt chặn, ngày 08 tháng 7 năm 2024, Công an huyện Bình Chánh có công văn số 4728/CABC-CSKT về việc đề nghị chốt chặn, giữ nguyên hiện trạng bãi đổ chất thải. Trên cơ sở đó, ngày 09 tháng 7 năm 2024, UBND xã Vĩnh Lộc B đã ban hành kế hoạch về việc chốt chặn, giữ nguyên hiện trạng bãi đổ thải của cơ sở hoạt động nấu nhôm tại địa chỉ: ấp 58, xã Vĩnh Lộc B. Thời gian triển khai thực hiện từ ngày 08 tháng 7 năm 2024 đến khi có thông báo mới của công an huyện Bình Chánh.

W_a82e3566fa2a5e74073b.jpg
Chất thài nguy hại được che đậy sơ sài

Hiện nay, cơ sở hoạt động trên đất trồng lúa thuộc chủ sử dụng quyền sử dụng đất: ông Nguyễn Văn Hỗn, thường trú: A5/40 ấp 1, xã Vĩnh Lộc B, pháp lý xây dựng các công trình bên trong: vị trí khu đất các công trình xây dựng không phép. Hiện vụ việc đang được Công an huyện Bình Chánh tiếp tục củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường”.

W_do-tro-xi-1.jpg
Tro xỉ của cơ sở tái chế nhôm phế liệu do ông Trần Vinh Dự không có thiết che chắn, tiềm ẩn nguy có gây ô nhiễm môi trường

Khi PV đặt câu hỏi, từ khi cơ sở nấu nhôm Trần Vinh Dự đi vào hoạt động, UBND huyện Bình Chánh và công an huyện đã bao giờ phối hợp UBND xã tiến hành kiểm tra, xử phạt, đình chỉ hoạt động đối với cơ sở ông Trần Vinh Dự hay chưa? UBND xã Vĩnh Lộc B đã có báo cáo UBND huyện về tình hình hoạt động đối với cơ sở về môi trường, PCCC, đăng ký kinh doanh…?. Ông Nguyễn Văn Thạo – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc B cho biết: “Quan điểm của xã đối với cơ sở này sai đến đâu xử lý đến đó, vừa qua tôi đã mời ông Trần Vinh Dự lên làm việc tại Ủy ban xã và đề nghị cơ sở ngừng hoạt động, yêu cầu xin phép hoàn thiện các thủ tục giấy tờ theo quy định mới được hoạt động. Việc báo cáo huyện về hồ sơ, giấy tờ hay xử phạt đối với cơ sở ông Trần Vinh Dự hay chưa, tôi sẽ xem lại vì tôi mới về xã tháng 12 năm 2023”.

Để chấn chỉnh tình trạng trên, Kính đề nghị các cơ quan chức năng Tp. Hồ Chí Minh, huyện Bình Chánh vào cuộc và xử lý dứt điểm cơ sở tái chế nhôm, gây ô nhiễm môi trường, yêu cầu di dời ra khỏi khu dân cư, tránh gây bức xúc trong dư luận.

Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống – Moitruong.net.vn sẽ tiếp tục thông tin.

Khoản 1 Điều 235 Bộ luật hình sự 2015 quy định:

"Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam chất thải nguy hại có thành phần nguy hại đặc biệt vượt ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật hoặc có chứa chất phải loại trừ theo Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy hoặc từ 3.000 kilôgam đến dưới 10.000 kilôgam chất thải nguy hại khác; ...

g) Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường trái pháp luật chất thải rắn thông thường từ 100.000 kilôgam đến dưới 200.000 kilôgam hoặc từ 70.000 kilôgam đến dưới 100.000 kilôgam nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;"

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
Tp. Hồ Chí Minh: Người dân phản ánh cơ sở tái chế phế liệu hoạt động nhiều “không”, “bức tử” môi trường