(Moitruong.net.vn) – Một trong những khâu quan trọng của chống ngập là quan trắc diễn tiến tại hiện trường ngập lụt báo về trung tâm, giúp cơ quan chức năng nắm bắt tình hình sớm có phương án xử lý nhanh nhất. Quá trình quan trắc thông qua sensor cảm ứng và phần mềm thu thập phân tích, xử lý dữ liệu quan trắc sẽ được thực hiện từ nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh (SHTP).
Một điểm đang được thi công để lắp đặt thí điểm quan trắc cảnh báo ngập lụt trên đường Lã Thanh Oai, Quận 9
ThS Nguyễn Tấn Khoa, cán bộ Phòng Quản lý khoa học, Trung tâm Nghiên cứu Triển khai SHTP cho biết, hệ thống quan trắc mực nước tự động nhằm cảnh báo ngập lụt bao gồm: Mạch điện truyền thông 3G và module cảm biến áp suất.
Phần mềm quản lý dữ liệu tập trung và ứng dụng trên thiết bị di động. Trong đó, cảm biến áp suất do Trung tâm Nghiên cứu và triển khai SHTP nghiên cứu và chế tạo. Khi có tình trạng ngập lụt do triều cường hoặc mưa, hệ thống này sẽ tự đo mực nước (5 phút/lần) và truyền dữ liệu về máy chủ. Sau khi phân tích dữ liệu nhận được ở các điểm ngập, phần mềm quản lý dữ liệu sẽ đưa ra thông tin cảnh báo ngập và lộ trình di chuyển cho người dân trên thiết bị di động. Đặc biệt, phần mềm quan trắc không sử dụng bản đồ của Google. Người dân sẽ sử dụng bản đồ do SHTP xây dựng trên dữ liệu của Sở Tài nguyên Môi trường thành phố Hồ Chí Minh thông qua ứng dụng cung cấp miễn phí trên Appstore hoặc Google Play.
Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Triển khai Khu Công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh cho biết thêm, SHTP cũng đang lắp đặt thử nghiệm hệ thống quan trắc nước thải tự động. Trong đó, SHTP đã Việt hóa phần mềm quản lý dữ liệu và hướng tới làm chủ bộ lưu trữ dữ liệu. Bộ phận cảm biến của hệ thống này hiện phải nhập từ nước ngoài, nhưng mục tiêu của SHTP sẽ tiếp tục nghiên cứu làm chủ công nghệ để tự sản xuất. Riêng hệ thống cảnh báo chống ngập sẽ được lắp đặt thí điểm trong tháng 10/2017 ở 15 điểm thường xảy ra ngập lụt tại 8 quận của thành phố (Quận 2, 5, 6, 8, 9, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức).
Ngoài ra, SHTP tập trung đào tạo nguồn nhân lực MEMS để thực hiện hiệu quả các kế hoạch hệ thống tích hợp cả phần vi điện tử và phần cơ khí (MEMS), tiếp nhận những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực MEMS trên thế giới để triển khai, tạo ra những sản phẩm trong nước, phục vụ xây dựng thành phố thông minh. Đây là nhiệm vụ UBND thành phố Hồ Chí Minh giao cho SHTP chủ trì, triển khai Đề án xây dựng thành phố Hồ Chí Minh trở thành thành phố thông minh vào tháng 10 tới, thí điểm ở một số quận, huyện.
Theo ĐSPL