TP Hồ Chí Minh: Tìm nguyên nhân tình trạng cây xanh bật gốc, gãy đổ mùa mưa bão

Tuấn Kiệt|03/06/2022 09:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Moitruong.net.vn – Liên tiếp các vụ việc cây bật gốc, gãy đổ ra đường tại TP Hồ Chí Minh thời gian qua khiến nhiều người lo lắng về mức độ an toàn, nhất là khi mùa mưa đến.

Chiều 2/6, TP Hồ Chí Minh họp báo về tình hình kinh tế – xã hội tháng 5, nhiệm vụ giải pháp tháng 6 và công tác phòng chống dịch COVID-19.

Tại họp báo, ông Lê Quang Đạo – Trưởng phòng Hạ tầng Kỹ thuật, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, với tình trạng cây ngã đổ trong mùa mưa bão, Sở Xây dựng cùng các đơn vị liên quan coi việc chăm sóc, duy tu cây xanh là công tác thường xuyên của ngành, hằng năm đều có rút kinh nghiệm.

Từ đầu năm 2022, sở đã tổ chức thực hiện các công tác nhằm làm giảm thiểu các rủi ro, cây ngã đổ, cụ thể như: chỉ đạo tất cả đơn vị, trong đó có Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (đơn vị được giao quản lý cây xanh trên địa bàn TP) đốn hạ cây sâu bệnh, già cỗi, cắt tỉa ngọn để hạn chế mức thấp nhất việc gãy nhánh, ngã cây khi có dông gió lớn.

Mưa lớn khiến cho cây xanh bật gốc. Ảnh minh hoạ: Anh Tú

Theo đại diện Sở Xây dựng, sở đã có phương pháp ứng phó sự cố cây xanh ngã đổ. Cụ thể, Trung tâm quản lý hạ tầng đô thị sẽ chủ trì, phối hợp với các đơn vị chăm sóc bảo dưỡng cây tổ chức xử lý ngay khi có sự cố. Đồng thời phối hợp với các đơn vị khác như công ty điện lực xử lý nếu có sự cố liên quan xảy ra.

Về nhiệm vụ lâu dài, ông Đạo thông tin: trong đề án phát triển cây xanh trong giai đoạn 2020 – 2030 đã được UBND TP thông qua, có nhiệm vụ nghiên cứu các chủng loại cây phù hợp với yếu tố thiên nhiên, khí hậu của TP, tránh những loại cây không phù hợp trồng trong đô thị; nghiên cứu một số biện pháp siêu âm cây, để tìm các khiếm khuyết, làm sao để đảm bảo an toàn cho người dân.

Cũng tại họp báo, thượng tá Lê Mạnh Hà – Phó Phòng tham mưu Công an TP.HCM – cho biết gần đây có tình trạng các đối tượng xấu đánh cắp thông tin hoặc giả thông tin cá nhân để trục lợi bằng cách tạo app, tạo tài khoản ngân hàng giả để vay tiền qua app tín dụng.

Ông Hà cho rằng, có 3 nguyên nhân chính của việc để lọt thông tin cá nhân. Thứ nhất, công tác phòng ngừa đảm bảo an toàn thông tin của một số cơ quan đơn vị, doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, do đó tội phạm có thể đăng nhập, trộm cắp thông tin, số lượng lớn.

Thứ hai, tình trạng rao bán trên mạng các thông tin cá nhân nhằm mua bán và trục lợi. Thứ ba là do một bộ phận người dân còn thiếu cảnh giác trong bảo vệ thông tin cá nhân, không nắm được các quy định của ngân hàng về bảo mật thông tin.

Theo ông Hà, ban giám đốc Công an TP đã chỉ đạo PA05 tăng cường nắm tình hình về phương thức thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này, để tổ chức phòng ngừa đấu tranh, xử lý; tuyên truyền cho người dân về ý thức bảo vệ thông tin cá nhân và các thủ đoạn của các loại tội phạm; xử lý nghiêm các hành vi liên quan đến tội phạm trên mạng, mạng máy tính, mạng viễn thông và các hành vi làm giả giấy tờ chiếm đoạt tài sản. Trong năm 2021, xử lý khởi tố 2 vụ, bắt tạm giam 7 đối tượng về hành vi làm giả giấy tờ.

Bên cạnh đó, tập hợp báo cáo Bộ Công an, kiến nghị các bộ ngành chức năng quản lý nhà mạng khắc phục lỗ hổng trong quản lý nhà nước, trong mở tài khoản ngân hàng, trong quản lý sim di động.

“Hiện nay Bộ Công an đang tiếp tục tham mưu cho Chính phủ thực hiện đề án 06, phát triển dịch vụ ứng dụng xác thực định danh điện tử, trên cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, chính giải pháp căn cơ này giúp các giao dịch về tài chính, thương mại mang tính chính danh. Do vậy thời gian tới sẽ giải quyết triệt để các đối tượng làm giả giấy tờ”, ông Hà nói.

Tuấn Kiệt

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Tìm nguyên nhân tình trạng cây xanh bật gốc, gãy đổ mùa mưa bão