Môi trường đô thị

TP Hồ Chí Minh quy hoạch thêm 2 tuyến metro, nâng tổng số tuyến lên 12

Thanh Thanh 06/01/2025 10:00

Theo phụ lục danh mục hệ thống đô thị TP Hồ Chí Minh vừa được Thủ tướng thông qua, TP Hồ Chí Minh bổ sung 2 tuyến đường sắt, thay vì 10 tuyến như đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị.

Theo đó, hai tuyến được bổ sung là tuyến đường sắt số 11, tuyến ven sông, được thực hiện bằng loại hình LRT (đường sắt nhẹ), đi từ điểm đầu quận Bình Tân và kết thúc tại huyện Củ Chi. Chiều dài tuyến hơn 48 km.

Tuyến số 12 lộ trình dự kiến đi từ Quận 7 đến khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ, cũng dài hơn 48 km. Loại hình dự kiến là đường sắt nhẹ hoặc tàu điện ngầm (LRT hoặc MRT).

capture.png
TP Hồ Chí Minh quy hoạch thêm 2 tuyến metro, nâng tổng số tuyến lên 12

Trước đó, vào tháng 7/2024, Sở Giao thông Vận tải và Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP Hồ Chí Minh thống nhất đề xuất nghiên cứu bổ sung tuyến đường sắt đô thị (loại hình phù hợp) từ trung tâm TP Hồ Chí Minh đi Cần Giờ vào hợp phần giao thông trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.

Tuyến đường sắt này xuất phát từ chỉ đạo của Thủ tướng sau chuyến đi khảo sát, kiểm tra, làm việc tại huyện Cần Giờ năm 2023 (ngày 18/7/2023), sau đó Thành ủy, UBND TP Hồ Chí Minh cũng có chủ trương và chỉ đạo.

Về hướng tuyến, hai sở thống nhất cần quy hoạch định hướng một số vị trí khống chế, để có thể nghiên cứu điều chỉnh cục bộ hướng tuyến trong các bước tiếp theo. Tương tự, việc đi trên cao hoặc đi ngầm cũng cần bổ sung nguyên tắc để có thể xem xét điều chỉnh ở các bước triển khai tiếp theo.

Theo đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, TP Hồ Chí Minh sẽ có 355 km metro vào năm 2035. Thành phố cũng đặt mục tiêu hoàn thành 510 km hệ thống metro vào năm 2045, thay vì vào năm 2060.

Để triển khai các dự án, TP Hồ Chí Minh xác định đầu tư công là chủ đạo, thông qua các nguồn từ ngân sách, phát triển mô hình TOD, phát hành trái phiếu địa phương... Ngoài ra, thành phố cũng sẽ huy động thêm từ các nguồn khác như vay trong nước, hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao)...

Việc vận hành các tuyến metro mang lại nhiều tác dụng tích cực đối với môi trường. Đầu tiên, hệ thống metro giúp giảm thiểu số lượng xe hơi cá nhân lưu thông trên đường, làm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm tiếng ồn. Bên cạnh đó, việc phát triển các tuyến metro còn thúc đẩy việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng, góp phần bảo vệ không gian sống và cảnh quan đô thị, tạo ra một môi trường sống trong lành và bền vững hơn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP Hồ Chí Minh quy hoạch thêm 2 tuyến metro, nâng tổng số tuyến lên 12
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.