TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi

Thanh Hương (T/h)|18/10/2019 11:00
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Việc tăng cường mời thầu rộng rãi khiến ngày càng nhiều nhà thầu quan tâm đến các gói thầu phát triển hệ thống thủy lợi của Thành phố Hồ Chí Minh.

Trong một thời gian ngắn, TP.HCM liên tục chỉ đạo đẩy nhanh triển khai các dự án phát triển hệ thống thủy lợi.

Trong tháng 9/2019, UBND TP.HCM đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Quản lý khai thác dịch vụ thủy lợi đẩy nhanh tiến độ đầu tư nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi. Dự án này đã được Thành phố chấp thuận chủ trương, trong đó có kênh N46 cấp nước thô cho Nhà máy Nước Kênh Đông; tổ chức khai thác hiệu quả nguồn nước từ hệ thống công trình thủy lợi kênh Đông Củ Chi, đảm bảo cung cấp nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, sinh hoạt và dân sinh trong điều kiện biến đổi khí hậu.

Thành phố cũng yêu cầu Công ty CP Cấp nước Kênh Đông đẩy nhanh tiến độ đầu tư Nhà máy Nước Kênh Đông II đáp ứng công suất cấp nước đã được duyệt, đảm bảo đúng tiến độ, mục tiêu, nhiệm vụ của công trình theo Quy hoạch cấp nước TP.HCM đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ duyệt.

Ngày 10/10/2019, TP.HCM tiếp tục có chủ trương triển khai thực hiện 4 dự án thủy lợi trên địa bàn. Đó là các dự án nâng cấp hệ thống thủy lợi Hóc Môn – Bắc Bình Chánh, Tiểu vùng I (huyện Củ Chi), Tiểu vùng II (huyện Bình Chánh, huyện Hóc Môn) và Tiểu vùng III (huyện Bình Chánh, huyện Nhà Bè). Các dự án này do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM làm chủ đầu tư.

Gần 10 năm qua, TP.HCM đã “rót” gần 2.000 tỷ đồng đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Ảnh: Nhã Chi

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP.HCM, gần 10 năm qua, Thành phố đã “rót” gần 2.000 tỷ đồng đầu tư hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới (NTM) với hàng trăm công trình xây dựng.

Trong 5 huyện làm NTM của TP.HCM, Bình Chánh được đầu tư vốn cho thủy lợi nhiều nhất. Trong giai đoạn 2010 – 2015, huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 100 công trình thuộc Đề án xây dựng NTM. Giai đoạn 2016 – 2020, huyện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 7 công trình; phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật và chuẩn bị khởi công 52 công trình thủy lợi.

Được biết, huyện Bình Chánh cũng đang làm chủ đầu tư thực hiện 7 công trình thủy lợi, gồm: Rạch Tua Bể, kênh Giao thông hào ấp 3, rạch Chùa, rạch Chín Do, kênh T3, kênh T4, kênh Đường Bà Cả.

Tại huyện Cần Giờ, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng khu vực huyện cho biết, đang chuẩn bị đầu tư các công trình thủy lợi thuộc Đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng NTM xã, huyện giai đoạn 2016 – 2020; triển khai thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới thủy lợi phục vụ phát triển thủy sản và diêm nghiệp trên địa bàn huyện Cần Giờ giai đoạn 2016 – 2020. Từ cuối năm 2018 đến nay, có 22 công trình thủy lợi được triển khai trên địa bàn huyện. Trong đó, 1 công trình đã nghiệm thu đưa vào sử dụng; 3 công trình có khối lượng thi công đạt 90%; 18 công trình có khối lượng thi công đạt 20 – 40%.

Tăng cường chất lượng đấu thầu, thi công

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM được giao làm bên mời thầu nhiều dự án xây dựng hệ thống thủy lợi. Trong thời gian qua, bên mời thầu này đã triển khai mời thầu nhiều gói thầu xây lắp lớn.

Cụ thể, Gói thầu 34-XL7 Xây dựng đê bao và công trình dưới đê bao sông Sài Gòn đoạn từ sông Lu đến rạch Bà Bếp (đoạn từ cống Đ12 đến hết phạm vi cống Đ15) thuộc Dự án Xây dựng hệ thống thủy lợi ven sông Sài Gòn đoạn từ sông Lu đến rạch Bà Bếp; Gói thầu số 25 Đê bao và công trình trên đê bao ven sông Sài Gòn đoạn từ K0 – K0+900 thuộc Dự án Đê bao ven sông Sài Gòn đoạn từ rạch Nàng Âm đến rạch Láng The. Đây đều là các gói thầu lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Bên cạnh đó, nhiều gói thầu thuộc Dự án Nâng cấp hệ thống thủy lợi kênh Đông Củ Chi đã và đang được mời thầu rộng rãi, thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà thầu. Bên mời thầu này đặc biệt chú trọng công tác lựa chọn nhà thầu và giám sát thi công nhằm đảm bảo các công trình thi công chất lượng, an toàn, đáp ứng kế hoạch đề ra.

Văn phòng Điều phối NTM TP.HCM đánh giá, việc đầu tư công trình thủy lợi trên địa bàn 5 huyện và 56 xã xây dựng NTM (phân cấp cho các huyện) và các dự án thủy lợi lớn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM thực hiện đã góp phần làm giảm nguy cơ xâm nhập mặn, giữ ngọt, cơ bản đáp ứng nhu cầu tưới tiêu, ngăn mặn, phòng chống triều cường kết hợp giao thông nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Thanh Hương (T/h)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
}
TP. Hồ Chí Minh: Tăng cường đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi
(*) Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống. Cấm sao chép dưới mọi hình thức nếu không có sự chấp thuận bằng văn bản.