Ông Phạm Ngọc Dũng – giám đốc Trung tâm Quản lý đường thủy thuộc Sở Giao thông vận tải TP.HCM – cho biết cuối tháng 2/2020 sẽ triển khai dự án nạo vét bùn dưới kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (qua các quận 1, 3, Phú Nhuận, Tân Bình, Bình Thạnh) dài 9km.
Dự án nhằm cải thiện môi trường sống cho người dân ở hai bên bờ kênh và giảm thiểu tình trạng cá chết nhiều trên tuyến kênh này.
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè đi qua nhiều quận trung tâm TP sẽ được nạo vét để được cải thiện môi trường tốt hơn
Thời gian qua, nước thải bùn, rác vào kênh rất nhiều, bên cạnh ảnh hưởng dòng chảy từ sông Sài Gòn gây bồi lắng một số đoạn kênh gây cản trở thoát nước. Đồng thời, khi nước ròng có những đoạn bị trơ đáy gây bốc mùi hôi ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, mỹ quan đô thị.
Việc triển khai thi công nạo vét bùn được thực hiện 3 đợt: đợt 1 nạo vét đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến cầu số 6; đợt 2 nạo vét đoạn từ cầu số 6 đến đường Út Tịch; đợt 3 nạo vét đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến ngã ba sông Sài Gòn.
Tổng khối lượng bùn được nạo vét dự kiến khoảng 122.000m3 và sẽ được đưa đến khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước để xử lý. Tổng kinh phí nạo vét 36,5 tỉ đồng, dự kiến thời gian mỗi đợt thi công nạo vét khoảng 75 ngày.
Trung tâm quản lý đường thủy đã yêu cầu nhà thầu thi công dùng chế phẩm EM trong quá trình thi công nạo vét bùn để khử mùi nhằm làm giảm thiểu tác hại mùi hôi gây khó chịu đến người dân.
Lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè có diện tích hơn 33km2 là nơi sinh sống của hơn triệu dân TP.HCM; trải dài qua các quận Tân Bình, Phú Nhuận, Bình Thạnh và đặc biệt là 2 quận trung tâm 1 và 3.
Đây từng là dòng kênh “khét tiếng” về độ ô nhiễm, hôi thối của TP.HCM trong hàng chục năm trời. Đến những năm 2000, TP tiến hành triển khai dự án cải tạo con kênh với số tiền 8.600 tỷ đồng, trong đó vốn ODA của WB là 5.252 tỷ đồng, còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TP, 7.000 hộ dân phải di dời.
Công nhân vớt rác trên sông để trả lại dòng kênh trong xanh hơn
Từ năm 2002, TP.HCM khởi động dự án cải thiện vệ sinh môi trường. Năm 2012 dự án hoàn thành, dòng kênh được tái tạo.
Ông Cao Văn Tuấn – Trưởng phòng công nghệ môi trường và kiểm tra chất lượng, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP cho biết: “Mỗi ngày công nhân vớt từ 8 -10 tấn rác. Ngoài việc vớt rác ra còn kết hợp các chương trình như Hành trình xanh, Một ngày làm công nhân vớt rác… để nâng cao nhận thức người dân”.
Trước tình hình cá chết hàng loạt, Sở GTVT TP vừa đề xuất TP thực hiện việc nạo vét kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, trong năm 2019 là từ đoạn cầu Lê Văn Sỹ đến đường Út Tịch với tổng kinh phí 16 tỷ đồng. Trong năm 2020 sẽ sử dụng thêm 14 tỷ để nạo vét đoạn còn lại. Nguồn kinh phí trích từ nguồn vốn duy tu đường thủy.
Thanh Hương (T/h)