Trà Vinh đầu tư hơn 86 tỷ đồng hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp

Minh Châu|25/03/2024 15:30
Theo dõi Môi trường & Cuộc sống trên

Chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh, năm 2024 tỉnh Trà Vinh bố trí trên 86 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Đây là chính sách được thực hiện theo Nghị quyết số 03/2021/NQ-HĐND, ngày 19/3/2021 của HĐND tỉnh ban hành Quy định chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, tỉnh phân bổ hơn 73,6 tỷ đồng cho 9 huyện, thị xã, thành phố hỗ trợ nông dân và các cơ sở sản xuất, tiêu thụ rau an toàn; trồng mới, cải tạo vườn cây ăn trái, vườn dừa, vườn tạp, đất trồng mía; hỗ trợ quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP; hỗ trợ chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả.

nong-nghiep.jpg
Ảnh minh họa.

Huyện Duyên Hải là địa phương được phân bổ nhiều nhất với hơn 50,5 tỷ đồng để hỗ trợ 533 cơ sở trên địa bàn thực hiện quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt VietGAP với tổng số tiền trên 49 tỷ đồng và hỗ trợ 15 cơ sở sản xuất, tiêu thụ rau an toàn với kinh phí 1,5 tỷ đồng.

Tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gần 12,4 tỷ đồng để hỗ trợ các cơ sở tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển trồng rừng và bảo vệ rừng phòng hộ; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; hỗ tợ ngư dân sắm, lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Trà Vinh bố trí kinh phí hơn 390 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GRDP toàn ngành nông nghiệp tăng từ 2,5 - 03%/năm; giá trị sản lượng bình quân trên 01ha đất sản xuất nông nghiệp đạt 180 triệu đồng/năm; thu nhập của người dân nông thôn tăng ít nhất 02 lần so với năm 2020.

Năm 2023, tỉnh Trà Vinh đã chuyển đổi trên 2.300 ha đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác hoặc nuôi thủy sản. Theo đánh giá ban đầu của ngành nông nghiệp, hầu hết diện tích chuyển đổi đều hiệu quả. Cụ thể, tổng diện tích chuyển đổi sang trồng cây hàng năm trên 630 ha cho hiệu quả tăng gấp từ 1,25- 7,02 lần so với trước khi chuyển đổi. Với gần 1.586 ha trồng lúa chuyển đổi sang cây lâu năm, hiệu quả tăng từ 2,63-6,75 lần. Diện tích trồng lúa kết hợp nuôi thủy sản và chuyên nuôi thủy sản trên 84 ha cho hiệu quả tăng từ 2,86-8,65 lần.

Tính đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có hơn 29.500 ha đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản được ứng dụng khoa học công nghệ, như: nuôi tôm công nghệ cao, công nghệ tưới phun bán tự động, sử dụng nhà lưới, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, GAP, VietGAP, GlobalGAP, đạt tiêu chuẩn ASC... Hầu hết các mô hình sản xuất ứng dụng khoa học công nghệ cho hiệu quả kinh tế cao hơn 3 – 10 lần so với các mô hình sản xuất thông thường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trà Vinh đầu tư hơn 86 tỷ đồng hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp