Với 9.300 tấn rác thải phải xử lý mỗi ngày, sau nhiều năm triển khai việc phân loại rác từ nguồn không mang lại hiệu quả như mong muốn. Cùng với đó, thành phố đặt mục tiêu đến năm 2020, ít nhất 50% lượng rác thải được đốt để phát điện, góp phần tạo dựng môi trường sống trong sạch hơn.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày, thành phố Hồ Chí Minh phải xử lý 9.300 tấn rác thải. Toàn thành phố có 1.500 tổ thu gom rác dân lập với hơn 1.700 phương tiện thu gom. Theo cách thức phân loại rác tại nguồn được thành phố Hồ Chí Minh áp dụng từ năm 2006 đến nay, chất thải rắn sinh hoạt được chia thành ba nhóm như sau: Nhóm chất thải hữu cơ dễ phân hủy (thức ăn thừa, lá cây, rau, củ quả…); nhóm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế (giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông…); nhóm chất thải còn lại (không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình, chủ nguồn thải).
Tuy nhiên, thực tế việc thu gom, vận chuyển rác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua cho thấy còn có nhiều bất cập: Giờ thu gom chưa thống nhất; nhiều địa bàn đường hẻm nhỏ hẹp, phương tiện di chuyển khó khăn; ở một số địa phương thí điểm phân loại rác từ nguồn chưa có xe chuyên dụng vận chuyển từng loại rác. Ở nhiều nơi khác, người dân chưa hợp tác cùng đơn vị thu gom rác… Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, cách thu gom cũ đã triển khai quá lâu, giờ lạc hậu nhiều so với thế giới. “Hiện nay, công nghệ đốt rác rất phát triển, tất cả các loại rác đều có thể đốt sinh điện. Vậy có cần thiết phải phân loại rác tại nguồn hay không? Câu trả lời là rất cần, nhưng phải làm theo cách khác”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan nói.
Các mẫu xe chuyên dụng vận chuyển rác bảo đảm vệ sinh môi trường và an toàn kỹ thuật
Thay đổi để xử lý rác hiệu quả hơn
Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập của cách làm cũ, nâng cao chất lượng phân loại rác từ nguồn và thu gom, vận chuyển hợp vệ sinh, UBND thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương điều chỉnh cách thức phân loại, thu gom rác sát với thực tế hơn. Cụ thể sẽ chỉ còn hai nhóm rác, gồm nhóm rác có thể tái chế và nhóm rác khác. Nhóm rác có thể tái chế sẽ được tổ chức thu gom vào thứ bảy, chủ nhật hằng tuần để chuyển đến các cơ sở tái chế. Với nhóm rác còn lại sẽ được thu gom hằng ngày, chuyển ngay về các nhà máy xử lý rác trong thành phố… UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng đã đưa ra hai giải pháp tiến hành đồng bộ: Pháp nhân hóa và chuyên nghiệp hóa lực lượng thu gom rác dân lập (đang thu gom 60% lượng rác thải sinh hoạt của thành phố); đa dạng hóa các phương tiện vận chuyển rác phù hợp với từng loại rác sau phân loại.
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng, thực hiện sự chỉ đạo về việc chuyển các tổ, nhóm thu gom rác dân lập thành các hợp tác xã và doanh nghiệp, hiện thành phố đã chuyển được khoảng hơn 50% (1.400 trong số 2.500 đơn vị thu gom rác). Dự kiến trong giai đoạn 2020-2021, các quận nội thành sẽ hoàn tất việc chuyển đổi, sắp xếp lại các tổ, nhóm thu gom rác dân lập. Giai đoạn 2020-2025, các huyện ngoại thành sẽ phải chuyển đổi phương tiện vận chuyển, phân loại rác đúng quy định. Cũng theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, UBND thành phố đã đồng ý bổ sung vốn cho Quỹ Bảo vệ môi trường nhằm giúp các bên vay để chuyển đổi phương tiện vận chuyển rác hợp chuẩn. Thời gian cho vay nâng lên 7 năm.
Đến tháng 11-2019, thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra 18 mẫu xe vận chuyển rác để các địa phương lựa chọn phù hợp với thực tế ở cơ sở. Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Minh Nhựt cho biết, theo quy định mới, tất cả các mẫu xe vận chuyển rác tại thành phố Hồ Chí Minh phải được chuẩn hóa, bảo đảm kỹ thuật và an toàn. Các xe vận chuyển rác phải có thùng kín, có hệ thống thu hồi nước thải từ rác. Cũng theo ông Huỳnh Minh Nhựt, các phương tiện cơ giới thu gom rác phải được Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường. Những xe này được kiểm tra định kỳ tại các trạm đăng kiểm và dán tem lưu hành theo đúng quy định.
UBND thành phố Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2020, 50% lượng rác thải của thành phố được xử lý bằng công nghệ đốt phát điện. Để hiện thực hóa điều này, trong các tháng 8, 10 và 11-2019, thành phố Hồ Chí Minh đã cùng các nhà đầu tư khởi công xây dựng 3 nhà máy đốt rác phát điện. Theo tính toán, khi các nhà máy này đi vào hoạt động từ cuối năm 2020, sẽ có ít nhất 6.000 tấn rác thải mỗi ngày được biến thành điện năng, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội thành phố.
Hồng Nhung (T/h)